Phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2030
Ngày cập nhật 16/08/2023

Ngày 14/8/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1911/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2030.

Nhằm hướng đến xây dựng mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ có chất lượng, hiệu quả, bản sắc, phát huy tối đa những giá trị tiêu biểu của di sản, đảm bảo tính phối hợp liên ngành, liên vùng và xã hội hóa có sự tham gia tích cực của cộng đồng, tạo thêm việc làm cho người lao động, phát huy tối đa không gian Di sản để tránh lãng phí, chống xuống cấp công trình khi không có người ở và chăm sóc thường xuyên, Đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế hướng đến mục tiêu tổ chức lại phương thức quản lý và khai thác dịch vụ theo hướng vừa tự chủ động vừa kết hợp tăng cường kêu gọi xã hội hoá khai thác dịch vụ tại khu di tích. Phát huy tối đa nguồn lực của đơn vị tham gia khai thác kinh doanh dịch vụ; nghiên cứu tăng thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách, tăng doanh thu chung cho cả ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ có chọn lọc; tăng cường mở rộng các hoạt động dịch vụ trải nghiệm, có tính tương tác cao với du khách tạo điểm đến sinh động nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu giá trị khu di tích ngày càng nhiều hơn. Gắn việc giới thiệu văn hóa cung đình Nguyễn với thúc đẩy các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế phát triển thông qua các hoạt động trình diễn, trải nghiệm, tương tác với du khách.
 
Đại nội Huế. Ảnh: huetourism.gov.vn
 
Bên cạnh đó, Đề án cũng hướng đến việc tăng cường công tác truyền thông, marketing, ứng dụng công nghệ nhằm quảng bá rộng rãi đến du khách và phong phú thêm loại hình dịch vụ, phấn đấu doanh thu giai đoạn 2023 - 2026 đạt khoảng 120 tỷ; tăng trưởng bình quân hàng năm bình quân đạt khoảng 12-15%/năm; giai đoạn 2027 - 2030 tăng trưởng đạt khoảng 20%/năm. 
Để làm được điều đó, Đề án đã đưa ra các phương án triển khai các hoạt động dịch vụ như sau: 
1. Khu vực Hoàng Thành Huế (Đại Nội)
a) Nhóm các loại hình dịch vụ đã triển khai
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản công: Đề án sẽ tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản công đang hoạt đổng ổn định, phục vụ tốt nhu cầu du khách, như: Dịch vụ xe điện vận chuyển khách; Dịch vụ thuyết minh tự động (Audio Guide); Dịch vụ văn hóa tại Đông Khuyết Đài; Dịch vụ trải nghiệm văn hóa nghề truyền thống tại Phủ Nội vụ; Dịch vụ chụp ảnh lưu niệm ngoài trời; Dịch vụ cà phê giải khát. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có cơ sở tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới, đầu tư thêm các hnajg mục khác để cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu du khách, thu hút khách để nâng cao hiệu quả kinh tế.
* Đối với loại hình hợp tác kinh doanh dịch vụ: Đề án sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo, đầu tư thêm để nghiên cứu đổi mới, cải tiến công nghệ, đưa vào các công nghệ mới có tính hấp dẫn cao để thu hút khách nhiều hơn, tạo hiệu quả kinh tế cao hơn.
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ do đơn vị tự thực hiện: Lập và phê duyệt Đề án tự kinh doanh để có cơ sở tiếp tục duy trì triển khai các loại hình dịch vụ: Dịch vụ kinh doanh các loại nước giải khát, kem, hàng lưu niệm; Dịch vụ chụp ảnh trang phục cung đình; Dịch vụ hướng dẫn thuyết minh; Dịch vụ biểu diễn Nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội; Dịch vụ Yến tiệc Hoàng cung; Dịch vụ Thưởng trà cung đình. Tổ chức bố trí nhân lực bán hàng, hạch toán doanh thu (đầu vào, đầu ra) theo đúng quy định; tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát vừa kết hợp công nghệ và con người. Chuẩn hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng… theo hướng có bản sắc và chất lượng cao; phối kết hợp với các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân để xây dựng các sản phẩm dịch vụ có tính thương hiệu độc quyền cho khu Di sản Huế, đây sẽ là hướng đi nhất quán trong việc triển khai các loại hình dịch vụ sắp tới tại khu Di sản Huế. Tăng cường đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ có tiềm năng như: Yến tiệc Hoàng cung; Thưởng trà cung đình; Chụp ảnh lưu niệm mặc trang phục cung đình, dần hình thành đây là những dịch vụ chất lượng cao, riêng có tại khu Di sản Huế.
b) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ mới
- Tập trung đầu tư nghiên cứu, thiết kế xây dựng khu phức hợp dịch vụ chất lượng chất lượng cao tại khu vực Phủ Nội vụ, hình thành điểm dịch vụ tập trung để tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách, vừa tổ chức các hoạt động trải nghiệm vừa tổ chức các sự kiện kết hợp bán hàng lưu niệm, ẩm thực..., như: Tổ chức các chương trình trải nghiệm trình diễn, giới thiệu và hướng dẫn du khách tương tác, trải nghiệm về tinh hoa nghề truyền thống cung đình triều Nguyễn và nghề truyền thống dân gian Việt Nam; đồng thời, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản cung đình và truyền thống Huế; bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và tổ chức các hoạt động dịch vụ trải nghiệm mới trên cơ sở phát huy giá trị di sản làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách tham quan.
- Nghiên cứu khai thác các loại hình dịch vụ phù hợp nhằm phát huy không gian các khu vườn Thượng uyển trong Hoàng Thành Huế (vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ, cung Trường Sanh, Ngự Viên...). Tổ chức các hoạt động dịch vụ trải nghiệm cho du khách tại vườn, như: Tổ chức thưởng trà cung đình, thưởng thức đặc sản trái cây Hoàng cung (nhãn, vải, mít, sen trắng...), đặc sản bánh Huế..., kết hợp trang phục cung đình hoặc trang phục, cổ phục (có kịch bản cụ thể cho từng show); Tổ chức trưng bày, trình diễn và hướng dẫn chế tác, trồng, chăm sóc cây kiểng, hoa, giao dịch cây hoa kiểng tinh hoa của nghệ nhân Huế và các địa phương trong nước. 
- Triển khai thêm một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách hiện nay, như: Dịch vụ mặc áo dài truyền thống; Dịch vụ trình diễn áo dài; Dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh, thưởng trà trên các hồ; Dịch vụ dâng hương; Dịch vụ ẩm thực món Huế; Dịch vụ may áo dài; Dịch vụ bán sách và một số dịch vụ khác…
- Bố trí các máy bán hàng tự động phục vụ du khách trong khu vực Đại Nội.
- Nghiên cứu tổ chức các dịch vụ công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng văn hóa và di sản.
- Nghiên cứu chuẩn hoá chất lượng để khai thác phát huy các chương trình giáo dục Di sản cho các đối tượng học sinh, sinh viên trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu các dịch vụ phục vụ cho việc triển khai mở cửa Đại Nội về đêm nhằm tăng cường các hoạt động bổ trợ cho phố đêm Hoàng Thành, như: các show diễn thực cảnh tại vườn Cơ Hạ, Phủ Nội vụ; ẩm thực Huế tại Phủ Nội vụ kết hợp các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống Huế; các show trình diễn áo dài, cổ phục tại cung Trường Sanh, vườn Thiệu Phương, Cơ Hạ… và các loại hình dịch vụ khác…
- Tìm kiếm đối tác mới có tiềm năng, tâm huyết, am hiểu về Di sản để kêu gọi đầu tư kinh doanh dịch vụ có chất lượng cao, phù hợp tại các khu vực: Lầu Tứ Phương Vô Sự, Tây Khuyết Đài, Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh và một số khu vực khác…
2. Khu vực di tích nằm trên các tuyến đường xung quanh Đại Nội (tuyến đường Đoàn Thị Điểm, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Hàn Thuyên, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diểu, Đinh Tiên Hoàng) 
a) Nhóm các loại hình dịch vụ đã triển khai
- Tổ chức quản lý, giám sát dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại 57 Đặng Dung thực hiện theo đúng Đề án đã được phê duyệt, phối kết hợp để liên kết, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.
- Hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các thủ tục pháp lý tiếp tục triển khai dịch vụ trải nghiệm sản phẩm văn hoá cung đình triều Nguyễn tại 79 Nguyễn Chí Diểu. Phối hợp đơn vị đối tác tiếp tục nghiên cứu bổ sung các sản phẩm mới mang tính cung đình, có chất lượng cao phục vụ du khách.
- Tổ chức khai thác các dịch vụ có tính ngắn hạn, như: nước giải khát; kem; hàng lưu niệm; sản phẩm làng nghề Huế; đặc sản Huế; ẩm thực và các dịch vụ khác… tại khu vực 46 Đinh Công Tráng (do khu vực này định hướng giải toả để xây dựng Bảo tàng).
b) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ mới
- Kêu gọi đầu tư nghiên cứu tổ chức dịch vụ chất lượng cao tại khu vực Khâm Thiên Giám (Bảo tàng), Tam Toà, Quốc Tử Giám (các loại hình dịch vụ về khoa cử, sách nghiên cứu, sự kiện...), khu vực Lục Bộ (các loại hình dịch vụ chất lượng cao: chăm sóc sức khoẻ, trải nghiệm, nghĩ dưỡng, ẩm thực...),  khu Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (dịch vụ tổng hợp)...
- Bố trí các máy bán hàng tự động phục vụ du khách trên các tuyến đường quanh khu vực Đại Nội.
3. Khu vực hồ Tịnh Tâm - lầu Tàng Thơ - hồ Học Hải
- Chỉnh trang cảnh quan hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải sạch đẹp, trồng sen trắng; nghiên cứu tổ chức các loại hình kinh doanh dịch vụ theo thời vụ (để tránh bị ảnh hưởng của lụt, bão), như: các sự kiện giới thiệu các đặc sản về sen Huế và nông sản Huế, dịch vụ đi thuyền chụp ảnh với sen trắng, thưởng trà sen hồ Tịnh và các dịch vụ khác... kết hợp tổ chức các sự kiện dịch vụ về thiền, thiền trà, yoga, thư pháp, sự kiện tôn vinh giới thiểu sản phẩm làng nghề,…
- Nghiên cứu phương thức khai thác các hoạt động dịch vụ liên quan đến thư viện Hoàng cung tại Tàng Thơ lâu: liên kết tra cứu tư liệu, sự kiện giới thiệu sách, tôn vinh “Văn hóa đọc”, nước giải khát, kem… kết hợp triển khai không gian dịch vụ phục vụ độc giả và là nơi giao dịch, mua bán các loại sách tra cứu lịch sử.
4. Khu vực Thượng thành, Eo Bầu
- Khu vực Eo Bầu Nam Xương, Nam Thắng, Nam Hưng, Nam Minh: Tổ chức trồng cây tạo cảnh quan, xử lý mặt bằng ở các để làm nơi gửi xe du lịch cho du khách; kết hợp với một số dịch vụ khác như: bán hàng lưu niệm, nước giải khát và một số dịch vụ khác...
- Đối với các Eo bầu còn lại: phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án chỉnh trang cảnh quan và tổ chức khai thác các loại hình kinh doanh dịch vụ phù hợp, như: giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sinh vật cảnh, dược liệu, nước giải khát, ẩm thực, hàng lưu niệm, giữ xe và các dịch vụ khác...
- Đối với tuyến đi bộ trên Thượng thành: Nghiên cứu thử nghiệm trưng bày và khai thác tuyến du lịch Thượng thành, Eo bầu; tổ chức chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan và trưng bày theo chuyên đề toàn bộ tuyến Thượng thành kết nối thành tuyến tham quan Thượng thành bằng xe đạp cho du khách trải nghiệm. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư nghiên cứu thêm các loại hình dịch vụ khác phù hợp trên tuyến Thượng thành phục vụ khách tham quan.
