Những quan niệm về điểm đến du lịch
Ngày cập nhật 21/11/2016

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu về thực tiễn và lý luận trong lĩnh vực du lịch, đồng thời giúp các độc giả có cách tiếp cận và nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn các vấn đề lý thuyết du lịch, Tạp chí Du lịch xin đăng tải một số nội dung của giáo trình  “Quản trị kinh doanh điểm đến du lịch” do tác giả cung cấp.

Những quan niệm về điểm đến du lịch

Các nước phát triển du lịch đều mong muốn thu hút nhiều khách đến tham quan và du lịch. Vì thế ngoài việc tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến du lịch với mục tiêu xây dựng hình ảnh của đất nước như một điểm đến du lịch độc đáo và hấp dẫn, người ta còn tham gia vào các hội chợ du lịch quốc tế nổi tiếng thế giới và khu vực để quảng cáo và xúc tiến điểm đến. Trong những hội chợ này, ngoài việc xây dựng hình ảnh cho đất nước còn có các địa phương, các khu du lịch tổ chức loại hình du lịch khác nhau nhằm ký kết hợp đồng với các hãng lữ hành thu hút và đưa khách tới. Điểm mà khách đi đến du lịch được gọi là điểm đến du lịch.

Trong tiếng Anh, từ “Tourism Destination” được dịch ra tiếng Việt là điểm đến du lịch. Tổ chức Du lịch Thế giới (UN-WTO), đã đưa ra quan niệm về điểm đến du lịch (Tourism Destination): “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường”.[1]

Một khái niệm khác trong du lịch, đó là điểm tham quan du lịch, trong tiếng Anh gọi là tourist attraction.

” Tourist attraction là một điểm thu hút khách du lịch, nơi khách du lịch tham quan, thường có các giá trị vốn có của nó hoặc trưng bày các giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử hoặc được xây dựng, cung cấp các dịch vụ về phiêu lưu, mạo hiểm, vui chơi giải trí hoặc khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ”[2].

Điểm tham quan du lịch về cơ bản có những điểm giống như định nghĩa về điểm đến du lịch, nhưng khác cơ bản với điểm đến du lịch đó là khách chỉ đến tham quan sử dụng các dịch vụ tại đây, nhưng không ngủ lại 1 đêm. Mặt khác, điểm tham quan du lịch thường nằm trong một điểm đến du lịch và điểm tham quan du lịch rất đa dạng, phụ thuộc vào sự sáng tạo của những người làm du lịch.

Luật Du lịch (2005) có ba khái niệm, đó là: “Đô thị du lịch là đô thị có lợi thế phát triển du lịch và du lịch có vai trò quan trọng trong hoạt động của đô thị. Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường. Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”[3].

So sánh những khái niệm trên có thể thấy:

  • Khái niệm về điểm đến du lịch là một phạm trù rất rộng. Nó có thể là một châu lục(theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới như: Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Âu…),là một khu vực như: khu vực ASEAN, là một đất nước, là một địa phương, là một thành phố, thị xã. Nếu so sánh với khái niệm về đô thị du lịch và khu du lịch, điểm du lịch của Luật Du lịch thì điểm đến du lịch bao hàm tất cả. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định điểm đến du lịch và những yếu tố tạo nên điểm đến nhằm quản lý tốt hơn.
  • Nói đến điểm đến du lịch nó không chỉ có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn mà còn có cả nhiều điều kiện khác để trở lên hấp dẫn, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm du lịch. Phát triển và nâng cao chất lượng”sản phẩm” du lịch chủ yếu tập trung ở điểm đến và điểm tham quan du lịch. Hiệu quả kinh tế-xã hội của hoạt động du lịch trong một địa phương, một đất nướcphần lớn tập trung tại điểm đến và điểm tham quan du lịch.
  • Điều quan trọng để điểm đến du lịch trở thành hấp dẫn và thu hút khách đòi hỏi phải có sự quản trị kinh doanh điểm đến. Vấn đề quản trị kinh doanh điểm đến liên quan đến rất nhiều vấn đề từ marketing, tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến điểm đến đến việc phát triển sản phẩm tại điểm đến, đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ các chủ thể tại điểm đến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách để họ có những cảm xúc và trải nghiệm sâu sắc.


Châu Anh (còn tiếp)

 

[1] A practical guide to tourism destination management, UNWTO,2005

[2] Tourism destinatiom management, the George Washington University,2007

[3] Luật Du lịch, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

Theo: vtr.org.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày