Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế (phần 1)
Ngày cập nhật 25/07/2024
Ảnh: congdoan.vn

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (KVBG) trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tin yêu.

Phần I
60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế

Biên giới quốc gia (BGQG) là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Ông cha ta đã khéo léo thực hiện chính sách “nhu viễn” mềm dẻo, tranh thủ các tộc trưởng ở biên cương để đoàn kết các dân tộc chống ngoại xâm; kết hợp với đề ra chính sách “biên viễn” (coi nơi địa đầu biên cương xa xôi là huyết mạch cốt tử của triều đình), xây dựng thành lũy, tích trữ lương thảo, vũ khí, lấy dân binh lập phên dậu, trấn đồn trú canh giữ... Thời nào cũng có tướng tài và binh lính tinh nhuệ làm nòng cốt ra trấn giữ biên thùy, vì vậy đã bảo vệ được toàn vẹn non sông bờ cõi, xác lập vững chắc cương vực của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá mà ông cha ta truyền lại cho con cháu muôn đời.

Ảnh: congdoan.vn

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Là một trong 10 địa phương trong cả nước có chung đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với 80,683 km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Salavan và Sekong; có 02 cửa khẩu chính là A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cô Tài; có 12 xã biên giới thuộc địa bàn của huyện miền núi A Lưới là: Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Quảng Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hương Phong, Lâm Đớt, Đông Sơn, A Roàng, Hương Nguyên, có đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống, như: Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy… Có đường bờ biển dài khoảng 128 km đi qua địa bàn của phường Thuận An, thị trấn Lăng Cô và 19 xã: Điền Môn, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải, Quảng Ngạn, Quảng Công, Hải Dương, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh An, Giang Hải, Vinh Hiền, Lộc Bình, Vinh Mỹ, Lộc Vĩnh, thuộc thành phố Huế và 04 huyện (Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang). Có 01 đảo Sơn Chà và 02 Cảng biển là Cảng Thuận An và Cảng Chân Mây.

BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, một thành phần trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy ngày 15/12/1964 là ngày truyền thống. 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn nhận thức rõ trách nhiệm, trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với Nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng quê hương; là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới; quản lý, kiểm soát ở cửa khẩu; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa, đấu tranh với mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và phòng, chống tội phạm; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN); tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; làm tốt công tác đối ngoại Biên phòng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tạo nên sức mạnh của hệ thống chính trị, đoàn kết, gắn bó với đồng bào các dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ an ninh BGQG.
 
A. BĐBP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ 60 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH
I. SỰ RA ĐỜI CỦA BĐBP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Ra đời từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từ Ban An ninh vũ trang - Công an Nhân dân vũ trang - BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng là công cụ sắc bén để quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bảo vệ Đảng, chế độ và bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Ở miền Bắc, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW Về xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, tại Điều 1 nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an Nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Từ đó, ngày 03 tháng 3 hàng năm được chính thức chọn làm Ngày truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Ngày 28/3/1959, tại Thủ đô Hà Nội, Lễ thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang được tổ chức trọng thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, trao nhiệm vụ cho lực lượng Công an Nhân dân vũ trang: “Công an và quân đội là hai cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”. Bác ân cần dặn dò: “Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Kẻ thù bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ thù bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của Quân đội và Công an nói riêng, của Nhân dân nói chung, Quân đội và Công an phải dựa vào dân mới hoàn thành được”.
Ở Thừa Thiên Huế, giữa tháng 12/1964, từ lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng do Bộ Công an chi viện đợt B10, B11, khung An ninh vũ trang, thuộc Ban An ninh tỉnh Thừa Thiên được thành lập . Với chức năng và nhiệm vụ do Trung ương Cục quy định, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã cùng các lực lượng vũ trang trong tỉnh bảo vệ chiến khu cách mạng, địa bàn đứng chân của Khu ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy, bảo vệ hành lang, đưa đón cán bộ vào hoạt động trong vùng địch chiếm đóng; bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng; diệt ác, phá kìm; hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy. 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên tục bám sát địa bàn, không ngừng phát triển lực lượng, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã tham gia chống phá Quốc sách “ấp chiến lược”, trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử, góp phần giải phóng quê hương tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau gần một năm cùng các lực lượng vũ trang và Nhân dân tiếp quản địa bàn vùng mới giải phóng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, thực hiện Quyết định số 23/BTL, ngày 27/02/1976 của Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế đã được hợp nhất với An ninh vũ trang Quảng Trị, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh và Quảng Bình thành Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên.
