Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Tranh cãi về việc can thiệp xếp hạng khách sạn
Ngày cập nhật 31/05/2017

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú trong ngành du lịch hiện nay còn đơn giản và đề nghị áp dụng quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng dịch vụ.


Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương- tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã đề cập ý kiến trên khi trình bày giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) chiều 29/5 tại hội trường Quốc hội.

Ông cho biết, liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch (Mục 3, Chương V), một số ý kiến cho rằng điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú còn đơn giản, đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm đảm bảo chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc xếp hạng cơ sở lưu trú. Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) lần này đưa ra hai phương án về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: Phương án 1- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện; Phương án 2- quy định đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc.

Nhiều ý kiến đại biểu lại cho rằng việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc bắt buộc còn mang nặng tính hành chính, can thiệp sâu vào sự vận hành, hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lich.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc xếp hạng cơ sở lưu trú cần thực hiện bắt buộc để các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng mạo nhận không thực tế.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nói, việc đăng ký xếp hạng nên theo nguyên tắc bắt buộc nhằm ngăn chặn tình trạng mạo nhận và lộn xộn thị trường, giúp khách dễ dàng tìm hiểu về chất lượng, coi trọng quyền lợi của khách du lịch.

Còn đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) thì cho rằng việc xếp hạng cơ sở lưu trú nên theo phương thức tự nguyện để giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của khách du lịch, đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa ra quy định tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ đối với các cơ sở lưu trú du lịch.

Trong khi đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu băn khoăn về cả hai phương án đề xuất cách xếp hạng cơ sở lưu trú vì, bà cho rằng, việc thực hiện xếp hạng theo tự nguyện hay bắt buộc là rất quan trọng vì nó quyết định mức độ tham gia của nhà cung cấp dịch vụ.

“Nếu thực hiện dựa trên nguyên tắc bắt buộc sẽ góp phần loại bỏ các nhà cung cấp không tuân thủ điều kiện xếp hạng nhưng lại có nguy cơ can thiệp thị trường. Còn nếu chọn cách tự nguyện thì tạo ra các cơ sở lưu trú không tuân thủ nguyên tắc quy định”, bà Phương nói.

Bà Phương cho hay, tham khảo kinh nghiệm các nước, tùy loại cơ sở lưu trú khác nhau nên lựa chọn xếp hạng hay không, xếp hạng tự nguyện hay bắt buộc. Một số quốc gia chỉ xếp hạng các cơ sở lưu trú là khách sạn, mà không xếp hạng các cơ sở lưu trú khác.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt- Hưng Yên cũng cho rằng, để tạo một hệ thống hồ sơ hành chính đơn giản, không gây phiền phức cho hoạt động du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch nên quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện và được thẩm định lại sau 5 năm.

Một số đại biểu đề nghị giao thẩm quyền xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch để phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và thông lệ quốc tế. Ông Phan Thanh Bình cho rằng, việc này cần có lộ trình, phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch tổ chức thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.

Kết thúc phiên họp, đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, ngay sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban thẩm tra và Cơ quan soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Riêng đối với các nội dung còn đang có nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ có phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi quyết nghị.

Thanh Hằng

Theo: canhtranhquocgia.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.835.507
Đang truy cập 9.190