Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Nhớ đồng chí Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo kiệt xuất
Ngày cập nhật 04/04/2017

Nhân kỷ niệm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7/4/1907), trong không khí của những ngày tháng tư lịch sử, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta - một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tầm nhìn xa trông rộng, đóng góp vào việc giải quyết thành công những vấn đề chiến lược liên quan đến vận mệnh nước nhà.

Sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước ở Triệu Phong, Quảng Trị, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926, rồi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1928 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập.

Từ năm 1946 - 1954, đồng chí là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương cục miền Nam, đã lãnh đạo, tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí được Trung ương phân công ở lại lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Trong điều kiện địch khủng bố ác liệt, đồng chí đã lăn lộn khắp các địa bàn Nam bộ, từ bưng biền đến các đô thị nắm tình hình, củng cố tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng. Đồng chí đã khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam (8/1956), góp phần chuẩn bị ra đời Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương (7/1959), tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam.

Với cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1960 - 1986, đồng chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, phương pháp cách mạng, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Như một kiến trúc sư chiến lược của Đảng, đồng chí đã góp phần đưa miền Bắc từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, đồng thời chỉ đạo, tổ chức cuộc chiến đấu ở tiền tuyến lớn miền Nam.

Đánh giá công lao và tài năng đồng chí, Đảng ta khẳng định: “Là một nhà lêninnit chân chính, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và tình huống phức tạp”.

Nhớ đồng chí, chúng ta nhớ một nhà lãnh đạo có tầm lý luận và tư duy sáng tạo, có những quyết sách lớn, chủ trương lớn. Trong chỉ đạo công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng chí đã thể hiện tư tưởng dám đánh và quyết thắng; đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của dân tộc gắn với sức mạnh 3 dòng thác của thời đại. Đánh địch trên 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, trên 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; bằng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận. Theo đồng chí, chiến tranh du kích ở Việt Nam là một hình thức khởi nghĩa của quần chúng, một hình thức tiến công chiến lược của chiến tranh nhân dân. Đồng chí cho rằng: “Trong thời đại ngày nay, chiến tranh có nhiều loại, nhiều quy mô và sử dụng nhiều vũ khí khác nhau; nhưng nói về sức mạnh, thì đáng chú ý nhất là chiến tranh nhân dân và chiến tranh nguyên tử”. Nhiều nhà chiến lược quân sự trên thế giới coi chiến tranh nhân dân Việt Nam là một phát minh mới của thời đại, là câu chuyện thần kỳ của thế kỷ 20.

Nhớ đồng chí, chúng ta nhớ một nhà lãnh đạo luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết nhằm huy động các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất tổ quốc. Trong “Thư vào Nam”, đồng chí đã đặt vấn đề rất sớm về chính sách đại đoàn kết, chính sách hòa hợp dân tộc, hợp tác lâu dài với tất cả những ai thật sự tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc. Sau giải phóng, đồng chí nhắc phải mở rộng Mặt trận hơn nữa để các thành phần trí thức, tư sản tham gia, phải thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng thật sự. Đồng chí luôn căn dặn, làm công tác Mặt trận là phải biết cách thuyết phục bằng lý trí, tình cảm chứ không phải bằng quyền uy. Nguy cơ của Đảng cầm quyền là không tin quần chúng, xa rời quần chúng, chỉ biết làm thầy chứ không biết làm học trò, không biết tôn trọng quần chúng, không hết lòng phục vụ quần chúng.

Nhớ đồng chí, chúng ta nhớ những chỉ đạo sâu sắc về công tác xây dựng Đảng. Đồng chí xem đây là vấn đề cốt tử của một đảng cầm quyền. Cần phải xây dựng cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có phương thức thích hợp lãnh đạo nhà nước, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển đất nước. Đồng chí cho rằng muốn xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải có phong trào quần chúng. Sau ngày giải phóng, có lần, trong cuộc hội nghị với cán bộ miền Nam, đồng chí bày tỏ sự mong muốn cán bộ phải độc lập, sáng tạo và thẳng thắn hơn nữa. Trong lúc nói chuyện, đồng chí có đặt câu hỏi: “Hiện bây giờ, cấu tạo cấp ủy, cán bộ có phải vì nhiệm vụ cách mạng hay là vì thương lượng với nhau? Tại sao có sai mà không ai dám cãi cả!”.