Trong đội hình hợp nhất, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân vũ trang trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã phát triển các đồn, trạm trên hai tuyến biên giới, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, hiệp đồng có hiệu quả với các lực lượng vũ trang, kịp thời phát hiện, đập tan âm mưu và hành động phá hoại của các phần tử phản động, giữ vững an ninh địa bàn.
Từ năm 1979, về tổ chức, BĐBP các cấp trải qua nhiều lần thay đổi đầu mối trực thuộc. 
Ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW Về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an Nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Ngày 19/12/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 1148/QĐ-QP xác định BĐBP là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thực hiện chủ trương trên, Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên giải thể, thành lập Phòng Biên phòng, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên. Các Đồn Biên phòng thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện. 
Sau một thời gian hoạt động, trên phạm vi toàn quốc, mô hình tổ chức này đã bộc lộ những hạn chế. Nhằm khắc phục tình trạng bất hợp lý do thay đổi tổ chức, ngày 26/5/1981, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ban hành Chỉ thị số 85-CT/TM Chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy đối với BĐBP nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung Chỉ thị điều chỉnh lại tổ chức BĐBP, chuyển các Đồn Biên phòng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, chỉ huy; chuyển Phòng Biên phòng thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh với chức năng chỉ đạo, tham mưu công tác biên phòng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Ngày 01/8/1981, Phòng Biên phòng được kiện toàn thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên. Với mô hình tổ chức này, quá trình hoạt động của BĐBP vẫn tiếp tục bộc lộ những khó khăn, lúng túng, vì vậy, ngày 14/4/1986, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 419-QĐ/BQP về việc Chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy, củng cố, xây dựng BĐBP. Quyết định của Bộ quy định rõ vị trí, tính chất, nhiệm vụ, hệ thống chỉ huy thống nhất của BĐBP trực thuộc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự chỉ huy, quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ đạo về công tác an ninh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, về công tác đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Mô hình tổ chức BĐBP theo 3 cấp: Bộ Tư lệnh BĐBP; Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh; Đồn Biên phòng, đơn vị cơ động, Hải đội Biên phòng.
Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, trong hai ngày 29 và 30/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên chính thức bàn giao mọi mặt công tác cho BĐBP đảm nhiệm. Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng được đổi tên thành Ban Chỉ huy BĐBP Bình Trị Thiên. 
Ngày 21/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 104/HĐBT quy định: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế trang bị và cơ sở vật chất kỹ thuật của lực lượng BĐBP sang Bộ Nội vụ. Lực lượng BĐBP đặt dưới sự chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Thực hiện quyết định trên, ngày 03/8/1988, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đã tiến hành công tác bàn giao. Bộ Nội vụ tiếp nhận tổ chức BĐBP từ Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ huy BĐBP từ ngày 16/8/1988. Ở cấp tỉnh, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh vẫn trực thuộc chỉ huy của Tư lệnh BĐBP.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 747/QĐ-BNV chia tách Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Trị Thiên thành Ban Chỉ huy BĐBP các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngày 17/7/1989, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết 35 năm công tác biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP, ngày 08/8/1995, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW Về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng. Hệ thống tổ chức của BĐBP vẫn theo hệ thống dọc, gồm 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các đơn vị cơ sở như hiện nay.
Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như sau: “Là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao, đồng thời là một lực lượng thành viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. BĐBP có các nhiệm vụ chủ yếu như: Tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở KVBG trên bộ và trên biển, bảo vệ an ninh BGQG; tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về BGQG; thực hiện quan hệ phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định về biên giới; đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phản cách mạng phá hoại BGQG; trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới và các loại tội phạm khác, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của Nhân dân; liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với các đơn vị vũ trang khác và Nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược...”.
 
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA BĐBP TỈNH
1. Lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế hình thành, tham gia bảo vệ hậu cứ và hỗ trợ đấu tranh chính trị, vũ trang (1964 - 1968)
Từ 1960 đến 1963, với thắng lợi của phong trào đồng khởi miền núi, phong trào đánh phá “ấp chiến lược” và phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng, quân và dân Thừa Thiên Huế đã góp phần to lớn vào việc làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy ở miền Nam.
Năm 1964, thực hiện chủ trương “Phát động quần chúng nông thôn, đồng bằng đồng khởi”, Tỉnh ủy quyết định gấp rút tiến hành đồng khởi, giải phóng từ 3 - 4 vạn dân, giành lại nông thôn, đồng bằng Thừa Thiên Huế. Cùng với các đơn vị vũ trang, các đội công tác, lực lượng An ninh Thừa Thiên Huế về các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc tuyên truyền, phát động Nhân dân nổi dậy kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận; trừng trị bọn ác ôn, tề điệp, phản động, giành dân, giành quyền làm chủ.
Các chiến sĩ An ninh phối hợp cùng các lực lượng triển khai tốt công tác binh vận, cải tạo và hạ uy thế trên 2.000 tên địch, làm rã hàng ngũ lực lượng “Thanh niên chiến đấu” với 1.009 đội viên và 1.847 lính cộng hòa và bảo an, hàng chục cuộc binh biến, khởi nghĩa của các lực lượng Ngụy quân trở về với cách mạng, mang theo hàng trăm súng các loại.
Ngày 15/12/1964, Bộ Công an chi viện đợt B10, B11 cho An ninh Thừa Thiên Huế gồm 50 đồng chí, trong đó có 07 đồng chí được tách ra để thành lập khung An ninh Vũ trang, trực thuộc An ninh Thừa Thiên.
Tháng 8/1965, do yêu cầu bức thiết của công tác An ninh vũ trang, Thành đội Huế đã điều động 03 cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Thành ủy. Cũng trong tháng 8/1965, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã điều động 08 cán bộ cấp đại đội, trung đội tăng cường cho An ninh vũ trang Thừa Thiên để thành lập Đại đội An ninh vũ trang bảo vệ Thành ủy.
Từ năm 1966, chiến trường Trị Thiên Huế có vị trí vai trò mới, là một hướng chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở nước ta. Tháng 4/1966, Trung ương quyết định thành lập Khu, Quân khu Trị Thiên Huế. Đến tháng 6/1966, quyết định thành lập Mặt trận đường 9 (B5), Trị - Thiên - Huế từ một chiến trường đã trở thành hai mặt trận trên cùng một địa bàn, chiều dài từ sông Bến Hải đến Hải Vân, từ chiến trường “khu đệm” đã trở nên một trong những phương hướng trọng yếu, nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa ta và địch. Địch tăng cường lực lượng và thủ đoạn đánh phá, càn quét, khủng bố Nhân dân, đốt phá nhà cửa ở các vùng giáp ranh, vùng giải phóng. Ở miền núi, chúng rải chất độc hóa học, dùng máy bay B.52 ném bom, thả biệt kích, thám báo đánh phá vùng căn cứ.
Bước vào năm 1967, sau một thời gian xây dựng cơ sở, tạo địa bàn đứng chân ở vùng ven thành phố, nông thôn, đồng bằng, các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế liên tiếp tổ chức những trận đánh vào căn cứ, nơi đóng quân của Mỹ - Ngụy.
An ninh vũ trang Thừa Thiên phối hợp với đơn vị Biệt động thành, bộ đội địa phương liên tục tấn công địch. Tính đến tháng 4/1967, đã đánh 31 trận, diệt 816 tên địch; trong đó có 30 ác ôn, 31 lính Mỹ (8 thiếu úy, 1 đại úy). Phối hợp với K4 và huyện Hương Thủy tổ chức nhiều trận đánh vào các đơn vị quân Ngụy, tiêu diệt 197 tên địch; diệt gọn 3 trung đội, 3 đoàn bình định, 1 trung tâm huấn luyện; tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 2 trung đội, 1 ban chỉ huy tiểu đoàn; phá hỏng 70 xe quân sự, bắn rơi 1 trực thăng.
Để chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy, Quân Khu ủy, Thành ủy, triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thông suốt tình hình, nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Để đảm bảo bí mật an toàn cho việc chuẩn bị mở chiến dịch, An ninh các huyện, xã chú trọng công tác bảo vệ nội bộ, căn cứ, hành lang, các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên được bổ sung quân số. 02 giờ sáng ngày 31/01/1968 (nhằm giờ Sửu, mùng 03 Tết), pháo binh của ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử. Sáng 31/01/1968, lực lượng cách mạng đã đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu bên trong và vòng ngoài thành phố. Đúng 09 giờ ngày 31/01/1968, cờ Cách mạng phấp phới tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Bộ đội ta vừa đánh địch phản kích, vừa phát động quần chúng nổi dậy. Cùng với các lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Thừa Thiên phối hợp với các mũi tiến công tiêu diệt địch. 
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế được bổ sung quân số từ thanh niên, sinh viên, cơ sở bị lộ ở nông thôn, đồng bằng, số cán bộ, chiến sĩ được giải thoát từ nhà lao Thừa Phủ. Riêng Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang thành Huế biên chế gần 500 chiến sĩ. Đại đội An ninh vũ trang tỉnh cũng được Bộ Tư lệnh Công An Nhân dân vũ trang tăng cường 93 cán bộ, chiến sĩ, biên chế Đại đội quân số 123 đồng chí chia thành 4 trung đội: Trung đội bảo vệ Thành ủy có 30 đồng chí, Trung đội bảo vệ căn cứ có 35 đồng chí, Trung đội bảo vệ hành lang, thu mua vận chuyển có 30 đồng chí và Trung đội canh giữ trại giam có 28 đồng chí.
An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế chuyển sang hoạt động “trừ gian, diệt tề, quét điểm” ở vùng nông thôn, bám dân xây dựng và phát triển phong trào quần chúng. Tháng 8/1968, đơn vị Trinh sát vũ trang tấn công vào các toán bình định nông thôn, diệt bọn ác ôn, dân vệ ở Ngũ Tây, Tứ Đông, đánh tan 2 đoàn bình định ở cống Phát Lát (An Cựu) diệt 72 tên địch. Phối hợp với đơn vị K5, K6, phá tan đơn vị phòng vệ dân sự ở Phú Nhuận, Phú Xuân, đánh tập kích vào bọn Kỵ binh bay Mỹ ở Vân Thê (Hương Thủy), diệt 1 tiểu đội nghĩa quân ở Minh Thủy, 2 trung đội Mỹ ở Sư Lỗ Thượng, 2 tên ác ôn ở Hương Bình (Hương Trà), 29 tên Mỹ, 3 tên ác ôn ở xã Hương Lộc, Hải Thủy. 
Công tác diệt ác, trừ gian cũng được đẩy mạnh. Ở Phú Vang, trong suốt 4 đêm từ ngày 10 - 14/11/1968, ta đã tiêu diệt 4 tên ác ôn (trong đó có 1 tên phản bội đã chỉ điểm giết 09 đồng chí của ta, 1 tên công an và 2 tên mật vụ). Phát hiện 1 ổ gián điệp quan trọng gồm 19 tên do 1 phụ nữ phụ trách ở 3 xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân. Những tên gián điệp này đã vẽ sơ đồ chỉ điểm 29 hầm bí mật, trong đó có cả hầm của đồng chí Hoàng Lanh, đồng chí Văn, Bí thư Phú Vang, ở Khu 1 Hương Thủy bắt 1 tên Quốc dân đảng; Hương Lộc, Hải Thủy diệt 2 gián điệp. Trong giai đoạn này, việc bám trụ, xây dựng cơ sở gặp vô vàn khó khăn, cơ sở cũ hầu như vỡ hết, việc xây dựng địa bàn phải làm lại từ đầu. Với nỗ lực vượt bậc, quyết tâm cao, các chiến sĩ An ninh vũ trang phải ăn ở ngoài đồng, ngâm mình dưới nước, đào hầm ẩn náu, ban đêm luồn vào các xóm, thôn để móc nối, xây dựng cơ sở.

