Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Fashion4freedom: Đẹp thôi là chưa đủ
Ngày cập nhật 11/04/2017

Với doanh nhân Lan Vy Nguyễn, sức mạnh thay đổi thế giới của thời trang không chỉ là niềm tin mà còn sứ mệnh. Đó cũng là lý do chị thành lập doanh nghiệp xã hội Fashion4Freedom, đem đến cho bản thân chị và những người tham gia một chân dung tốt đẹp hơn về thời trang.

 

 

Fashion4Freedom (F4F) là một doanh nghiệp xã hội dùng thời trang để đem đến cuộc sống tốt hơn cho những nghệ nhân tài hoa ở miền Trung Việt Nam và nhiều nơi khác. Không chỉ là một cỗ máy kinh doanh, F4F còn là doanh nghiệp tiên phong giăng lên biểu ngữ và hành động cổ súy cho định nghĩa "xa xỉ văn minh” họ đã đặt ra.

Thời trang là đòn bẩy để thế giới tốt đẹp hơn

Ngành công nghiệp thời trang thu về hàng tỷ đô-la Mỹ lợi nhuận mỗi năm có sự tham gia của tất cả chúng ta, với nhiều vai trò khác nhau. Mỗi cá nhân dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng đến thời trang theo cách của mình. Đằng sau hào nhoáng, doanh thu khổng lồ của ngành là hàng triệu lao động ở các nước thế giới thứ 3 bị bóc lột đến tàn nhẫn để thị trường có những chiếc áo, đầm, quần, giày, túi… rẻ bằng một bữa ăn. Trào lưu thời trang “Chic & Cheap” có thể khiến nhiều người thích thú vì những món đồ hợp thời có giá rẻ giật mình, nhưng biết đâu đó lại là mồ hôi nước mắt của rất nhiều công nhân phải nhận mức lương rẻ mạt, vì nhà sản xuất muốn hạ chi phí đến mức thấp nhất có thể. Thay đổi thế giới, hay cỗ máy khổng lồ mang tên thời trang là một sứ mệnh nghe quá lớn lao, nhưng suy cho cùng, chúng ta là một phần trong đó. Và nếu bạn muốn thay đổi, F4F đã và đang giới thiệu một con đường mới, là các sản phẩm giá thành cao hơn nhưng không có công nhân nào bị bóc lột hay bất kỳ nghệ nhân nào phải bỏ nghề vì không thể duy trì cuộc sống.

Để tạo ra thời trang thực sự tốt đẹp, F4F mong muốn và đang hoạt động để thay đổi chuỗi cung ứng của ngành này, vốn đang vận hành một cách lạnh lùng và tiêu cực, giúp những người làm ra sản phẩm nhận được thù lao cũng như sự trân trọng xứng đáng với công sức bỏ ra. Bên cạnh đó, gìn giữ hơi thở văn hóa truyền thống, nghề thủ công, đầu tư giáo dục và giảm thiểu tác động đến môi trường cũng là những giá trị linh hồn trong hoạt động của doanh nghiệp xã hội này.

Điều gì tốt thì luôn đẹp

Trên các tiêu chí đó, F4F đã có Giày Rồng (Dragon Shoes) do bàn tay khéo léo của nghệ nhân chuyên chạm trổ những “rồng bay phượng múa” cho các mái đình chùa đậm nét văn hóa cố đô Huế tạo nên. Những tấm vải dệt vô cùng kỳ công của phụ nữ dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế kết từng sợi chỉ lại với nhau… Tiếng vang từ những tác phẩm nghệ thuật kể trên không chỉ tiếp sức cho hơi thở văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới, mà còn đem đến những niềm vui “chỉ có người làm nghề mớihiểu”, khi tác phẩm của họ được đón nhận và vinh danh rộn ràng khắp nơi.

F4F cũng thực hiện sứ mệnh của mình bằng cách tìm đến những làng nghề thủ công đang dần mai một vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp rẻ mạt, cung cấp máy móc và mẫu thiết kế, tìm đầu ra cho sản phẩm và chi trả mức thù lao công bằng nhất. F4F cũng dùng một phần lợi nhuận để đầu tư vào giáo dục, giúp các nghệ nhân tài hoa có thêm cơ hội thử sức với cái mới.

Văn minh là định nghĩa mới cho sự xa xỉ

Trong cuộc trò chuyện với doanh nhân Lan Vy Nguyễn, chị nói rằng những nghệ nhân chị gặp và làm việc cùng ở Huế cũng như nhiều nơi khác rất tài hoa. Có thể công việc khác nhau nhưng những người thợ chạm trổ Giày Rồng cũng cần được trân trọng như các nghệ nhân làm giày hay túi xách da của những thương hiệu hàng đầu thế giới, vì công sức và chất xám họ bỏ ra là “một chín một mười”.

Một đôi Giày Rồng mất 18-20 ngày để hoàn thành, được bán với giá 400-500 đô-la Mỹ, khoảng 8.900.000-11.130.000 đồng, con số đó không hề nhỏ với một đôi giày, nhưng nếu thực sự quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, đó là sự chi trả đầy ý nghĩa. Số tiền bạn bỏ ra sẽ được dùng để tiếp sức cho người nghệ nhân, môi trường (giày được làm từ gỗ mít thu mua của những gia đình địa phương khi họ có ý định dùng gỗ làm chất đốt) và cả một doanh nghiệp đang ôm ấp lý tưởng thay đổi thế giới, lấy thời trang làm đòn bẩy.

Khi bạn quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm thời trang mình chọn, tôn trọng người làm ra chúng và không thỏa hiệp với bất kỳ bất công nào, đó chính là sự xa xỉ văn minh mà F4F muốn hướng đến.

Giày Rồng là một “tai nạn”

Tác phẩm thời trang độc đáo này được “phát minh” khá tình cờ, trong lần doanh nhân Lan Vy đến thăm một xưởng mộc ở Huế, chị vô tình đứng trên thanh gỗ lớn chạm hình rồng và ý tưởng về Giày Rồng ra đời từ đó. Trang thông tin chuyên về những sáng tạo mới lạ trên thế giới Cool Hunting cũng đã viết về Giày Rồng và bài viết được chia sẻ lại tại hơn 160 quốc gia. Lan Vy rất tự hào về sản phẩm này của F4F và từng nói đùa rằng nếu trong tương lai không có thêm thành tựu lớn lao nào, chị cũng không hối hận, Giày Rồng đã là quá đủ.

F4F với tôi không chỉ là một phần sự nghiệp mà còn là đứa con tinh thần quan trọng giúp tìm lại kết nối với quê hương, cho tôi cơ hội hiểu, trân trọng và yêu quý hơn nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi rời Việt Nam từ năm 7 tuổi và không thể hình dung nổi hình ảnh Việt Nam, cho đến khi thành lập F4F. Chưa bao giờ tôi gọi công việc mình đang làm là từ thiện vì trên con đường này, mỗi con người cần gặp, mỗi vấn đề cần giải quyết cũng đã dạy tôi rất nhiều. Tôi và các đồng sự đang ấp ủ những sản phẩm mới, dựa trên tôn chỉ từ ngày đầu sáng lập doanh nghiệp. Gần đây chúng tôi có “món mới” mà tôi rất thích, đó là dòng sản phẩm cà vạt được chăm chút bằng các chi tiết thêu tay nho nhỏ. F4F cũng đang lên kế hoạch cho loạt sản phẩm khác dành cho nam giới.

Giám đốc Sáng tạo Victoria Ho

Qua mỗi sản phẩm, chúng tôi muốn nói rằng thời trang không phải là hàng hóa mà còn là nghệ thuật và các nghệ nhân làm việc với chúng tôi cần được trân trọng như nghệ sỹ. Bên cạnh đó những sản phẩm của F4F sẽ là chiếc cầu nối để mỗi người tìm về một Việt Nam rất đẹp trong cội nguồn truyền thống. Trong năm 2017, chúng tôi dự định khai trương một không gian để giới thiệu và bán các sản phẩm của F4F tại Việt Nam, bên cạnh đó là mở rộng thị trường ở châu Âu.

Theo Lofficiel.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.837.552
Đang truy cập 23.555