Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Giới thiệu sách về thời Quang Trung ở Huế
Ngày cập nhật 03/10/2017

Ngày 29-9, tại Bảo tàng Văn hóa Huế,  TP Huế diễn ra buổi giới thiệu sách về thời Quang Trung ở Huế của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Hai công trình sách gồm: Thiền Lâm - Ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xứ Đàng Trong (NXB Thuận Hóa, 2017) và cuốn Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - Tiền thân Cung điện Đan Dương Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung ở Huế (NXB Văn hóa &Văn nghệ, 2017).

Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Trần Thanh, Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Huế cho biết, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mấy chục năm qua đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đặc biệt công lao và tâm huyết của ông dành cho việc nghiên cứu, khám phá những giá trị sử liệu thời Tây Sơn tại xứ Thuận Hóa - Phú Xuân rất đáng ghi nhận.

Tác giả ký tặng sách.

Trong cuốn Thiền Lâm - Ngôi chùa lịch sử, tác giả Nguyễn Đắc Xuân viết: "Chùa Thiền Lâm một di tích đóng hai vai trò trong lịch sử. Vai trò một Thiền viện lớn nhất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo ở xứ Đàng Trong do các chúa Nguyễn lập nên và vai trò chốn Cung đình đầu triều vua Quang Toản. Không một ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam một lần đóng cả hai vai trò quan trọng đến vậy". Trong đó, ông đã chỉ rõ mối quan hệ giữa chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân cũ, nơi được cho có thể từng tồn tại một Cung điện dùng làm nơi an táng Hoàng đế Quang Trung thời Tây Sơn. Đặc biệt, cuốn Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn là công trình mang tính kế thừa các công trình nghiên cứu trước đó của tác giả về mảng đề tài thời Tây Sơn ở Huế, trong đó có cập nhật các bài báo và bài viết mới, các kết quả phát hiện khảo cổ học do viện khảo cổ học tiến hành khảo sát tại gò Dương Xuân (P.Trường An, TP Huế) liên quan đến dấu tích triều đại Tây Sơn trong thời gian qua.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét về các công trình: "Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không phải là nhà sử học từ đầu, nhưng ông đã cập nhật được những khuynh hướng nghiên cứu hiện đại nhất của sử học. Lúc đầu ông cũng mày mò trong các tài liệu thơ văn, nhưng sau đó ông đi sâu vào các tài liệu liên ngành. Ví dụ như cả vùng gò Dương Xuân thì ông nghiên cứu toàn bộ chuyện này, lúc đi nghiên cứu vào chùa Thiền Lâm không phải chỉ có mấy văn bia mà nghiên cứu tất cả di tích ở đây. Tức dưới dạng điều tra khảo sát, phỏng vấn những người có liên quan, kể cả những người đang hay đã từng sống trên mảnh đất này, từ từ quan sát các di tích đổ vỡ này diễn ra như thế nào qua thời gian. Có thể nói phương pháp nghiên cứu này là phương pháp liên ngành, phương pháp sử liệu học cực kỳ hiện đại, nhờ hướng đi đúng đó đã dẫn ông đến thành công".

NGUYỄN VĂN CƯƠNG

Theo: cand.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.796.366
Đang truy cập 50.298