2. Củng cố lực lượng, xây dựng cơ sở, vượt qua khó khăn, tham gia giải phóng Thừa Thiên (1969 - 1975)
a. Lực lượng An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế giai đoạn 1969 - 1972
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Với chiến thuật “quét và giữ”, chúng thông qua hai thủ đoạn cơ bản là đẩy lực lượng ta ra khỏi chiến trường và chiếm lại đồng bằng, bảo đảm an ninh các vùng chúng kiểm soát. Các đội quân khét tiếng của địch mang tên “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga” được huy động về địa bàn Trị Thiên Huế để chuẩn bị cho những cuộc hành quân khủng bố. Địch tập trung quân đánh phá ác liệt vùng giáp ranh và vùng rừng núi, thực hiện kế hoạch bình định cấp tốc ở thành phố và đồng bằng để ngăn chặn sự tấn công lớn của ta, chuẩn bị cho âm mưu phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh.
Đầu năm 1970, trên chiến trường Thừa Thiên Huế, lực lượng cách mạng đã khắc phục khó khăn, triển khai được lực lượng trên địa bàn, tổ chức các trận đánh địch trên đường 12, La Sơn, La Hy, đánh phản kích giành thắng lợi. Trên cơ sở đó, triển khai các trận đánh địch hành quân phản kích, đánh vào các căn cứ, vị trí, các cụm dọc đường 1, ven thành phố, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, buộc địch phải co lại, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị ở đồng bằng, thành phố. 
Năm 1972, hoạt động của lực lượng An ninh vũ trang trải qua giai đoạn khó khăn, ác liệt. Địch chiếm hầu hết đồng bằng và đô thị, lực lượng ta bị dồn lên rừng núi nhưng cùng với các lực lượng vũ trang, An ninh vũ trang đã bí mật quay lại bám trụ đồng bằng, tổ chức nhiều trận đánh phối hợp với các lực lượng giành thắng lợi; góp phần quan trọng vào thành tích chung của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế.
b. An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế từ sau Hiệp định Paris đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (1973 - 1975)
Sau hiệp định Paris, lực lượng An ninh Thừa Thiên Huế đã tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, củng cố vùng giải phóng, cùng các đơn vị vũ trang xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững chắc, chuẩn bị thế và lực tiến về đồng bằng, thành phố tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương. Lực lượng Trinh sát An ninh thành phố Huế vừa tham gia phát động quần chúng, vừa tổ chức các hoạt động có hiệu quả, như: Hỗ trợ cho đơn vị Điệp báo vào xây dựng địa bàn trong và ngoài thành phố, các xã vùng sâu. Tổ chức cắm cờ giải phóng và treo ảnh Bác Hồ trên đỉnh núi Ngự Bình; tổ chức bắt cóc và diệt bọn ác ôn hỗ trợ cho 200 thương phế binh đấu tranh ở thành phố Huế đòi quyền sống, bắt cóc 2 tên tình báo ngụy ở Hải Thủy, Hải Lộc. Phối hợp với bộ đội địa phương đánh bọn ác ôn ở Ngũ Tây, Tứ Tây thành phố Huế. An ninh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai các hoạt động chiến đấu bảo vệ căn cứ, phòng gian bảo mật, xây dựng cơ sở ở đồng bằng, thành thị; từ chỗ chỉ hoạt động ở nội địa, sau Hiệp định Pari chuyển sang đảm nhận bảo vệ một số đoạn biên giới giáp Lào, tuyến giáp ranh giữa ta và địch.
Đến năm 1974, ở vùng giải phóng của ta đã có 1 Đồn và 2 Trạm cảnh sát. Các Đồn và Trạm cảnh sát đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 60 lượt, với trên 7.000 lượt người qua lại, phát hiện 19 trường hợp đào ngũ, 4 trường hợp từ vùng địch kiểm soát lên cư trú chính trị, phát hiện 1 trường hợp từ Bắc trốn vào Nam theo địch. Tháng 4/1974, do yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại đội An ninh vũ trang tỉnh được củng cố, tăng cường lực lượng, biên chế Đại đội gồm 125 cán bộ, chiến sĩ, chia làm 4 Trung đội: Trung đội bảo vệ Tỉnh ủy; Trung đội bảo vệ Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh; Trung đội cơ động; Trung đội canh giữ trại giam.
Để kịp thời lãnh đạo công tác An ninh trong giai đoạn mới, ngày 15/11/1974, Ty An ninh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch công tác An ninh đánh phá bình định của địch khi có thời cơ mới, với yêu cầu: Tranh thủ thời cơ bắt diệt được một số tên ác ôn ngoan cố trong cảnh sát, tình báo, gián điệp, bình định, ngụy quyền, làm lỏng, làm rã, làm mất hiệu lực của tổ chức lực lượng kìm kẹp của địch ở cơ sở, phục vụ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Ty An ninh Thừa Thiên Huế đã triển khai kế hoạch công tác trong toàn lực lượng chuẩn bị cho cán bộ, chiến sĩ bước vào trận chiến đấu mới với quyết tâm tiêu diệt hết quân thù, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Năm 1974, thế và lực trên chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến căn bản có lợi cho lực lượng cách mạng. Bộ Chính trị trong các kỳ họp tháng 10/1974, tháng 12/1974 và tháng 01/1975, đã hạ quyết tâm chiến lược là: Động viên nỗ lực lớn nhất của hai miền thực hiện kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công, An ninh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch hướng dẫn cho An ninh các huyện, thành, các đơn vị Trinh sát, An ninh vũ trang đẩy mạnh công tác tấn công chính trị diệt ác, trừ gian, củng cố xây dựng lực lượng. 
Chiến dịch Mùa Xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế được chia làm 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 05/3 đến ngày 14/3/1975; đợt 2: Từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/1975. 
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cục diện chiến trường, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: “Thời cơ chiến lược lớn trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhảy vọt”. Dựa vào thời cơ đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cũng trong ngày này, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đêm 19/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân Khu ủy ra quyết định phương án giải phóng Thừa Thiên Huế. Vào lúc 05 giờ sáng ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế - Đà Nẵng chính thức mở màn.
Trong đội hình tiến quân như vũ bão của lực lượng cách mạng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế hành quân cấp tốc về thành phố Huế, cùng với các lực lượng, tiến công tiêu diệt các mục tiêu: Đồn cảnh sát, các cơ quan quan trọng của Ngụy quân, Ngụy quyền và đập tan bộ máy kìm kẹp của địch. Tổ chức truy quét và kêu gọi tàn quân địch ra trình diện. Nhanh chóng ổn định tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện các chính sách đối với tù hàng binh, chính sách đối với vùng mới giải phóng.
Đúng 06 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, lá Cờ Giải phóng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
Sau khi tiếp quản, An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế được bố trí đóng trụ sở tại Chi Sắc tộc ngụy (số 3 Lam Sơn, nay là số 7, đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ ngành An ninh đã cùng các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang, Đảng và Nhà nước đã trao tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng chí: Liệt sĩ Nguyễn Văn Trung, Liệt sĩ Nguyễn Đình Xướng, Liệt sĩ Đỗ Nam và đồng chí Hoàng Thức Bảo (Hoàng Văn Sum) thuộc Trinh sát vũ trang Thành phố Huế; đồng chí Trần Phong - Tiểu đoàn trưởng Trinh sát vũ trang Thành phố Huế; đồng chí Trương Chí Cương (Trương Xà) - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế. Những đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu và các đơn vị An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn để chuẩn bị bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương trong thời bình.
