Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Tìm giải pháp để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày cập nhật 23/06/2017

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có lợi thế cả về điều kiện tự nhiên, văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, các địa phương nơi đây vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng đến xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế.

Sản phẩm du lịch lạc hậu, nhàm chán   

Miền Trung-Tây Nguyên có nhiều di sản thiên nhiên, bãi biển đẹp, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa; có nhiều thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch khám phá, nghỉ dưỡng biển, du lịch cộng đồng, văn hóa, lễ hội; có thể kết nối với các nước trong khu vực, tạo thành các tua du lịch hấp dẫn. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực, chủ động hợp tác, liên kết để phát huy tiềm năng du lịch, nâng cao sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của các điểm đến trong từng địa phương và trong toàn khu vực. Tuy nhiên, du lịch miền Trung-Tây Nguyên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai với các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội Du lịch tỉnh về định hướng phát triển du lịch trên địa bàn, ông Võ Ngọc Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thừa nhận: "Lâu nay, địa phương vẫn làm du lịch theo kiểu áp đặt mà không căn cứ nhu cầu thực tế. Chúng ta cần nghiên cứu, học tập một số tỉnh miền núi phía Bắc, như: Lào Cai, Hà Giang để xem họ làm thế nào? Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch cụ thể, tổ chức quảng bá du lịch hiệu quả hơn".

Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam)-điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Tại diễn đàn "Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Du lịch miền Trung-Tây Nguyên còn lạc hậu, nhàm chán, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa nghiệp dư". Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, du lịch miền Trung-Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều vấn đề bất cập, như: Hệ thống sản phẩm du lịch còn trùng lặp giữa các địa phương, hoạt động của du khách mới chỉ dừng lại ở nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan và ẩm thực, thiếu những hoạt động vui chơi giải trí trải nghiệm văn hóa vùng miền, khiến ngày lưu trú của du khách còn ngắn, chi tiêu du lịch chưa cao, đặc biệt là chưa tạo được những dòng sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu để thu hút được phân khúc khách du lịch cao cấp.

Các địa phương cần tăng cường liên kết

Trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia về kinh tế, du lịch và các tập đoàn, doanh nghiệp tại Diễn đàn "Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu", chúng tôi nhận được những đánh giá, nhận định tương đối giống nhau: Du lịch miền Trung-Tây Nguyên đang hội tụ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng tới đẳng cấp thương hiệu. Đặc biệt là ngay đầu năm nay, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có nghĩa là du lịch được Đảng ta nhận thức đúng đắn và nâng tầm thành mũi nhọn của nền kinh tế với tư duy mới, quan điểm, mục tiêu, giải pháp lãnh đạo đồng bộ, hiệu quả. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành, địa phương quyết tâm triển khai thực hiện, khắc phục những hạn chế, yếu kém để đưa du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành du lịch.

Hội đua thuyền truyền thống của TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHI LONG

TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII trăn trở khi cho rằng, du lịch miền Trung-Tây Nguyên đang phát triển theo hướng trải đều, không có điểm nhấn, nên sản phẩm có thương hiệu đẳng cấp quốc tế chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần phải dồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo 4 trụ cột của du lịch, "ở đâu, chơi đâu, ăn cái gì và mua cái gì mang về". Cũng theo TS Trần Du Lịch, mỗi tỉnh chỉ nên chọn một điểm nhấn để đầu tư, quảng bá, xây dựng thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế. Còn PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì khẳng định, đã đến lúc miền Trung-Tây Nguyên không thể làm du lịch như một người nông dân tốt bụng, theo kiểu có sao làm vậy, có gì ăn nấy. Do đó, cần phải có một chính sách dài hơi cho du lịch, trong đó, phải lường trước được các biến cố về chính trị, kinh tế thế giới, nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng.   

Phát biểu tại Diễn đàn "Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị trên cùng một sản phẩm, chúng ta phải "xắn tay áo lên để cùng làm" bằng những hành động cụ thể, để du lịch trở thành mũi nhọn thực sự. Các địa phương trong khu vực cần tăng cường liên kết; tạo mọi điều kiện để cộng đồng, người dân làm du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt. Các cơ quan liên quan và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Phó thủ tướng cũng yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của Hiệp hội Du lịch, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của du lịch; đồng thời phải phát huy tốt vai trò của Hiệp hội Du lịch; Hiệp hội Du lịch cần kéo các doanh nghiệp vào cuộc, nhất là trong việc tham gia đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển của ngành du lịch và của từng doanh nghiệp.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

du lich, du lịch Huế, huetourism, festival huế

Theo: qdnd.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.606.548
Đang truy cập 18.147