5. Cụm di tích lăng vua Tự Đức - lăng vua Đồng Khánh - lăng vua Thiệu Trị
a) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ đã triển khai
- Tiếp tục duy trì các dịch vụ chụp ảnh mặc trang phục cung đình, nước giải khát, kem, bán hàng lưu niệm... tại lăng Tự Đức phục vụ du khách, sắp xếp, quy hoạch lại các điểm bán hành gọn gàng, sạch đẹp. Đầu tư nâng cao chất lượng, chuẩn hoá các mặt hàng dịch vụ theo hướng có bản sắc. 
b) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ mới
- Nghiên cứu tổ chức các loại hình kinh doanh dịch vụ mới phù hợp với điều kiện thực tế tại các lăng trên, như: Dịch vụ cho thuê cổ phục, Dịch vụ đi thuyền ngắm cảnh, Dịch vụ thưởng trà, Dịch vụ bán sách, Dịch vụ sản phẩm truyền thống chất lượng cao và các dịch vụ khác....
- Nghiên cứu xây dựng Tour du lịch sinh thái bằng xe đạp công nghệ tham quan lăng vua Tự Đức, cụm lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Thiệu Trị và đồi Vọng Cảnh kết hợp triển khai các dịch vụ khác tại các lăng vua này...
- Phía trong lăng bố trí các máy bán hàng tự động phục vụ du khách.
6. Cụm di tích lăng vua Gia Long - lăng vua Minh Mạng – cụm lăng Chúa Nguyễn 
a) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ đã triển khai
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản công
- Hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các thủ tục pháp lý để tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi giữ xe: nước giải khát, hàng lưu niệm...
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng các mặt hàng dịch vụ phục vụ du khách.
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ do đơn vị tự thực hiện
- Tiếp tục duy trì triển khai việc thu phí giữ xe cho khách du lịch.
b) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ mới
- Nghiên cứu xây dựng các tour du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh: trải nghiệm đời sống dân cư khu vực, leo núi Thiên Thọ, thăm lăng các chúa, các vua, chúa Nguyễn bằng xe đạp công nghệ, xe điện...
- Tổ chức dịch vụ dâng hương tại lăng vua Gia Long.
- Phía trong lăng bố trí các máy bán hàng tự động phục vụ du khách.
- Tổ chức các dịch vụ ẩm thực truyền thống, dân gian và bán các mặt hàng lưu niệm, thổ sản, thảo dược và các dịch vụ khác...
7. Lăng vua Khải Định
a) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ đã triển khai
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê tài sản công
- Hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các thủ tục pháp lý để tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi xe và khu nhà vệ sinh: nước giải khát, kem, hàng lưu niệm, thức ăn nhanh...
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng các mặt hàng dịch vụ phục vụ du khách.
* Đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ do đơn vị tự thực hiện
- Tiếp tục duy trì triển khai việc thu phí giữ xe cho khách du lịch.
b) Nhóm các loại hình kinh doanh dịch vụ mới
- Phía trong lăng bố trí các máy bán hàng tự động phục vụ du khách.
- Nghiên cứu thêm các loại hình dịch vụ phù hợp: Dịch vụ bán sách, Dịch vụ chụp ảnh lưu niệm, quay phim và các dịch vụ khác...
8. Cung An Định 
- Tổ chức các dịch vụ trình diễn chiếu phim, ứng dụng các công nghệ hiện đại như 3D, 4D, Hologram nhằm tăng tính hấp dẫn; quay phim, chụp ảnh phục vụ các đoàn làm phim, đám cưới và du khách có nhu cầu, dịch vụ cho thuê trang phục cổ phục.
- Tận dụng không gian rộng của Cung An định để kinh doanh các loại hình sinh vật cảnh, nước giải khát, hàng lưu niệm, sản phẩm làng nghề và các dịch vụ khác...
