Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chủ động “bắt tay” doanh nghiệp
Ngày cập nhật 01/07/2017

Chương trình đào tạo chưa thống nhất có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Gắn với doanh nghiệp trong đào tạo được xem là ưu thế giải quyết vấn đề chất lượng nhân lực ngành du lịch hiện nay.

Chương trình đào tạo chưa đồng bộ

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2020, cơ cấu trình độ đào tạo hiện đang mất cân đối, nhân lực phục vụ chiếm tỷ lệ lớn so với nhân lực làm việc trực tiếp. Đồng thời, chất lượng nhân lực còn kém, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để đào tạo lại. Nhân lực chất lượng cao lại càng ít ỏi, nguồn nhân lực trẻ có kinh nghiệm giữ vị trí cao cấp gần như không có do thiếu nhiều kỹ năng, giao tiếp, tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể kể đến là chương trình đào tạo du lịch ở các cấp độ còn thiếu tính đồng bộ. Thực tế, hiện Bộ GD - ĐT đã cho phép mở 3 mã ngành đào tạo du lịch gồm: Quản lý khách sạn, quản trị nhà hàng; dịch vụ ăn uống, quản trị du lịch và dịch vụ lữ hành. Mặc dù vậy, không phải trường nào cũng mở được những mã ngành này. Bởi vì, để mở được mã ngành yêu cầu phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng chuyên ngành. Ở nước ta hiện mới có Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh đào tạo thạc sĩ du lịch.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Do không đủ đội ngũ giáo viên để mở các chuyên ngành đào tạo du lịch nên nhiều trường đã để ngành học này nằm giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành Việt Nam học. Điều này gây thiệt thòi cho người học vì nếu mở mã ngành, các trường sẽ được thẩm định về cơ sở vật chất, giáo trình giảng dạy, qua đó người học sẽ được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại và đầy đủ...

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh… Xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch. Đội ngũ giảng viên về du lịch cần thường xuyên được đầu tư nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, được tham khảo, học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong nước và nước ngoài, có sự trao đổi, lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua hội đồng hiệu trưởng.

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6.2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 949.362 lượt, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2%. Đáng chú ý, lượng khách từ hầu hết các thị trường đều tăng, tiếp tục dẫn đầu là thị trường Trung Quốc (+56,7%), tiếp đó Nga (+53,4%), Hàn Quốc (+43,9%), Campuchia (+35,5%)…

Hiện nay, cả nước có khoảng 156 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn. Tuy nhiên, với những bất cập về chương trình đào tạo, tỷ lệ sinh viên ra trường phải đào tạo lại chiếm con số không nhỏ. Đại diện Khách sạn Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết: Trung bình mỗi năm doanh nghiệp bỏ ra 50 triệu đồng để đào tạo lại sinh viên mà vẫn không hài lòng, tốn thời gian. Vì vậy, để bớt chi phí, thời gian, theo ông Sáng, giải pháp hợp lý nhất là nên tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập, làm bán thời gian sẽ giúp cho việc đào tạo sát với thực tế hơn.

Thực tế, tại một số địa phương đã chủ động tìm giải pháp về vấn đề này. Như Trường Đại học Hạ Long, luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên sớm được tiếp xúc với công việc tại thông qua việc kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp. Khoa Du lịch cũng có hệ thống phòng thực hành đạt tiêu chuẩn cho tất cả các chuyên ngành đào tạo để thực hiện nhiệm vụ đào tạo thực hành tại chỗ. Bắt đầu từ học kỳ 2 năm thứ nhất, sinh viên của khoa được tham gia chương trình rèn luyện nghiệp vụ. Đây là những nỗ lực nhằm tạo điều kiện để sinh viên sớm tiếp xúc với nghề nghiệp, thường xuyên thực hành, giáo dục lòng yêu  nghề, rèn luyện phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. Được biết, trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với trên 30 cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Việc hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên: Trường cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp cho sinh viên. Doanh nghiệp giúp nhà trường phối hợp quản lý sinh viên thực tập, bố trí công việc thực tập và tuyển dụng những sinh viên đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn vị trí việc làm mà doanh nghiệp cần.

Thanh Nguyên

du lịch, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: daibieunhandan.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.624.682
Đang truy cập 33.967