Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Du lịch - trụ cột của tăng trưởng bền vững
Ngày cập nhật 30/11/2017

Trong chiến lược phát triển KT - XH của đất nước, ngành du lịch được giao nhiệm vụ khá nặng nề - nhanh chóng vươn lên đảm trách khoảng 30% GDP. Và trên thực tế, khi làm việc với các địa phương trọng điểm về du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu đề cập đến con số trên như một chỉ tiêu kinh tế… Đây là nhiệm vụ không dễ, vì năm 2016 du lịch mới đóng góp được khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với chiều dài bờ biển, du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng sinh thái rất thích hợp với du khách quốc tế. Với xuất phát điểm của 2016 và định hướng cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Du lịch kỳ vọng, năm 2017 chi tiêu cho du lịch nghỉ dưỡng sẽ đạt ngưỡng 350 nghìn tỷ đồng và hiện mức chi tiêu của khách nội địa và nước ngoài là tương đương nhau (170/180 nghìn tỷ đồng). Cũng trong năm 2017, nhiệm vụ đón tiếp 13 triệu lượt khách quốc tế mà Thủ tướng giao đang gấp rút hoàn thành, thậm chí vượt, bởi tính đến thời điểm này Việt Nam đã đón gần 12 triệu lượt. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ mang đến doanh thu trực tiếp từ các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, tour tuyến, điểm tham quan, mà còn tạo nguồn thu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan khác như giao thông, ăn uống, giải trí, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ (thông tin liên lạc, ngân hàng...).

Du khách đến Quảng Ninh năm 2017 tăng vọt sau khi một loạt dự án lớn đi vào hoạt động

Đối với Quảng Ninh, xu hướng tăng trưởng dựa trên nền tài nguyên khoáng sản đang giảm dần vì điều kiện khai thác càng khó khăn. Chủ trương dịch chuyển từ “nâu” sang “xanh” đúng hướng và kịp thời đã mở toang cánh cửa kết nối địa phương với bên ngoài. Tỉnh tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Quảng Ninh phấn đấu đến 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trực tiếp vào GRDP 15%, đón 15 - 16 triệu lượt du khách; doanh thu đạt 2 tỷ USD, thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10 - 15% thu nội địa…

Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, địa phương luôn xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, bảo đảm mục tiêu phát triển gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan. Trong đó môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Ngay tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa kết thúc, vấn đề thu ngân sách trong khu vực du lịch đã được đặt ra với sự quan tâm cao. Thực tế được chỉ ra, là doanh thu từ vận chuyển tàu du lịch, lưu trú, khách sạn, nhà hàng… đều tăng, tháng sau cao hơn tháng trước nhưng doanh thu từ lữ hành tăng không đáng kể so với cùng kỳ và so với chính đà tăng trưởng. Giải pháp quản lý, kê khai thuế cụ thể đã được Cục thuế tỉnh tham mưu lãnh đạo tỉnh đón đầu đợt du lịch cao điểm cuối năm. Quan điểm của tỉnh là phân cấp triệt để cho các địa phương. Khoản thu nào trách nhiệm của địa phương thì địa phương phải có giải pháp thu, bảo đảm đúng chỉ tiêu, kế hoạch, trong đó tranh thủ các khoản thu về thuế, phí, lệ phí… Đối với các lĩnh vực kinh doanh ăn uống, nhà hàng trên tàu du lịch, cơ quan quản lý giao thông, công an… vào cuộc để tăng cường quản lý lượng khách. Đối với các điểm bán hàng cần được khảo sát doanh thu làm căn cứ xây dựng giá sàn, đối chiếu kê khai thuế để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp.
SONG LÊ

Theo: daibieunhandan.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.790.824
Đang truy cập 29.685