Tìm kiếm tin tức
Làng nghề ở Huế “chạy tẹt ga” sản xuất phục vụ Tết
Ngày cập nhật 23/12/2016

Tết Nguyên Đán đang đến gần cũng là thời điểm những làng nghề phục vụ cho các sản phẩm Tết đang “chạy nước rút” để phục vụ cho nhu cầu của thị trường. Tại một số làng nghề truyền thống ở Huế, không khí này đang khẩn trương hơn bao giờ hết.


Vào những ngày cuối năm, ông Táo được bày bán khá nhiều. (ảnh internet)

Ông Táo ra lò
Một trong những dịp tết quan trọng nhất trong năm của người Việt là Tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp (tháng mười hai âm lịch). Vì thế, vào những ngày này, làng Địa Linh (nằm kề phố cổ Bao Vinh, thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) rất nhộn nhịp.
 
Cứ ngỡ rằng việc sản xuất ông Công ông Táo ở đây sẽ là những công việc giản đơn khi các ông được sản xuất từ đất sét và nung đỏ. Thế nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu mới thấy được rằng, hóa ra để sản xuất một ông Táo có giá thành phẩm từ 500 – 3.000 đồng, người dân cũng vất vả trải qua nhiều công đoạn với nhiều thao tác tỉ mẫn.

Việc sản xuất ông Táo trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mẫn (ảnh internet)

Theo chia sẻ của một số người dân làm nghề ở đây, việc sản xuất ông Táo kéo dài ròng rã mấy tháng trời từ việc đi lấy đất, làm đất, in khuôn tới khi nung thành sản phẩm. Từ tháng 4 âm lịch, người dân đã bắt đầu các công tác chuẩn bị như đi gom rơm khô để dự trữ và dùng cho dịp cuối năm chèn vào các kiện hàng giúp hàng gửi đi không bị vỡ. Riêng đất làm ông Táo, các chủ lò phải lựa chọn loại đất sét vàng không pha cát, ít tạp chất và nhất là phải mua trước khi mùa mưa lũ ở Huế diễn ra nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Đất không chỉ sạch mà phải tuyệt đối không có lẫn cát sạn. Chính vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu như thấy cảnh người sản xuất đang tỉ mẩn xăm từng lớp mỏng để tìm sạn. Công đoạn chuẩn bị đất là quá trình cứ lặp đi lặp lại của các thao tác nhồi đất, xăm tìm sạn rồi lại nhồi. Đất sẽ đưa vào khuôn nện chặt, ông Táo “ra đời” nếu người đúc phát hiện có sạn sẽ dùng cái lẩy nhọn khẩy ra, nhưng nếu ông Táo vẫn bị “lở” sẽ phải nhồi làm lại.


Hiện nay không có nhiều người trẻ đam mê nghề này (ảnh internet)

Sau khi tạo hình, công đoạn tiếp theo đó chính là sấy khô ông Táo. Nếu như vào mùa nắng, việc sấy khô khá dễ dàng, chỉ khoảng 2-3 ngày. Nhưng với những ngày mưa, đây quả là một công việc tốn khá nhiều thời gian khi các ông Táo phải được sấy khô bằng cách chất quanh lò nung. Cứ thế, sau khi sấy khô, lúc này ông Táo mới được cho vào lò nung đến khi hoàn thành sản phẩm.
 
Hàng được tiêu thụ khá nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam.
 
Tới thời điểm cận Tết, khoảng từ tháng 10 âm lịch, công việc đã trở nên vất vả hơn khi các lò nung đỏ lửa hối hả sản xuất hàng vạn bức tượng ông Công, ông Táo. Hàng sau khi được sản xuất sẽ được đóng gói và chuyển đến các khách đã đặt trước. Sản phẩm được tiêu thụ tại khá nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Vất vả là vậy, tuy nhiên thu nhập của nghề này cũng không quá hấp dẫn thế nên hiện tại ở Địa Linh chỉ còn vài hộ gia đình sản xuất mặt hàng này.
 
Hạt nổ “bung lụa” chờ Tết
Rời làng sản xuất ông Táo Địa Linh, ở Huế còn có nhiều làng nghề sản xuất các mặt hàng Tết khá đặc biệt. Một trong số đó chính là làng làm hạt nổ (hạt bỏng cúng) ở làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sở dĩ trong các lễ cúng ngoài trời đều không thể thiếu hạt nổ để phân phát cho các loại cô hồn đang đói khát, vất vưởng khắp nơi.