 
III. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ, QUẢN LÝ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG - BĐBP TRONG GIAI ĐOẠN HỢP NHẤT TỈNH BÌNH TRỊ THIÊN (1976 - 1989)
1. Hoạt động của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (1976 - 1979)
Ngày 20/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 245/NQ-TW về việc hợp nhất một số tỉnh trên cả nước, trong đó có Bình Trị Thiên. Tháng 3/1976, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu Vĩnh Linh đã được hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, trực thuộc Trung ương, với chiều dài từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân; có bờ biển dài 340 km và đường biên giới chung giáp với các tỉnh thuộc vùng Trung - Hạ Lào.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang trên địa bàn tỉnh mới hợp nhất, ngày 27/02/1976, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ban hành Quyết định số 23/BTL về việc hợp nhất Công an nhân dân vũ trang của khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, An ninh vũ trang tỉnh Quảng Trị và An ninh vũ trang Thừa Thiên thành Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên. Trụ sở cơ quan Tỉnh bộ Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên là khu nhà số 3 đường Điện Biên Phủ. Chỉ sau một thời gian ngắn, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, chu đáo, công tác bàn giao được tiến hành nhanh gọn, đảm bảo mọi yêu cầu chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và của Tỉnh ủy. Đến ngày 25/5/1976, mọi công việc bàn giao, tiếp nhận của đơn vị thuộc địa bàn 3 tỉnh đã hoàn thành trong phạm vi toàn tỉnh Bình Trị Thiên.
Tình hình trên hai tuyến biên phòng xuất hiện nhiều vấn đề khá phức tạp. Ngoài các hoạt động gây rối của các đối tượng hình sự, một số đối tượng khác tìm cách vượt biên, trốn ra nước ngoài từ thời gian này bắt đầu diễn ra. Hoạt động móc nối đường dây, tổ chức vượt biên, trốn ra nước ngoài bằng đường biển ngày một tăng. 
Trước tình hình đó, ngày 29/3/1977, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đề ra Kế hoạch phòng, chống xâm nhập vượt biển trốn ra nước ngoài. Thực hiện nội dung kế hoạch, các đơn vị đã tiến hành khảo sát địa bàn đóng quân, kiểm tra, phân loại đối tượng, nắm lại tổ chức, con người, các phương tiện hành nghề, tàu thuyền để có kế hoạch quản lý, phục vụ cho công tác ngăn chặn các hoạt động vượt biển, vượt biên kịp thời và có hiệu quả. Năm 1977, các Đồn Biên phòng tuyến biển đã phát hiện và ngăn chặn 7 vụ, với 98 người vượt biển trốn ra nước ngoài. Các Đồn Biên phòng tuyến núi hiệp đồng chặt chẽ với nhân dân địa phương và các lực lượng phát hiện, bắt giữ 22 vụ, với 51 người vượt biên trốn ra nước ngoài, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên phòng.
20 năm (1959 - 1979) phấn đấu liên tục, lập được nhiều thành tích trong xây dựng và chiến đấu, ngày 19/02/1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Theo chủ trương của Trung ương, Công an nhân dân vũ trang ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức lễ đón nhận.
Ngày 02/3/1979, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Trị Thiên đã tổ chức lễ đón nhận phần thưởng cao quý đó tại hội trường Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ngày 19/12/1979, Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân .
 
2. Hoạt động của BĐBP tỉnh giai đoạn 1979 - 1989
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, tăng cường sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh khả năng phòng thủ, khả năng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh BGQG, giữ gìn TTATXH khu vực biên phòng trong thời bình cũng như thời chiến, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 22-NQ/TW Về việc chuyển giao nhiệm vụ lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng  phân định lại nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, hải đảo giữa các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. 
Ngày 19/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 419-QĐ/CP để tổ chức thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Ngày 19/12/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 1148-QĐ/QP xác định BĐBP là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác biên phòng của các lực lượng vũ trang. 
Ngày 15/4/1980, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quyết định chuyển toàn bộ cơ quan Chỉ huy Biên phòng ở số 3 đường Điện Biên Phủ về cơ quan của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại đường Mang Cá; chính thức công bố giải thể Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang, thành lập Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Phòng Biên phòng có 3 ban: Tác chiến, Trinh sát, Xây dựng đảm bảo và một Tiểu ban Hành chính, quân số được biên chế là 57 đồng chí. Ngày 12/11/1980, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ban hành Quyết định số 11-QĐ/QST chuyển giao toàn bộ các Đồn Biên phòng cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị. Ngày 15/12/1980, công việc chuyển giao hoàn tất. 10 Ban Biên phòng trực thuộc các huyện đội, thị đội được thành lập và tiếp nhận 27 Đồn Biên phòng trên hai tuyến. Đến cuối năm 1980, cơ cấu tổ chức cơ bản của BĐBP Bình Trị Thiên đã được ổn định theo 3 cấp: Cấp tỉnh có Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ở huyện, thị có Ban Biên phòng trực thuộc huyện đội và thị đội; huyện, thị đội chỉ đạo 27 đồn trên hai tuyến biên phòng. 
