Tìm kiếm tin tức
Sẽ tiếp tục mở rộng khảo cổ học tìm cung điện Đan Dương ở gò Dương Xuân
Ngày cập nhật 10/01/2017

Chiều 9/1, Sở Văn hóa – Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả Khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân  (thuộc phường Trường An TP. Huế).

GS. Phan Huy Lê đã chỉ ra nhiều hướng mới trong việc khai quật khảo cổ học để tìm ra dấu tích cung điện Đan Dương

Vùng đất này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng đã từng tồn tại cung điện Đan Dương triều Tây  Sơn và Khu lăng mộ hoàng đế Quang Trung.

Sau gần nửa tháng (từ ngày 7 - 20/10/2016) tiến hành khai quật tại 5 hố ở khu vực gò Dương Xuân, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện nhiều ngôi mộ táng, nền móng cát sỏi, các di vật gồm đồ đồng, đồ sắt, sành, đất nung... đặc biệt là kiến trúc đá ở hố khai quật số 5 có chiều rộng trên 5, 50m theo chiều Đông –Tây, dày 0,6 đến 0,65m, các lớp đá còn lại được xếp chỗ 2 lớp, chỗ 3 lớp, mỗi viên đá có kích thước trung bình dài 35cm dày 22 cm.

Kiến trúc đá ở hố số 5 sau khi được khai quật thêm hứa hẹn sẽ có nhiều thông tin thú vị

Trước những di tích và di vật đã có được trong đợt khảo cổ ở 5 hố đầu tiên đồng thời để làm sáng tỏ việc có hay không cung điện Đan Dương triều Tây Sơn và lăng mộ hoàng đế Quang Trung ở gò Dương Xuân, đoàn khai quật Viện Khảo cổ học tiếp tục kiến nghị với Bộ VH –TT DL, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở VH-TT thực hiện các giai đoạn khảo cổ học tiếp theo.

Bên cạnh đó, phân tích mẫu 14 C (các bon phóng xạ) để đưa ra những nhận định cụ thể về niên đại, các giai đoạn sớm muộn trong tổng thể khu di tích gò Dương Xuân; Mở rộng thăm dò, khai quật tại hố số 5 đồng thời bước đầu xây dựng đề án quy hoạch chi tiết tổng thể khu di tích gò Dương Xuân. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn toàn bộ khu vực này.

Kết luận buổi hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả Khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân, GS. Phan Huy Lê đã đưa ra nhiều nhận xét khẳng định trên gò Dương Xuân có chùa Thuyền Lâm. Và chùa Thuyền Lâm được sử dụng như một bộ phận của cung điện vào triều Tây Sơn.

Như vậy chắc chắn cung điện Đan Dương thời Quang Trung cũng có thể nằm bên cạnh, không thể khác xa hơn được. "Cái đó mới chỉ là suy luận nhưng là suy luận có căn cứ" - GS. Phan Huy Lê  thông tin thêm.

Cũng theo GS. Phan Huy Lê, trong đợt khảo cổ 5 hố lần đầu tiên tại ấp Bình An thuộc gò Dương Xuân, về nguyên tắc chưa thể nói lên được điều gì. Cũng không thể bắt các nhà khảo cổ học kết luận bất cứ vấn đề gì.

Liên quan đến các giếng loạn tại khu vực này, các chuyên gia khẳng định trước khi các chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn đến đây thì ở khu vực gò Dương Xuân đã từng có dấu tích của người Chăm Pa nhưng chưa biết là chỗ cư trú như thế nào.

GS. Phan Huy Lê đề nghị tiếp tục mở rộng khai quật hố 5 để làm sáng tỏ kiến trúc đá đó là gì. Vì khi mở rộng thăm dò khảo cổ học tại hố này sẽ giải đáp được cho chúng ta hai câu hỏi: Dưới 9 tầng sinh thổ lớp đá hiện có; bề ngang hiện có của lớp đá này rộng 5,6m nhưng phía Đông và Tây chạy đến đâu thì hiện giờ vẫn chưa biết.

Sau tiếp tục mở rộng khai quật ở hố số 5 sẽ đi đến được kết luận kiến trúc đá này thực chất là gì. Nếu có bức tường thành thì tiếp tục nghiên cứu có đúng vào thời Tây Sơn không? Nếu phát hiện đây là một bức tường thành thì có thể nói rằng đó là một chỉ số rất quan trọng.

Cũng theo ý kiến của GS. Phan Huy Lê, các nhà khảo cổ học nên đào thêm một rãnh thăm dò kéo dài từ chùa Vạn Phước xuống phía Nam làm như thế sẽ phát hiện thêm dưới các tầng đất ở gò Dương Xuân có thêm những tầng kiến trúc gì.

Ngoài ra nếu có điều kiện, mở thêm hai rãnh phía Tây và Đông, đây cũng là phương pháp khảo cổ học thường xử lý. Trên cơ sở những rãnh đó sẽ mở thành những hố khai thác lớn.

Đồng thời mở rộng thêm vấn đề điều tra khảo sát về lịch sử, khảo cổ học. Nếu chỗ nào cần thiết thì có thể làm thêm một hố nhỏ để khai quật khảo cổ.

Nếu kế hoạch này được chấp nhận, GS Lê hy vọng sau đợt 2 chúng ta có thêm một số tư liệu mới để không phải chỉ đưa ra những nhận xét sơ bộ như hôm nay.

Một số hình ảnh về đợt Khai quật khảo cổ học gò Dương Xuân nơi được cho từng tồn tại cung điện Đan Dương và mộ phần hoàng đế Quang Trung

Nhiều di vật được phát hiện trong đợt thăm dò khảo cổ học đầu tiên tại gò Dương Xuân

Minh Ngọc

Theo: giaoducthoidai.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.840.398
Đang truy cập 1.222