Tìm kiếm tin tức
Triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu du lịch các tỉnh miền Trung
Ngày cập nhật 17/11/2016

Sự cố môi trường biển xảy ra hồi tháng 4.2016 đã gây hiện tượng cá và thủy hải sản chết hàng loạt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch các tỉnh ven biển Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Trong tháng 11 - 12.2016, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm kích cầu du lịch miền Trung, giúp phục hồi du lịch khu vực này.

Trước đó, TCDL đã báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép điều chỉnh kinh phí từ nguồn Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch và các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ cho các tỉnh Trung Bộ tổ chức các hoạt động sau nhằm kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch thay thế, bổ sung cho du lịch biển nhằm tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến các địa phương trong thời gian tới.

Cụ thể là Hội nghị xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch đến các tỉnh Trung Bộ tại Hà Nội sáng ngày 17.11.2016 và tại TP.HCM vào chiều ngày 18.11.2016 với hai nội dung chính: Giới thiệu các sản phẩm du lịch mới và gặp gỡ kết nối các doanh nghiệp du lịch của miền Trung với các hãng lữ hành tại Hà Nội và TP.HCM. Road show giới thiệu du lịch Trung Bộ và du lịch Việt Nam tại 2 khu vực của Thái Lan là Thủ đô Bangkok và tỉnh Udon Thani (Đông Bắc Thái Lan) vào 22-26.11.2016. Tổ chức đoàn Famtrip khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí về phát triển sản phẩm tại các tỉnh Trung Bộ từ ngày 28.11 đến 4.12.2016. Một đoàn từ miền Bắc (Hà Nội) và miền Nam (TP.HCM) vào khảo sát các tỉnh Bắc Trung Bộ và tổ chức Toạ đàm phát triển sản phẩm du lịch Trung Bộ tại Thừa Thiên Huế.

Tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho nhân viên các cơ sở lưu trú các tỉnh Trung Bộ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình vào tháng 10- 12.2016.

Sau sự cố môi trường biển tháng 4.2016, ngành du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng Ảnh: Phạm Phú Thép

Ảnh hưởng rõ rệt nhất là mùa du lịch hè 2016 (bắt đầu từ dịp 30.4- 1.5), các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên Huế lượng khách du lịch sụt giảm đột ngột dù ở những tỉnh này du lịch biển mang nặng tính mùa vụ (3 tháng du lịch hè đông khách và chủ yếu khách nội địa); trừ Nghệ An, những tỉnh khác du lịch biển không phải là loại hình du lịch chính nhưng tác động từ sự cố môi trường lại rất ghê gớm. Tính đến nay, đang mùa thấp điểm khách nội địa tình hình còn bi đát hơn. Nghệ An dù không ảnh hưởng nhiều từ sự cố môi trường khách du lịch cũng giảm 40%, Thừa Thiên Huế cũng túc tắc, còn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thì hoạt động du lịch biển gần như tê liệt.

Tháng 6.2016, nhận thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển đến hoạt động du lịch khu vực này, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BVHTTDL ngày 28.6.2016, phê duyệt Đề án hỗ trợ các tỉnh Trung Bộ khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển. Đề án đã chỉ ra những định hướng chung, những hành động, giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ các địa phương khôi phục hoạt động du lịch cũng như chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, TCDL, Hiệp hội Du lịch và Sở quản lý du lịch các địa phương…

Trong đó, đáng chú ý nhất là đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu áp dụng chính sách miễn, giảm thuế cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Cụ thể là giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế VAT một năm cho các đối tượng liên quan. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung cũng như đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm hạn chế tình trạng khu vực quy hoạch cho công nghiệp (đặc biệt những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao) đan xen với khu vực quy hoạch cho phát triển du lịch. Đề nghị UBND các tỉnh khu vực Trung Bộ đề xuất với các Bộ, ngành và Chính phủ những giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thực sự bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển, cũng như có cơ chế nguồn vốn vay, lãi suất vốn vay ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp trên để khắc phục, ổn định lại sản xuất kinh doanh dịch vụ trong thời hạn ít nhất 1 năm. Đồng thời bố trí nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; củng cố xây dựng sản phẩm du lịch; bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường để phục hồi hoạt động du lịch.

Thúy Hà

Theo: baovanhoa.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.858.142
Đang truy cập 13.571