Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Thái Lan khai thác giá trị văn hóa ẩm thực
Ngày cập nhật 06/09/2017

Thái Lan khá thành công trong việc khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực để thu hút du khách. Thiết nghĩ, Việt Nam có thể tham khảo một số bài học kinh nghiệm của nước bạn về vấn đề này.

Bánh dừa Thái Lan

Quảng bá ẩm thực Thái Lan

Xác định thương hiệu cho ẩm thực Thái Lan

Với tham vọng phát huy giá trị ẩm thực tuyền thống dân tộc, đưa ẩm thực Thái Lan trở thành “Nhà bếp của thế giới”, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chính sách khuyến kích mở rộng chuỗi nhà hàng Thái đưa món ăn Thái đến gần với mọi dân tộc trên thế giới. Người Thái có hẳn một chương trình quốc gia tập trung phát triển chuỗi nhà hàng Thái thông qua cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Thai Brand”, mở các lớp đào tạo nhân viên chế biến, bếp trưởng về món ăn truyền thống của Thái Lan. Chính phủ sẵn sàng cho vay vốn, cung cấp thiết bị, nhân lực và cả nguyên liệu. Đồng thời, có cả một đơn vị chuyên giám sát chất lượng và cấp giấy chứng nhận định kỳ. Theo quy định của Chính phủ, muốn mở một cửa hàng ăn Thái Lan tại nước ngoài, nhà hàng đó phải có ít nhất hai đầu bếp người Thái thuần thục chế biến món ăn truyền thống của Thái. Thông qua chuỗi nhà hàng, người Thái vừa quảng bá hình ảnh đất nước, vừa thu hút các thực khách đến với đất nước Thái Lan xinh đẹp và mến khách.

“Nhãn hiệu Thái”, “Thai Brand” sẽ được cấp cho các nhà hàng Thái ở nước ngoài khi hội đủ các tiêu chuẩn do Chính phủ Thái Lan đưa ra. Hiện nay, có khoảng 9.000 nhà hàng Thái trên khắp thế giới và họ đang lập kế hoạch đào tạo các đầu bếp Thái để làm việc cho các nhà hàng này ở nước ngoài.

Xúc tiến văn hóa ẩm thực Thái Lan

Hàng năm, Thái Lan đều có những chương trình xúc tiến quảng bá thu hút khách bằng nhiều chủ đề khác nhau với nội dung rất phong phú. Nhiều năm qua, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện hàng loạt các chiến dịch xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia như: Bangkok Fashion City, Health Hub of Asia... và một trong những chiến dịch tập trung riêng để quảng bá nền ẩm thực Thái Lan mang tên Thailand - Kitchen to the World (Thái Lan - bếp ăn của thế giới) được thực hiện từ năm 2005 - 2010. Mục tiêu chính của Chiến dịch này nhằm khuếch trương ẩm thực Thái, được thực hiện trên quy mô toàn cầu và cả trong nước. Chiến dịch này được Chính phủ, các bộ, ngành của Thái Lan, các trung tâm thương mại, các nhà hàng Thái Lan ở nước ngoài... hỗ trợ.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, để thực hiện thành công Chiến dịch Thailand - Kitchen to the World, Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thái Lan đã phối hợp đào tạo đầu bếp phục vụ trong các nhà hàng của Thái Lan ở nước ngoài. Số đầu bếp này có trách nhiệm mở rộng ảnh hưởng văn hóa ẩm thực Thái Lan ở các nước. Để có thể đạt tiêu chuẩn làm “đại sứ ẩm thực” của Thái Lan ở nước ngoài, mỗi đầu bếp phải biết sử dụng ngoại ngữ và chế biến thành thạo ít nhất năm món ăn chủ lực như súp tôm chua cay, cà ri đỏ, rau trộn, mỳ xào, cơm rang dứa...

Bên cạnh đó, để quảng bá các nhà hàng Thái trên thế giới, Chính phủ Thái Lan thành lập Công ty Global Thai Restaurant chỉ để làm công tác xúc tiến quảng bá ẩm thực Thái Lan trên toàn thế giới. Song song với các chiến dịch ngắn hạn, Cục Xúc tiến (trực thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan - TAT) phối hợp với công ty CAD xuất bản ấn phẩm Tin tức về nhà hàng Thái và tổ chức hội thảo để giúp các nhà đầu tư Thái phát triển thương hiệu nhà hàng Thái ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ Dự án phát triển chuỗi nhà hàng Thái mang thương hiệu Con voi xanh (Blue elephant) theo hình thức nhượng quyền (franchise) phổ biến hiện nay trên thế giới. Theo đó, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ cung cấp thiết kế trang trí nhà hàng, bếp trưởng và đội ngũ phục vụ đã huấn luyện đúng chuẩn, nguyên liệu nấu thức ăn và cả hàng mỹ nghệ của Thái bán tại các cửa hàng. Với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sau khi đã đáp ứng đủ yêu cầu sẽ được cho vay vốn, được huấn luyện, cung cấp thiết bị, nhân lực và cả nguyên liệu cho việc kinh doanh nhà hàng.