- Liên kết tổ chức các loại hình dịch vụ theo hướng xã hội hoá, như: không gian Áo dài, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện...
9. Cơ sở 145 Phan Đình Phùng (nhà bà Từ Cung)
- Nghiên cứu tổ chức hình thành Trung tâm giáo dục Di sản, văn hoá, kết hợp các dịch vụ nước giải khát, kem, hàng lưu niệm và các dịch vụ khác....
10. Di tích Hổ quyền - Voi ré
- Kêu gọi đối tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại để tái hiện đấu trường giữa voi và hổ, hình thành Tour du lịch tham quan đấu trường, xem show thực cảnh kết hợp tham quan điện Voi ré, làng nghề đúc đồng và các dịch vụ khác... 
11. Đàn Nam Giao – điện Huệ Nam – đàn Xã tắc
Tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ dâng hương cho du khách đến tham quan và dâng hương hàng ngày và các dịch vụ khác...
12. Các điểm di tích tiềm năng khác (Văn - Võ Thánh, cụm lăng Chúa, Hải Vân Quan, các khu vườn ươm...)
- Nghiên cứu mời gọi các đối tác có tiềm năng, am hiểu về di sản văn hoá Huế xây dựng các đề án khai thác dịch vụ phù hợp trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai.
- Nghiên cứu tổ chức kinh doanh các loại hình sinh vật cảnh tại các vườn ươm theo phương thức tự thực hiện.
13. Điều chỉnh các phương thức hoạt động, loại hình kinh doanh dịch vụ
 
Theo Đề án sẽ triển khai thành hai giai đoạn:
1. Giai đoạn I (từ năm 2023 đến năm 2026)
a) Triển khai các thủ tục pháp lý (lập đề án và tổ chức đấu giá) đối với loại hình cho thuê tài sản công vào mục đích kinh doanh: dịch vụ xe điện, chụp ảnh ngoài trời, sản phẩm văn hoá cung đình triều Nguyễn, các điểm kinh doanh tại bãi xe lăng Khải Định và Minh Mạng, Gia Long, 46 Đinh Công Tráng... 
b) Lập và trình duyệt Đề án tự kinh doanh dịch vụ của đơn vị để tổ chức thực hiện.
c) Đầu tư cơ sở vật chất để triển khai các dịch vụ trải nghiệm tại Đại Nội, và các Lăng: thuyền, máy bán nước tự động, xe điện, cổ phục,...
d) Triển khai công tác quy hoạch khu vực phủ Nội Vụ, xây dựng phương án cảnh quan, các thiết chế quầy hàng để sắp xếp các điểm dịch vụ chưa phù hợp nằm trong khu vực Đại Nội để đưa vào quy hoạch tại khu vực Phủ Nội Vụ; tổ chức một nhà hàng cung đình đạt chất lượng cao để làm nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động khai thác dịch vụ...
đ) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ có tiềm năng như: dịch vụ biểu diễn nghệ thuật cung đình, chụp ảnh lưu niệm (mặc trang phục cung đình), dịch vụ thuyết minh - hướng dẫn.
e) Nghiên cứu tổ chức triển khai các hoạt động dịch vụ phù hợp  tại các điểm Cung Trường Sanh, Trường Lang, Thái Bình Lâu, Tây Khuyết Đài, Tứ Phương Vô sự, khu vực Thượng thành, Eo bầu... đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan. 
2. Giai đoạn II (từ năm 2027 đến năm 2030)
a) Tiếp tục nghiên cứu tổ chức các loại hình dịch vụ mới trên cơ sở phát huy giá trị di tích, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dịch vụ độc quyền, có bản sắc cho khu Di sản Huế.
b) Kêu gọi đối tác đầu tư triển khai các loại hình dịch vụ tại các địa điểm còn lại như: hồ Tịnh Tâm, Hổ quyền, Phủ Nội vụ, Văn – Võ Thánh, cụm lăng Chúa, Lục bộ, Quốc tử Giám, Tam Toà...
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày