Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Thừa Thiên Huế: "Cấp tốc" thu hồi đất những dự án chậm triển khai
Ngày cập nhật 20/07/2017

Trong kỳ họp thứ 4, khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa diễn ra giữa tháng 7/2017, Đoàn giám sát HNND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát việc sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2016. Vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc sử dụng đất dự án và cần có phương án chấn chỉnh, nhất là những dự án triển khai “chậm như rùa”...

Trung tâm thương mại Vincom ở đường Hùng Vương đang xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm 2018 sẽ tạo điểm nhấn về du lịch, dịch vụ cho Huế
 
Thu hút đầu tư
 
Báo cáo của Đoàn giám sát tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã thu hút và cấp phép cho 548 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 168.259 tỷ đồng, trong đó có 92 dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.620,76 triệu USD (tương đương 57.656 tỷ đồng), chiếm 34,22% tổng vốn đăng ký đầu tư.
Trong các dự án được cấp phép, hiện có 285 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 33.637 tỷ đồng, có 180 dự án đang triển khai với tổng vốn đăng ký 56.257 tỷ đồng, 46 dự án đã ngừng hoạt động với tổng vốn đăng ký 13.140 tỷ đồng và 37 dự án đã thu hồi với tổng vốn đăng ký 5.225 tỷ đồng.
Công tác quản lý, sử dụng đất của các dự án trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, đầu tư. Hợp đồng giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất giữa Nhà nước với các nhà đầu tư được các sở, ngành tham mưu chặt chẽ, làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh, cũng như thu hồi các dự án.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 285 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Dự án khách sạn Đông Dương (số 2 Hùng Vương, TP Huế) suốt hơn 10 năm qua vẫn còn bỏ hoang, dù nằm ở vị trí “khu đất vàng”
 
“Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần tạo năng lực sản xuất kinh doanh mới; làm tăng thêm tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế xã hội ở các giai đoạn tiếp theo. Song, việc triển khai một số dự án đầu tư không đạt như kỳ vọng, còn có nhiều dự án ở các khu đất có giá trị cao đến nay chưa thực hiện hoặc chậm hoàn thành đưa vào sử dụng theo cam kết đã làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc trong nhân dân...”- ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Đoàn Giám sát cho biết.
 
Kiên quyết thu hồi đất dự án “chậm như rùa”
 
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay tại Thừa Thiên Huế còn tồn tại rất nhiều dự án chậm tiến độ. Đơn cử như khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp có đến hơn 20 dự án chậm tiến độ. Các dự án “trùm mền” nằm tại “khu đất vàng” của TP. Huế như dự án khách sạn Đông Dương (số 2 Hùng Vương), dự án tòa nhà VNPT (khu đất cửa hàng số 1 cũ, ngã 6 đường Hà Nội), dự án Goldland Plaza (số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt)... Ngoài ra còn rất nhiều dự án tại các vùng huyện chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm chạp, chưa đưa vào sử dụng. Điều này đã gây lãng phí tài nguyên đất, thất thoát ngân sách nhà nước, tác động xấu đến môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh... khiến nhân dân rất bức xúc.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã thu hồi 14 dự án; trong đó, năm 2014 thu hồi 4 dự án; năm 2015 thu hồi 2 dự án, xử phạt vi phạm hành chính 4 dự án do vi phạm tiến độ trong quá trình triển khai dự án; năm 2016 thu hồi 6 dự án; năm 2017 thu hồi 2 dự án.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu thu hồi 17 giấy phép đầu tư; theo dõi tiến độ dự án, nếu không khởi công đúng tiến độ cam kết thì xử lý thu hồi theo quy định 10 dự án; theo dõi, giám sát đặc biệt hàng tháng đối với 17 dự án; rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện đối với 31 dự án.
 
Dự án khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi đất do chậm tiến độ, giao lại cho Sở TN&MT quản lý
 
Đoàn giám sát đề nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2016 theo quy định. Theo đó, ban hành danh mục các dự án cần phải thu hồi; các dự án trọng điểm, dự án chậm tiến độ được HĐND tỉnh giám sát đặc biệt và dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh, của cử tri. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định tiếp tục giám sát các dự án chậm tiến độ...
 
Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát tất cả các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn, trên cơ sở đó xem xét, thực hiện quy trình thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ, dự án ngừng hoạt động, dự án sử dụng đất sai mục đích theo quy định. Thực hiện công khai danh mục các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định; các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã hết hiệu lực... để người dân biết.
Kiên quyết không xem xét gia hạn sử dụng đất, không gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất, không điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án trong giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng đất sai mục đích. Tổng hợp, phân loại chính xác, đầy đủ các hình thức vi phạm của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xử lý đúng quy định. Có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án.
 
“Nghị quyết về giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là cơ sở cho UBND tỉnh mạnh tay hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý đối với các dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án đầu tư khả thi hơn được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư lớn có tiềm lực đến đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô và các khu công nghiệp của tỉnh...”- ông Lê Trường Lưu, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
 
Bài & ảnh: Thế Anh
Theo: baotainguyenmoitruong.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.835.507
Đang truy cập 27.367