Ngày 16/9/1981, cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng đã chuyển địa điểm đóng quân từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về khu B - số 14 đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế (trụ sở của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên cũ).
Năm 1985, BĐBP Bình Trị Thiên vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.
Năm 1986 là năm thứ 7 BĐBP thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (chuyển tổ chức nhiệm vụ, hoạt động từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng). Qua thực tế công tác và chiến đấu, BĐBP cả nước nói chung và BĐBP Bình Trị Thiên nói riêng, đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, từng bước trưởng thành và lập được nhiều thành tích nổi bật. Nhưng cũng từ thực tế đó đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, công tác bảo đảm cho bộ đội về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ; trong khi đó, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của địch ngày càng xảo quyệt, tinh vi hơn... Do đó, yêu cầu đặt ra lúc này là BĐBP cần phải tăng cường khả năng chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 14/4/1986, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 419-QĐ/BQP về việc Chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy, củng cố, xây dựng BĐBP, xác định: “BĐBP là một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc cả trên đất liền và vùng biển, tham gia tác chiến chống quân xâm lược khi có chiến tranh. BĐBP tổ chức thành một hệ thống chỉ huy thống nhất trực thuộc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự chỉ huy, quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ đạo về công tác an ninh của Bộ trưởng Bộ Công an, về công tác đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”.
Hệ thống tổ chức chỉ huy của BĐBP cũng được kiện toàn theo 3 cấp cơ bản:
Cấp Bộ Tư lệnh Biên phòng.
Cấp Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố, đặc khu.
Cấp Đồn Biên phòng, các đơn vị cơ động, hải đội biên phòng.
Ngày 04/7/1986, Tổng Tham mưu trưởng và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị trong Quân khu khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định của Bộ Quốc phòng. Ngày 18/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên lập kế hoạch thực hiện và chấp hành các quyết định, chỉ thị của trên, tiến hành bàn giao BĐBP Bình Trị Thiên về lại Bộ Tư lệnh BĐBP. Ngày 29 và 30/7/1986, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chính thức bàn giao mọi mặt công tác cho BĐBP đảm nhiệm. 
10 năm hoạt động trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng, BĐBP Việt Nam đã vượt qua mọi trở ngại, một lòng trung thành với Đảng, với Nhân dân, quyết tâm nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Tuy vậy, quá trình hoạt động 10 năm đó cũng bộc lộ những thiếu sót, công tác nghiệp vụ, an ninh biên giới bị buông lỏng. Bước vào giai đoạn mới, đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh phải đối phó với các loại kẻ thù cụ thể trên thế giới, khu vực và kể cả trong nước. Công tác an ninh quốc phòng đặt ra những nhiệm vụ mới, chặt chẽ và yêu cầu cao hơn đối với lực lượng biên phòng.
Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW chuyển lực lượng BĐBP từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Ngày 17/6/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chuyển Đảng bộ lực lượng BĐBP thành Đảng bộ trực thuộc Ban Bí thư Trung ương .
Ngày 21/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 104/HĐBT quy định: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế, trang bị và cơ sở vật chất, kỹ thuật của lực lượng BĐBP sang Bộ Nội vụ. Lực lượng BĐBP đặt dưới sự chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”. Thực hiện Quyết định này, ngày 03/8/1988, Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã tiến hành công tác bàn giao. Kể từ 0 giờ ngày 16/8/1988, Bộ Nội vụ trực tiếp chỉ huy và trực tiếp đảm bảo mọi mặt đối với BĐBP.
Sau quá trình ổn định, thống nhất trong công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, ngày 28/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 16-QĐ/HĐBT về Ngày biên phòng toàn dân nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ của mọi lực lượng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
 
(còn tiếp)
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.790.824
Đang truy cập 17.293