Đồng chí luôn khuyến khích sự sáng tạo với tinh thần “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” và luôn sẵn sàng trao đổi mọi vấn đề, không né tránh. Đối với thanh niên, đồng chí cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại và luôn nhắc thanh niên phải sống có chí hướng, có hoài bão, không ngừng vươn lên nắm bắt tri thức của loài người và phải noi theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Những vấn đề về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã được đồng chí nung nấu, chỉ đạo. Đồng chí cũng là người phát động quá trình đổi mới tư duy kinh tế từ Hội nghị Trung ương 6, khóa IV.

Nhớ đồng chí, chúng ta nhớ về một con người luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, luôn xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, lúc vào Nam, ra Bắc, bất chấp sự khốc liệt của nhà tù đế quốc (11 năm bị tù đày qua các nhà lao khét tiếng như Hỏa Lò, Sơn La, khám lớn Sài Gòn, nhà lao Hải Phòng; 2 lần bị đày ra Côn Đảo). Trong nhà tù, đồng chí là một “giảng viên đỏ” phụ trách việc bồi dưỡng chính trị và tổ chức ra báo trong tù, để lấy đó làm phương tiện học tập và tranh đấu. Đồng chí cho rằng, trong hoàn cảnh tù đày, chết chóc, không có tình cảm nào thiêng liêng, cao cả bằng tình đồng chí.

Nhớ đồng chí Lê Duẩn, là nhớ đến một nhân cách trung thực, giản dị, luôn đồng cam cộng khổ và gần gũi với nhân dân. Một cuộc đời, một chiến sĩ cách mạng kiên cường đã vượt qua mọi thử thách, mọi bão táp của đấu tranh cách mạng. Vượt lên tất cả, đồng chí đã tìm tòi, phát hiện quy luật của chiến tranh, của hòa bình, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tình cảm. Một con người có cách tư duy chiến lược, có cách vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cách mạng Việt Nam.

Hãy còn đây, những thư vào Nam qua các thời kỳ, với những chỉ đạo, những tình cảm gửi gắm, những lời động viên, như những hồi kèn tiến công và xung trận để kết thúc chiến tranh, giành toàn thắng.

Hãy còn đây, dấu ấn của một nhà lãnh đạo, lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, luôn gắn bó với miền Nam mà các má chiến sĩ ở bưng biền Đồng Tháp Mười đã thầm hiểu rằng: “Lê Duẩn là người của Cụ Hồ ở trong Nam”. Và Nam bộ kháng chiến xứng đáng là “Thành đồng tổ quốc” có vai trò lãnh đạo của đồng chí.

Hãy còn đây, di sản tư tưởng quý giá của đồng chí Lê Duẩn trên các lĩnh vực: triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… một tài năng đặc biệt, một trí tuệ đặc biệt, mà cho đến lúc đi xa như vẫn canh cánh bên lòng những chiêm nghiệm về tình thương và lẽ phải.

Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ còn nhớ dài lâu về một nhà lãnh đạo như nhà thơ Tố Hữu đã khái quát trong bài “Nhớ về anh”: “Vẫn là anh…/ Chân tình, bình dị/ Vượt khuôn sáo ngôn từ/ Vắt óc trầm tư/ Xóa lối mòn, đào sâu chân lý”.

Với niềm tự hào và lòng biết ơn đối với đồng chí Lê Duẩn cùng những nhà lãnh đạo, những vị tướng tài ba của thời đại Hồ Chí Minh, những anh hùng, liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân - những người đã góp máu xương, công sức cho hòa bình, thống nhất, chúng ta sẽ chung sức, chung lòng bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng văn minh, hiện đại theo nguyện ước của Bác Hồ kính yêu.

Phạm Phương Thảo

Theo: Saigongiaiphong
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.843.714
Đang truy cập 3.696