Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ngự y trên đất Huế
Ngày cập nhật 26/07/2024

Sử sách nhà Nguyễn ghi lại rằng, sau khi lên ngôi vào năm 1802, vua Gia Long đã cho tổ chức ngành y để phục vụ triều đình. Tuy nhiên đến thời Minh Mạng, cơ cấu bộ máy Thái Y viện mới được hoàn chỉnh dần. Việc tuyển chọn nhân sự vào Thái Y viện từ đó cực kỳ chặt chẽ và nghiêm túc.


Một số bài thuốc ngự y do lương y Thích Tuệ Tâm sưu tầm được trong dân gian

Ban đầu là triều đình ban dụ tuyển chọn, sau đó các quan địa phương sẽ chọn và lập danh sách gửi về Bộ Lễ. Những người này sẽ được triệu về Kinh đô để triều đình tổ chức sát hạch. Hội đồng sát hạch gồm có Nội Các, Cơ Mật viện, Thị Vệ xứ và Thái Y viện. Cứ hai năm một lần, triều đình lại tổ chức định kỳ kiểm tra sát hạch năng lực chữa bệnh của các y quan. Ai không đạt thì sẽ thải hồi để tìm kiếm người giỏi hơn.

Sử sách còn ghi, có lần vì sơ suất mà Thái Y viện dâng thuốc lên nhà vua, chẳng may trong thuốc lại có mọt, lập tức hai Y phó dâng thuốc bị giáng xuống 4 cấp. Sách Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, cuốn 183 có chép: “Giam hai thầy thuốc là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn vào ngục. Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế ốm nặng, bọn Hạ chữa thuốc không công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là bọn Hạ biết mà không nói là bất trung, dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Khép vào tội chém, giam hậu”.

Là thủ phủ xứ Đàng Trong, Thuận Hóa - Huế chính là mảnh đất của các ngự y. Trong số 85 thầy thuốc được chọn vào Thái Y viện thời Gia Long thì Thừa Thiên Huế có đến 73 vị. Ba làng có nhiều thầy thuốc giỏi nhất được sung vào Thái Y viện làm việc là làng An Truyền tổng Vỹ Dạ, làng Xuân Hòa tổng Kim Long và làng Vĩnh Xương thuộc tổng Vĩnh Xương. Làng An Truyền có ngự y nổi danh Đoàn Văn Hòa, làm tới chức Viện sứ đầu tiên của Thái Y viện thời Minh Mạng. Làng Vân Dương có ngự y Nguyễn Hạnh, làm Viện sứ thời Tự Đức. Riêng làng Xuân Hòa có 10 vị danh y được mời vào làm việc tại Thái Y viện thời Minh Mạng. Đặc biệt dòng họ Lê Quang ở đây có đến 7 người được làm việc ở Thái Y viện qua nhiều đời vua. Vị ngự y nổi danh đầu tiên của dòng họ Lê Quang có tên là Lê Quang Việp. Tương truyền vào thời vua Quang Trung, ông đã được vời vào làm ngự y cho hoàng triều. Khi vua Gia Long lấy lại cơ đồ, nhờ y thuật cao siêu, ông vẫn được trọng dụng và bổ làm Y phó Thái Y viện triều Nguyễn.

Nhiều nhà thờ họ của các bậc danh y, ngự y một thời ở Huế hiện vẫn còn giữ nhiều tài liệu liên quan đến tiền nhân, như các sắc phong của vua Nguyễn, các bài thuốc ngự dụng quý giá, và cả những bài thuốc Đông y dân gian rất hiệu nghiệm. Tất cả đều viết bằng chữ Hán Nôm.

Hòa thượng - lương y Thích Tuệ Tâm, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên Huế là người đã cất công sưu tầm và được thừa kế khá nhiều bài thuốc hay như vậy. Sư kể rằng, có lần ông được mời đi chữa bệnh cho người lạ trong một từ đường cổ. Người bệnh có một thái độ lạ lùng là không hề ra mặt, chỉ nằm khuất sau một bức màn che, và đưa bàn tay ra ngoài để bắt mạch. Khai bệnh cũng qua trung gian một người thân. Cho đến khi được chữa lành, bệnh nhân mới cho biết mình là con gái của một quan ngự y triều Nguyễn, từng làm việc trong Đại Nội. Cảm phục y đức của thầy thuốc, bà sai người nhà tặng hết tư liệu quý giá của gia đình cho ông. Đó chính là những bài thuốc gia truyền của vị ngự y ngày nào, do không tìm được truyền nhân, đã được con cháu cất giữ như một bí kíp của gia tộc.

“Nhất thế vi y tam thế bần. Người xưa quan niệm, một người làm nghề y mà không chân chính thì ba đời sẽ bần hàn, không ngóc đầu lên được. Nên họ nhất định không truyền nghề cho người không xứng đáng, kể cả con cháu trong nhà. Họ thà đem theo về nơi chín suối”, Sư Tuệ Tâm cho biết. Theo vị lương y nổi tiếng, thì đây chính là lý do khiến nhiều bài thuốc gia truyền của các dòng họ danh y bị rơi vào quên lãng và mất mát dần, nhất là khi một thời gian dài, nền Đông y không được trọng dụng.

Gần đây, nhân một lần nói chuyện với anh Lê Minh Khiêm, một dịch giả Hán Nôm, con trai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu, anh cho biết gia đình mình cũng đang giữ nhiều phương thuốc Đông y gia truyền của họ Hoàng ở làng Mỹ Lợi, trong đó có một ngự y dưới triều vua Khải Định và Bảo Đại là ngài Hoàng Công Trực. Những bài thuốc được chép tay bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm rất đẹp trong những cuốn tập cũ đã ngả màu vàng. Mong muốn của cha con anh là những tài liệu này sẽ được dịch và in thành sách để lưu truyền rộng rãi.

Theo lương y Thích Tuệ Tâm, việc tìm ra những bài thuốc ngự y còn cất giữ trong dân gian là hết sức cần thiết và quý giá. Chúng cần được bảo lưu và đặc biệt cần được dịch sang chữ quốc ngữ, bổ sung cho các bài thuốc Đông y hiện nay để chữa bệnh cứu người. “Tui đã dịch được một số và áp dụng vào hoạt động chẩn trị hiện nay tại Trung tâm Ứng dụng Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, cực kỳ có hiệu quả”.

Sư Tuệ Tâm cũng cho biết, cái khó hiện nay là đội ngũ dịch thuật này ở Huế quá mỏng. Khó hơn nữa, nhiều tài liệu trong số đó không còn nguyên vẹn, nhiều trang giấy bị rách nát, mất đi nhiều chữ. Không hiểu về y lý Đông dược, khó có thể hình dung đó là chữ gì để dịch một cách trọn vẹn và đúng nghĩa.

Nguyên Thu

Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.790.824
Đang truy cập 17.806