Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Tạo hành lang pháp lý phát triển du lịch thể thao mạo hiểm
Ngày cập nhật 16/05/2017

Việt Nam có những lợi thế về thiên nhiên, địa hình, cảnh quan thuận lợi để phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm như: đi bộ, leo núi, đua ô-tô, mô-tô, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế nêu trên, du lịch mạo hiểm ở Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp và kinh nghiệm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ảnh: Timeoutvietnam.vn

Thực tế, một số đơn vị lữ hành đã và đang tổ chức, khai thác du lịch thể thao mạo hiểm theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch này theo dạng đi ngắm cảnh, không trang bị những vật dụng, trang phục bảo vệ chuyên biệt cần thiết, thiếu sự bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Ở chính các địa điểm diễn ra hoạt động du lịch mạo hiểm cũng không có các quy định cụ thể, rõ ràng, trong khi phần lớn khách du lịch bỏ qua việc tìm hiểu các quy định cần thiết khi tham gia du lịch mạo hiểm hay thông tin về các công ty du lịch có đủ điều kiện và giấy phép hay không. Điều này dẫn đến việc nhiều đơn vị vì lợi nhuận cao cho nên sẵn sàng mở tua du lịch “chui”, kém chất lượng. Ngoài ra, hiện chưa có chứng chỉ riêng cho hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm, vì thế số lượng hướng dẫn viên được đào tạo bài bản còn thiếu, chưa có nhiều kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành soạn thảo Thông tư về quản lý du lịch thể thao mạo hiểm, lấy ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp du lịch cũng như doanh nghiệp chịu sự chi phối của ngành du lịch mạo hiểm trước khi ban hành chính thức. Trên cơ sở Thông tư được ban hành và xây dựng quy chế hoạt động du lịch mạo hiểm ở các địa phương, sẽ có một hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành tham gia tổ chức các tua du lịch thể thao mạo hiểm.

Du lịch thể thao mạo hiểm sẽ là một thế mạnh và mang lại nguồn lợi nhuận lớn nếu được phát triển đúng hướng và đúng cách. Là loại hình du lịch có yếu tố rủi ro cao, cho nên đòi hỏi công tác quản lý và vận hành, đơn vị khai thác phải chuyên nghiệp, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, không đưa du khách đến những nơi nguy hiểm không có trong danh mục được phép tổ chức các tua du lịch mạo hiểm. Yếu tố an toàn luôn đặt lên hàng đầu, do đó, các đơn vị kinh doanh du lịch cần coi trọng việc quản lý rủi ro khi thiết kế các tua mạo hiểm. Mỗi loại hình, mỗi tuyến phải có biện pháp bảo đảm an toàn cụ thể, kỹ lưỡng, từ hướng dẫn viên đến trang, thiết bị chuyên dụng. Đối với khách du lịch, Tổng cục Du lịch khuyến cáo không chủ quan đối với sự an toàn của bản thân, không được tự ý đến những điểm đến không được phép hoạt động, phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định tại điểm đến, tránh những rủi ro không đáng có. Khách du lịch cần lựa chọn những công ty du lịch cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn, tin cậy…

Về phía ngành du lịch, cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch thể thao mạo hiểm; đồng thời ban hành các quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch mạo hiểm, kể cả những quy định dành cho khách du lịch; tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên mạo hiểm, bảo đảm các yếu tố cao về sức khỏe, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ…
MINH AN

Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.608.098
Đang truy cập 20.529