Tìm kiếm tin tức
Chỉ tiêu tăng trưởng khách quốc tế 30%: Ngành Du lịch sẽ làm gì?
Ngày cập nhật 29/05/2017

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%, khu vực dịch vụ được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 7,19%, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng khách du lịch quốc tế tăng 30%. Ngành Du lịch sẽ làm gì để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng này?

Ngành Du lịch chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Ảnh: Anh Trần

Bộ VHTTDL đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kịch bản tăng trưởng 30% khách quốc tế là phương án tăng cao nhất với 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 70 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 500.000 tỉ đồng.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trên, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo ngành Du lịch đẩy mạnh việc quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Hội An, Quảng Nam tháng 8.2016.

Nhưng quan trọng là các nhiệm vụ đột phá như: Thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; đề xuất và duy trì cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, hình thành khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao; cơ chế chuyển đổi từ phí tham quan sang giá; tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không… cần được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai đồng bộ, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch.

Chính phủ nhất quán mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% như tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2017 và trong Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Chiều tối ngày 22.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp khẩn với các Bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017, giao nhiệm vụ cụ thể và đề ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên giao ban, cập nhật tình hình và chủ động có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Bên cạnh đó, những yếu kém, hạn chế phải được nhanh chóng khắc phục, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như thực hiện các chính sách kích cầu du lịch. Trong đó, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách du lịch quốc tế như: đẩy mạnh chính sách cấp thị thực điện tử, mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử, tiếp tục duy trì chính sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia đã được miễn thị thực…

Tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường trọng điểm. Từ nay đến cuối năm 2017, ngành Du lịch tiếp tục tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường châu Âu, Úc và châu Đại Dương, Đông Bắc Á, cụ thể là: Hội chợ KOTFA (Seoul, Hàn Quốc), từ 30.5-6.6; roadshow giới thiệu điểm đến tại Sydney, Melbourne, Perth (Úc), từ ngày 25-30.6; roadshow tại Bắc Âu: Copenhagen (Đan Mạch), Stockholm (Thụy Điển), Hensinki (Phần Lan), Oslo (Na Uy ), từ 12-22.9; Hội chợ JATA (Tokyo, Nhật Bản), từ 19-25.9; Hội chợ TOP RESA (Paris, Pháp), từ 24-30.9; 2 chương trình xúc tiến giới thiệu điểm đến tại Tây Âu: Valencia (Tây Ban Nha), Milan (Ý), từ ngày 1-7.10; Berlin và Frankfurt (Đức), Amsterdam (Hà Lan), từ ngày 7-15.10; Hội chợ WTM (London, Anh), từ ngày 4 - 10.11. Tất nhiên, không phải tổ chức sự kiện lúc nào là khách đến ngay lúc đó, không phải tổ chức tháng nào thì khách đến ngay tháng ấy mà việc chúng ta kiên trì, quyết liệt quảng bá, tổ chức xúc tiến giới thiệu điểm đến ở các thị trường này là để thúc đẩy tăng trưởng trong mùa sau. Việc khách du lịch quốc tế các thị trường năm 2016 và 4 tháng 2017 tăng mạnh một phần quan trọng là do nỗ lực quảng bá, xúc tiến hiệu quả một thời gian dài vừa qua và đưa ra những chính sách đúng đắn để thu hút khách.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kết nối du lịch với hàng không, mở thêm các đường bay mới tới các thị trường du lịch trọng điểm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tại các địa phương, quản lý tốt các điểm đến du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Có kế hoạch ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của biển đổi khí hậu, dịch bệnh.

Chương trình dự kiến sẽ có khoảng 60-80 doanh nghiệp du lịch hai nước tham dự, với các hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp, giới thiệu điểm đến, biểu diễn nghệ thuật, tiệc giao lưu, bốc thăm trúng thưởng… T.H

Việc kiểm soát hoạt động kinh doanh du lịch, đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ du lịch, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, tăng cường quản lý điểm đến cũng được ngành Du lịch chú trọng thực hiện.

Chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam với việc kiểm tra và thu hồi quyết định công nhận hạng sao hơn 40 khách sạn từ 3-5 sao trên toàn quốc; kiên quyết thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm những công ty lữ hành quốc tế không tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực lữ hành; chấm điểm cho các điểm, khu du lịch… đã thể hiện điều đó.

Ngành Du lịch cũng không ngừng duy trì tăng trưởng ổn định của các thị trường khách, đặc biệt tập trung khai thác tốt thị trường khách Trung Quốc: không bỏ lỡ cơ hội thu hút khách, đồng thời với việc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh du lịch, hạn chế mặt tiêu cực của các “tour giá rẻ”, tránh phân biệt đối xử với khách du lịch theo từng thị trường… Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và các quốc gia luôn luôn lấy lượng khách quốc tế đến là một trong hai tiêu chí hàng đầu khi thống kê và đánh giá về mức độ thành công, phát triển du lịch của một quốc gia, điểm đến.

Vì vậy, cần khẳng định, với đặc thù là điểm đến mới nổi trong khu vực, du lịch Việt Nam vẫn cần lấy tiêu chí tăng trưởng về lượng ưu tiên hàng đầu trong nhiều năm nữa. Và với những thị trường đông dân hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ thì ngành Du lịch không thể không quan tâm.

Theo số liệu điều tra năm 2014 của TCDL, mỗi khách du lịch Trung Quốc chi tiêu (tính cả giá tour và các khoản chi tiêu cá nhân ngoài tour) ở Việt Nam trung bình 790 USD (tương đương 18 triệu đồng/ lượt khách) và có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi đó, giá 1 tấn gạo Việt Nam xuất khẩu khoảng 10 triệu đồng và giá 1 tấn thịt lợn hơi bán buôn trong nước là 25 triệu đồng.

Thúy Hà

Theo: baovanhoa.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.668.348
Đang truy cập 15.959