Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Đại gia nhức mắt khi du lịch phát triển kiểu “đánh cờ nước một”
Ngày cập nhật 31/08/2017

“Ai cũng muốn bỏ cơ chế xin- cho nhưng có lẽ cơ chế này có nhiều ưu điểm hay quá nên bỏ khó quá, mà không bỏ cơ chế xin – cho thì không có tính chuyên nghiệp. Hiện nay, du lịch ở nhiều nơi vẫn đang phát triển một cách tuỳ nghi tuỳ hứng…”

Phát biểu tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói, cần nhấn mạnh về chuyên nghiệp chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch và chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch. Trong thời gian qua, cách phát triển của Việt Nam vì sao vẫn không chuyên nghiệp? Theo chuyên gia này đó là vì cơ chế xin- cho duy trì quá lâu.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, du lịch nhiều nơi phát triển theo kiểu “đánh cờ nước một”, thiếu chuyên nghiệp...

“Ai cũng muốn bỏ cơ chế xin- cho nhưng có lẽ cơ chế này có nhiều ưu điểm hay quá nên bỏ khó quá, mà không bỏ cơ chế xin – cho thì không có tính chuyên nghiệp. Hiện nay, du lịch ở nhiều nơi vẫn đang phát triển một cách tuỳ nghi tuỳ hứng, phát triển theo tầm nhìn kiểu “đánh cờ nước một”, thiếu trách nhiệm… Trong khi đó, chuyên nghiệp trong quản trị quốc gia phải bắt đầu từ tầm nhìn định hướng chiến lược, tạo ra khuôn khổ cho nền tảng cơ chế du lịch chứ còn tuỳ nghi tuỳ tiện dựa trên quan hệ xin - cho thì không thể chuyên nghiệp”, ông nói.

Bàn về tính chuyên nghiệp trong du lịch, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, chuyên nghiệp là phần rất quan trọng của du lịch vì khách hàng đã bỏ nhiều tiền để sử dụng dịch vụ du lịch mà không được phục vụ chuyên nghiệp thì rất khó chịu.

Cụ thể, ông Hiệp dẫn chứng, một lần đi công tác ở khách sạn tại Huế và đang ở trong phòng thì một kỹ thuật viên bật cửa xông vào rồi nói: “Thôi chết em tưởng không có ai” - việc này tạo ra cảm giác vô cùng khó chịu. Do đó, đại diện Vingroup cho rằng, trong công tác kinh doanh du lịch cần có quy trình chuẩn chỉ cho tất cả các khâu từ những việc nhỏ nhất như vào phòng của khách thì phải gõ cửa thế nào, phải nói gì, ứng xử ra sao… Trong một cơ sở kinh doanh có nhiều bộ phận và nơi nào cũng cần chuyên nghiệp, do đó cần chuẩn hoá, đơn giản hoá, tự động hóa để làm sao động tác đơn giản mà rất chuyên nghiệp vẫn mang lại sự hài lòng cho khách hàng.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, Vingroup hiện có mấy chục khách sạn và dù ở miền Nam hay miền Bắc hay miền Trung thì cũng đều chuẩn hoá mọi khâu. Các món ăn cũng chuẩn hoá, phở phải là phở, chứ không thể có phở miền Nam hay miền Bắc, miền Trung… phở phải như nhau hay mì Quảng cũng phải như nhau và không nên sáng tác thêm vào vì như thế sẽ không còn là mì Quảng nữa.

Mở rộng ra bên ngoài, ông Hiệp nói khi khách đến họ sẽ tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau từ quán cơm, taxi… mà hiện vẫn còn nghe một số câu chuyện lái xe chặt chém, đi lòng vòng để “vòi” thêm tiền hoặc đoạn ngắn mà đòi tiền nhiều.

“Đã đến lúc không chỉ tuyên truyền động viên giáo dục mà cần có chế tài. Với những hành vi lừa đảo, chặt chém khách hàng cơ quan chức năng không chỉ phạt taxi mà còn cần phạt cả chủ công ty taxi vì họ cũng phải chịu trách nhiệm và khi họ bị thiệt hại lớn về kinh tế thì họ sẽ phải giáo dục các tài xế của mình”, ông Hiệp nói.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo "chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, tính chuyên nghiệp hóa thể hiện ở những việc như: đến cửa khẩu nhân viên hải quan phải hoàn tất thủ tục nhanh, hướng dẫn viên không được trễ hẹn, đến nhà hàng phải nở nụ cười... Hiện tại với ngành du lịch, tính chuyên nghiệp hóa phụ thuộc vào chính chúng ta, những người đang hoạt động trong ngành du lịch và mỗi người dân.