Thái Lan đã triển khai chiến dịch “Amazing Thailand” qua nhiều năm, trong đó hoạt động quảng bá nền ẩm thực Thái Lan chiếm vị trí quan trọng.

Chọn lựa các món ăn tiêu biểu để quảng bá, giới thiệu với du khách        

Trong những năm qua, ngành Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Du lịch Thái Lan và các Văn phòng Đại diện Du lịch Thái Lan liên tục tổ chức các Tuần lễ ẩm thực Thái Lan ở nước ngoài. Tuần lễ ẩm thực Thái Lan là dịp đặc biệt dành cho các thực khách thưởng thức các món ăn đặc sắc như bánh bột gạo giòn ăn kèm thịt lợn xay và bánh hấp nhân lạc, nộm đu đủ, mì chantaburi xào, súp tôm chua cay, cari gà xanh ngọt, chuối nước cốt dừa... Đây là cách làm trực tiếp rất ấn tượng và hiệu quả, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Ẩm thực Thái Lan tại Hà Nội

Kinh nghiệm cho ẩm thực Việt

Qua nghiên cứu kinh nghiệm khai thác văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch quốc tế của Thái Lan, Việt Nam có thể tham khảo một số kinh nghiệm để áp dụng trong điều kiện thực tế:

Thứ nhất, phát huy giá trị ẩm thực truyền thống dân tộc, tạo ra món ăn từ những nguyên liệu đặc sản chất lượng. Lựa chọn các món ăn đặc trưng đại diện cho cả quốc gia và tổ chức xúc tiến tại các thị trường nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá rộng rãi các món ăn đó ra thế giới.

Thứ hai, các nhà hàng cần sớm liên kết với nhau cũng như liên kết với công ty lữ hành để xây dựng thương hiệu và tour ẩm thực Việt Nam. Trước hết, các nhà hàng cần cung cấp thông tin về những sản phẩm, món ăn đặc sắc cho các hãng lữ hành để họ kịp thời tuyên truyền, thông tin đến du khách. Các hãng lữ hành cũng cần chủ động nghiên cứu thị trường, phối hợp với nhà hàng để xây dựng các tour chuyên đề về ẩm thực.

Thứ ba, quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch Việt Nam nói chung, cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống nói riêng. Trong các nhà hàng, khách sạn chỉ sử dụng lao động chế biến món ăn đã qua đào tạo. Để duy trì và phát triển món ăn truyền thống, cần tôn vinh các nghệ nhân, chuyên gia trong lĩnh vực chế biến món ăn, không để món ăn bị thất truyền.

Thứ tư, song song với các nhà hàng phục vụ ăn uống kiểu Việt Nam truyền thống, cần có chiến lược phát triển đa dạng các loại nhà hàng với phong cách khác nhau như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... tạo ra các phong cách riêng, độc đáo sang trọng phù hợp với nhiều đối tượng khách từ các vùng văn hóa khác nhau. Điều quan trọng là lựa chọn được xu hướng ẩm thực giao thoa giữa ẩm thực châu Á, ẩm thực châu Âu đan xen với ẩm thực Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường tổ chức các lễ hội, sự kiện gắn với ẩm thực như Tuần Văn hóa ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, Lễ hội trái cây 3 miền, Hội thi ẩm thực, Thi nấu các món ăn trong các lễ hội..., thông tin kịp thời đến du khách, các hãng lữ hành để kịp thời chào bán tour gắn với những sự kiện đó. Từ đó, xây dựng thương hiệu cho các món ăn đồ uống đặc sản của Việt Nam.

Thứ sáu, tăng cường xúc tiến quảng bá món ăn Việt Nam, đặc biệt là món ăn tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam đến du khách quốc tế.

Chợ nổi Thái Lan
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Xuân Dũng (2011), Một số vấn đề về ẩm thực và phát triển du lịch tại Việt Nam, Bài báo đăng 16/5/2011 tại web Viện nghiên cứu phát triển du lịch.
2. Trọng Quang (2014), Du lịch Thái Lan trong cơn khủng hoảng, Bài báo đăng ngày 13/3/2014 tại hanoimoi.com.vn
3. Hoàng Minh Khang, Lê Anh Tuấn (2011), Giáo trình Văn hóa ẩm thực, NXB Lao động Hà Nội.
4. Lê Anh Tuấn và cộng sự (2009), Một số giải pháp xúc tiến các món ăn tiêu biểu của Việt Nam đối với thị trường khách du lịch Tây Âu, Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

ThS. Phạm Mạnh Cường - ThS. Trần Hữu Nhân - Hoàng Minh Khang

(Tạp chí Du lịch)

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: vtr.org.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.831.861
Đang truy cập 9.392