Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Mỗi năm cần đào tạo 25.000 lao động mới cho ngành du lịch
Ngày cập nhật 09/06/2017

 Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước. Vậy nhưng, lao động trong ngành này hiện cung không đủ cầu, yếu nghiệp vụ.

Ảnh minh họa

Việc không thiếu, chỉ sợ yếu nghề

Tại Đà Nẵng, sự bùng nổ đầu tư những “siêu” dự án quy mô, đẳng cấp nghỉ dưỡng, giải trí với chất lượng vượt trội thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Đà Nẵng tăng tốc khẳng định mình trong quá trình hội nhập. Mỗi năm, Đà Nẵng luôn cần thêm hàng nghìn lao động chất lượng làm việc cho ngành du lịch. Thực tế, Du Lịch Đà Nẵng đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, trong đó có vấn đề nhân lực, thiếu nhân lực khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Đà Nẵng tìm mọi cách lôi kéo, hút chất xám về đơn vị mình. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người (bằng 1/5 nhu cầu thực).

Khẳng định chất lượng đào tạo tại khoa Du lịch, ông Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch đào tạo xong hầu hết có việc làm ngay, việc làm thì mênh mông, họ có thể làm việc cho các công ty lữ hành, văn phòng đại lý du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, khu du lịch, khu vui chơi giải trí liên hợp… Theo ông Hà, hiện có hàng chục trường đào tạo các chuyên ngành về du lịch nhưng chỉ đáp ứng được 60% so nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch.

Ảnh minh họa

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, số lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 870.000 người, lao động gián tiếp khoảng 1,5 triệu người. Riêng vùng ĐBSCL, nhu cầu tuyển dụng lao động đến năm 2020 là khoảng 208.000 người. Như vậy, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch chỉ khoảng 15.000 người/năm. Không chỉ ở TP. HCM và Hà Nội - 2 thị trường tuyển dụng lớn nhất nước mà các tỉnh, thành cũng cần những nhân sự trẻ, kỹ năng vững vàng để phát triển du lịch địa phương.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu tổng quát của ngành Du lịch là đến năm 2020, Việt Nam đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước.

Khi Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mục tiêu phát triển kinh tế thì nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Tổng cục Du lịch cho biết, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và cần phải đào tạo lại số lượng tương đương như vậy.

Hướng dẫn viên cùng các du khách tại một điểm đến trên địa bàn TPHCM.

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao còn bỏ ngỏ?

 Nguồn nhân lực du lịch ở nước ta không chỉ thiếu hụt ở các vị trí cao cấp như quản lý nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành... mà ngay cả lực lượng lao động trực tiếp như hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân, phục vụ buồng... vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng nghiệp vụ thiếu, khiến chúng ta không khai thác hết được nguồn lợi du lịch từ khách nước ngoài. “Thiếu nhân lực có trình độ ngoại ngữ, kĩ năng nghiệp vụ tốt khiến một số đơn vị du lịch bỏ lỡ nhiều cơ hội trong việc thu hút du khách quốc tế tham gia sử dụng dịch vụ du lịch tại Việt Nam”, ông Bình nêu thực tế.

Không chỉ thiếu hụt nhân tài du lịch mà thực tế nhiều công ty du lịch trong nước cũng buộc phải bỏ ngỏ một số thị trường hấp dẫn chấp nhận mất tour,mất khách ở các thị trường như Đức, Nhật, Hàn Quốc… Đại diện Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, có 30% khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên sử dụng được tiếng Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua Công ty. Tuy nhiên, vì không tìm được người đủ trình độ đáp ứng nhu cầu này nên đành bỏ ngỏ thị trường này.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, riêng về lực lượng hướng dẫn viên  đã có sự thiếu hụt không chỉ số lượng mà còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu. Không chỉ thế, phần lớn nguồn nhân lực du lịch chỉ qua các khóa học “cấp tốc” hoặc ngắn hạn nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang.

GIANG ĐÔNG
 

Theo: baodansinh.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.606.548
Đang truy cập 17.720