"Chúng ta có những tiêu chí đánh giá hay quy tắc ứng xử… nhưng vấn đề khó nhất là quản trị sao cho đồng bộ, nhất quán. Để mỗi người hiểu được sự chuyên nghiệp hóa trong vấn đề du lịch, đặc biệt là đội ngũ nhân viên đang làm việc trong các doanh nghiệp về du lịch, doanh nghiệp cần quản trị và tăng cường đào tạo”, bà Hương nói.

Còn ông Hoàng Việt Cường, Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch của tập đoàn khi ngay tại các khu vui chơi giải trí và điểm nghỉ dưỡng của Sun Group luôn xác định, chất lượng, đẳng cấp và sự khác biệt phải đến từ những điều nhỏ nhất. Cần tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch. Sunworld BaNa Hills đã xây dựng riêng một quy trình đón khách khuyết tật.

“Chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.

Thiết kế một bản đồ ISO trong ngành du lịch

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đề xuất, nên chăng có thể thực hiện chuyên nghiệp hoá trong phục vụ du lịch qua 2 nhóm ngành. Thứ nhất với ngành du lịch chuyên nghiệp hoá trong du lịch như thế nào, hướng dẫn viên, lái xe, lái tàu nhân viên phục vụ nhà hàng, mua sắm điều hành tour.

Theo bà Hạnh, cần ban hành tiêu chuẩn phục vụ khách như thế nào, xây dựng dự thảo thống nhất chuẩn hoá do ngành du lịch thực hiện trong toàn ngành, thực hiện trên toàn quốc. Hiện nay, các lực lượng phục vụ đã có tiêu chuẩn riêng, nhưng vẫn cần nhấn mạnh về hành vi thái độ để chuẩn hoá để có hiệu quả tốt hơn.

Với nhóm ngành hỗ trợ, có liên quan đến du lịch như an ninh, ngoại giao, công thương các ngành đó tự đăng ký tiêu chuẩn chuyên nghiệp hoá trong hoạt động du lịch như thế nào. Theo đại diện Sở du lịch Đà Nẵng, các ngành quản lý liên quan tới ngành du lịch cũng cần chuẩn hoá, góp phần tuyên truyền tăng cường nhận thức để nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành du lịch.

Trước những đề xuất đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đưa ra ý tưởng về việc thiết kế một bản đồ ISO trong ngành du lịch.

Theo đó, ông đề nghị Tổng cục Du lịch thiết kế một bản đồ ISO của du lịch trong đó lập nên một quy trình đầy đủ của một tour du lịch từ A đến Z,  từ quảng bá tới đặt vé máy bay, tới cửa khẩu, taxi, khách sạn, chỗ ăn uống, chỗ tham quan mua sắm, vui chơi giải trí rồi quay lại sân bay. Một lộ trình như thế cần được chuẩn hoá trong đó nêu rõ, ai chịu trách nhiệm khâu nào, phương pháp quản lý ra sao.

Trong khâu quảng bá điểm đến, ai làm nhiệm vụ quảng bá, phối hợp với bộ nào, công ty nào, cần vạch ra các chuẩn để chuyên nghiệp hoá. Tới khâu đăng ký visa muốn nhanh gọn thì cần yêu cầu gì, phải thế nào, Bộ hoặc Tổng cục du lịch cần phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an ghi rõ nội dung động tác sao cho chuyên nghiệp rồi tới sân bay, taxi, phải mô tả thành ISO để kiểm tra. Tổng cục giao các vụ xây dựng xử lý rồi báo cáo thường xuyên để tháo gỡ. Bằng phương pháp này, vị Thứ trưởng nhận định sẽ giúp cho Bộ quản lý tốt hơn và khi vướng mắc Bộ sẽ gửi Thủ tướng, cũng nhữ các Bộ, các doanh nghiệp để cùng phối hợp. Hiện nay, đã có quy tắc ứng xử nhưng mới chỉ dừng ở kêu gọi còn trong bản ISO này có thể đề xuất hướng xử lý để chuyên nghiệp hơn.
 

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: vietnamnet.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.831.302
Đang truy cập 8.929