Hạt nổ là thứ không thể thiếu trong các lễ cúng.

Trên thực tế, việc sản xuất hạt nổ để thờ cúng tại Lại Ân diễn ra quanh năm nhưng vào thời điểm cuối năm, người làng “tăng tốc” để chạy nước rút sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết Nguyên Đán sắp đến. Theo chia sẻ của người làng, việc sản xuất hạt nổ diễn ra khá cầu kỳ và qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của máy móc nên đã giải phóng được sức lao động, tăng năng xuất gấp nhiều lần so với trước kia. Chính vì vậy, vào dịp Tết thì thu nhập khá hơn nhiều: từ 80.000 đ-100.000 đ / người/ ngày.


Ngày nay việc sản xuất hạt nổ thay vì làm từ bột nếp lại được làm bằng hạt gạo.

Nếu như trước đây, việc sản xuất hạt nổ được sản xuất từ lúa nếp được ngâm vào nước sạch khoảng 5 ngày thì xay nhuyễn lọc lấy tinh bột, sau đó nhuộm màu. Bột sau khi nhuộm màu xong đem hấp, cán ra thành tấm, đem phơi, sấy đến một thời gian nhất định thì cắt ra thành những hạt nhỏ. Công đoạn tiếp theo đó chính là rang cùng với cát sạch, để hạt nở bung ra chờ đến khi nguội thì đóng gói.  Ngày nay việc sản xuất hạt nổ thay vì làm từ bột nếp lại được làm bằng hạt gạo, phải chọn loại gạo ngon, đẹp, còn nguyên hạt. Hình dạng hột nổ do máy sản xuất phong phú hơn nhiều so với làm bằng tay như hình tròn, hình bầu dục…


Hình dạng hột nổ do máy sản xuất phong phú hơn nhiều so với làm tay như hình tròn, hình bầu dục…

Trong thời điểm giáp tết Nguyên Đán thế này, người dân Lại Ân lại tấp nập các hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ các hạt nổ trong và ngoài tỉnh như Quảng Trị, Đông Hà, Đà Nẵng, Quảng Nam…


Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân xứ Huế.

Hoa giấy sẵn sàng khoe sắc
Một trong những mặt hàng thờ cúng khác đặc biệt chỉ sản xuất vào dịp tết cổ truyền đó chính là hoa giấy. Làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) là một trong những địa danh nổi tiếng về mặt hàng này. Được biết, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân xứ Huế. Ngày xưa, khi những lưu dân đất Bắc di cư vào Thuận Hóa, nơi đây đầy rẫy những hiểm nguy, bất trắc từ thiên nhiên khắc nghiệt, nên người dân thường thờ cúng các vị thần linh nơi đất mới để “cầu lành, tránh dữ”. Hoa là thứ mà người ta hay dâng cúng các vị thần linh nhất nhưng không phải lúc nào cũng trồng được hoa tươi, bởi khí hậu, thời tiết xứ Huế thất thường, mưa nhiều. Từ đó, người làng Thanh Tiên nghĩ ra việc làm hoa giấy, trước là để cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang hoàng nhà cửa.


Hình ảnh dễ gặp mối dịp cuối năm.

Vào những thời điểm cận Tết, dạo quanh những khu chợ không khó để bắt gặp những hình ảnh các O, các dì trên vai là một “cây” hoa giấy cực lớn gắn vô số những cành hoa nhỏ để bán lẻ cho mọi người mua về trang trí ban thờ. Và để phục vụ cho nhu cầu thờ cúng của người dân, người làng hoa giấy Thanh Tiên phải chuẩn bị tỉ mẩn các công đoạn từ nhiều tháng trước. Ngoài các loại hoa: lan, huệ, hồng, cúc, dã quì, tường vi… vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, làng Thanh Tiên còn làm thêm hoa sen giấy.

làng Thanh Tiên còn làm thêm hoa sen giấy.

Đi kèm với sự phát triển của thị trường, các làng nghề sản xuất đồ thờ cúng vào các dịp Tết ở Huế cũng đứng trước nguy cơ bị mai một khi thu nhập của nghề mang lại không nhiều. Hiện nay, chỉ còn một vài hộ gia đình duy trì nghề truyền thống, nhưng cũng chẳng biết đến khi nào… đứt bóng.
 
 
Anh Thư
 

Theo: songmoi.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.846.522
Đang truy cập 5.625