Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Về làng nghề đan lát Bao La những ngày cận Tết Nguyên Đán
Ngày cập nhật 19/01/2017

Trong những ngày cận Tết Nguyên Đán 2017, chúng tôi có dịp được hòa vào bầu không khí sôi động của làng nghề đan lát Bao La tại làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những ngày giáp Tết, làng nghề Bao La lại hối hả với các sản phẩm truyền thống đặc trưng. Song để bắt nhịp với hơi thở hiện đại, những đôi tay lành nghề cũng thay đổi mẫu mã mà vẫn giữ được nét tinh tế đặc trưng của con người xứ Huế.

Khi được hỏi về tần suất công việc trong những ngày giáp tết, một người làm nghề cho hay tết đến cũng giống như ngày bình thường bởi lẽ đây là những công việc thường nhật, duy trì quanh năm khi mọi người khi tham gia vào hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La. Khác chăng, vào những ngày cận tết các mặt hàng sản xuất thường tập trung phục vụ nhu cầu tết như vật dụng trang trí, khay bánh mứt. Bên cạnh đó, các thành viên của HTX cố gắng về mặt tốc độ và thời gian để hoàn thành các đơn hàng cho các vị khách phục vụ cho nhu cầu trang trí trong tết. Sau giờ làm, một số người dân trong làng vào những ngày cận tết còn chẻ thêm lạt để phục vụ cho nhu cầu gói bánh chưng tết của thị trường trong và ngoài tỉnh. Không khí tại làng nghề chính vì vậy cũng sôi động hơn.

Một số sản phẩm phục vụ du lịch của làng Bao La phù hợp về kích thước, độ nặng, sự thẩm mỹ và đặc trưng văn hóa địa phương.

Trước sự thay đổi của thị trường và sự đổ bộ của các sản phẩm làm từ các vật liệu khác như nhựa, inox… và sự thay đổi trong cơ cấu nghề nghiệp, các sản phẩm của làng nghề Bao La trước đây như thúng, mủng, nia, nong… dường như không còn đủ sức cạnh tranh. Nhường chỗ cho các sản phẩm vật dụng hàng ngày làm từ mây tre đan là các sản phẩm làm từ nhựa, nhựa tái chế… với mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, nhiều màu sắc và giá thành rẻ. Cũng như bao làng nghề khác, làng nghề mây tre đan Bao La cũng từng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm hướng đi cho làng nghề.

Bộ hộp mứt - một trong những sản phẩm phục vụ tết của bà con hợp tác xã.

Một trong những giải pháp được lựa chọn đó chính là thành lập hợp tác xã với mục đích chính là mở rộng sản xuất kinh doanh và khôi phục sản của một làng nghề. Năm 2007, Hợp tác xã Mây tre Bao La được thành lập với định hướng khôi phục phát triển làng nghề gắn với du lịch. Cùng với hướng đi đó, các mặt hàng sản xuất cũng có sự thay đổi nhất định. Đó chính là việc thay vì tập trung sản xuất hướng vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày như rổ, rá, thúng, mủng thì nay lại cũng sản xuất các sản đó phục vụ nhu cầu làm hàng lưu niệm, du lịch. Bên cạnh đó, HTX còn cải tiến mẫu mã, liên tục sáng tạo “đánh” vào phân khúc hàng cao cấp phục vụ trang trí nội thất hiện đại hay sản xuất mẫu mã theo yêu cầu.

Đồ gia dụng trong gia đình được sản xuất bằng mây tre đan.

Tính đến nay, HTX đã cho ra hàng trăm mẫu mã mới đạt độ tinh xảo và đẹp mắt, tính ứng dụng cao như đèn lồng, rổ rá thúng mủng, khay hộp, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm trong gia đình, túi xách… phục vụ cho nhu cầu của người dân, quán cà phê, nhà hành, khách sạn, resort trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm mộc mạc ấy giờ đây đã có mặt trong các khách sạn, nhà hàng lớn ở châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Những chiếc lồng đèn, đèn chùm hay chiếc đèn ngủ làm bằng tre nằm dịu dàng trong một khách sạn lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc…

Một số sản phẩm lồng đèn của HTX Mây tre đan Bao La.

Ông Võ Văn Dinh - Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La - cho biết: “Theo đánh giá, các sản phẩm mây tre đan Huế xuất sang đều được các đối tác đón nhận vì mẫu mã đẹp, tinh xảo cùng giá cả hợp lý. Năm 2014, HTX đẩy mạnh thiết kế mẫu, tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ thị trường trong nước và tiếp tục cung ứng hàng cho các DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu.”
 
Khi làng nghề đã có thương hiệu và đăng ký thương hiệu, sự định hướng và giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự tâm huyết của những nghệ nhân yêu nghề, làng nghề Đan lát Bao La đã có sự thành công nhất định và dần dần xây dựng chỗ đứng trên thị trường.

Chăm chút cho từng sản phẩm.

HTX còn là nơi làm việc cho bà con trong làng, mang lại thu nhập ổn định cho các xã viên. Chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2017: “Tinh hoa nghề Việt”, HTX sẽ sản xuất hàng ngàn mẫu mã mới, tinh xảo để phục vụ du khách tham quan và tham gia hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu đến với du khách trong và ngoài nước. Không chỉ giới thiệu trực tiếp đến công chúng qua các kỳ Festival, mây tre đan Bao La còn tiếp cận người dùng qua website và mạng Facebook.
 

Anh Thư
 

Theo: songmoi.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.846.580
Đang truy cập 5.671