Tìm kiếm tin tức
Lấy ý kiến cộng đồng về hồ sơ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích cố đô huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Ngày cập nhật 09/10/2023

Ngày 6/10, tại số 15 đường Lê Lợi, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã khai mạc trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng về hồ sơ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị với tầm nhìn 2045 đô thị di sản Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á, được xây dựng dựa trên truyền thống lịch sử, sự đa dạng về tự nhiên, văn hóa, thể chế, nguồn nhân lực để trở thành một mô hình toàn cầu về bảo tồn bền vững di sản và khả năng cộng sinh với phát triển đô thị, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu bảo tồn di sản văn hoá cảnh quan Cố đô Huế toàn vẹn và bền vững với tư cách một trung tâm văn hoá, di sản quốc gia, khu vực và quốc tế; phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hoá khu vực Quần thể di tích thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 với thời gian thực hiện hoàn thành quy hoạch trong Quý I/2024. Đồ án đã được nghiên cứu thiết lập hồ sơ theo đúng trình tự quy định hiện hành và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân sinh sống trong khu vực di tích cũng như các cá nhân quan tâm, đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế; tạo sự thống nhất và đồng thuận của người dân trong công tác hoàn thiện các chính sách, thể chế về quy hoạch cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của đồ án quy hoạch.

Các nội dung chủ yếu của đồ án quy hoạch bao gồm:

Tầm nhìn: Đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Cố đô Huế vào năm 2050 được xây dựng dựa trên truyền thống lịch sử, sự đa dạng về tự nhiên, văn hóa, thể chế, nguồn nhân lực để trở thành một mô hình toàn cầu về bảo tồn bền vững di sản và khả năng cộng sinh với phát triển đô thị, trong đó Quần thể di tích Cố đô Huế làm hạt nhân cốt lõi. Thành phố di sản Cố đô Huế thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng đối với cơ hội kinh tế, công bằng xã hội và chất lượng môi trường, khuyến khích mọi phát kiến, sáng tạo với sự tham gia và đầu tư của người dân, mang lại lợi ích, niềm vui, hạnh phúc cho mọi cư dân và cộng đồng.

Mục tiêu:
- Nhận diện đầy đủ giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo lập khung pháp lý, chính sách, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế.
- Bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Quần thể di tích Cố đô Huế; phục hồi các không gian gắn với di sản, tạo cho khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hóa, làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hóa thế giới.
- Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề phát triển kinh tế gắn với di sản một cách hữu hiệu.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch:
Không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể di tích Cố đô Huế; bao gồm: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, núi Duệ, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viễn, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích khoảng 134.000 ha.

Quy mô lập quy hoạch bao gồm:
Khu vực bảo vệ của Di sản văn hoá thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận vào năm 1993, cập nhật năm 2011; bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, Điện Hòn Chén, các Lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành. Quy mô quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích (tỷ lệ 1:2.000) khoảng 800-1.200 ha, quy hoạch (tỷ lệ 1:500) khoảng 80-100 ha.

- Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hoá, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan. Quy mô quy hoạch định hướng tổ chức không gian, bảo vệ cảnh quan văn hóa và kết nối quần thể di tích (tỷ lệ 1:10.000) khoảng 42.600 ha.
Ranh giới quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế: Được xác định trên cơ sở bảo tồn bền vững Cố đô Huế trong phạm vi không gian văn hóa, lịch sử, tự nhiên và chức năng phù hợp với điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Phía Bắc được giới hạn bởi Cảng thị Thanh Hà (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền); Phía Nam được giới hạn bởi Cầu ngói Thanh Toàn (làng Thanh Thủy, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); Phía Đông tới hạ nguồn sông Hương và Cửa biển Thuận An; Phía Tây tới thượng nguồn sông Hương và các dãy núi Thương Sơn và Duệ Sơn.

Hệ thống di sản Cố đô Huế được nhận diện bao gồm 30 loại hình: di sản vị thế, chức năng; di sản tên gọi; di sản địa danh thi ca nghệ thuật/ Thần kinh nhị thập cảnh; di sản văn hóa con người xứ Huế; di sản giao thương; di sản khảo cổ; các di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu UNESCO; các di sản về văn hóa cung đình (hiện vật cung đình); di sản chiến tranh; di sản kiến trúc nghệ thuật/ Quần thể di tích Cố đô Huế (UNESCO 1993); di sản quy hoạch đô thị; di sản công nghệ xây dựng và vật liệu xây dựng; di sản mỹ thuật cung đình; di sản nhà Nguyễn và tầm nhìn Hoàng đế Minh Mạng; di sản đất thiêng, địa thế, phong thủy; di sản trị thủy, giao thông thủy; di sản về sự thích ứng và tương tác của con người với thiên nhiên; di sản không gian, cảnh quan văn hóa sông Hương; di sản cảnh quan đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; di sản y học/y tế, dược liệu; di sản giáo dục; di sản ẩm thực; di sản âm nhạc, trang phục; di sản văn hóa phi vật thể dân gian; di sản tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh; di sản khoa học công nghệ và công nghiệp; di sản quân sự; di sản đô thị; di sản nông thôn, nông nghiệp; các di sản mới và tiềm năng.

Đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di sản Cố đô Huế bao gồm: di sản về địa thế; sự hài hòa giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái lịch sử, văn hóa của Cố đô Huế; đặc tính bản địa và văn hóa xứ Huế - Thừa Thiên Huế; di sản đô thị Cố đô Huế; di sản quy hoạch không gian Cố đô Huế; di sản nhà Nguyễn; các di sản văn hóa vật thể, di sản văn hoá phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh.
Các nhóm giải pháp bảo tồn bền vững bao gồm: bảo tồn trạng thái vật lý (bảo quản, tu bổ, phục hồi); bảo tồn chức năng; bảo tồn hình thái cảnh quan văn hoá; bảo tồn giới hạn, ranh giới khu vực bảo vệ; bảo tồn quỹ tài chính (bảo trợ); bảo tồn môi trường tự nhiên; bảo tồn hồ sơ di sản/ bảo tàng hóa; bảo tồn nguồn nguyên liệu, vật liệu; bảo tồn nguồn nhân lực, nghệ nhân; bảo tồn bằng luật pháp/ chính sách; bảo tồn bằng công nghệ; bảo tồn giá trị và thang giá trị cộng đồng.

Mô hình bảo tồn bền vững di sản Cố đô Huế với định hướng hiện thực hóa tầm nhìn của Nghị quyết số 54-NQ/TW, trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế, bao gồm Trung tâm đô thị lịch sử (CHD), Trung tâm đô thị du lịch (CTD), Trung tâm văn hóa, thương mại và di sản mới (CBD), Công viên Lịch sử Quốc gia (NHP) và Khu đô thị mới và tái định cư (HO), trong đó di sản được gắn kết với cộng đồng dân cư theo mô thức cộng đồng chung sống (cộng sinh) cùng tham gia bảo vệ, vận hành, hoạt động và thụ hưởng thành quả. Cấu trúc không gian Quần thể di tích Cố đô Huế có quy mô, tầm vóc tương ứng, một hệ thống liên hoàn gồm hệ thống di tích, di sản tái tạo và di sản mới, các không gian chuyên đề cùng các chức năng cơ bản và phụ trợ khác có khả năng hoạt động vừa độc lập vừa bổ trợ, được thiết lập theo thông lệ quốc tế, tạo nên các trung tâm kinh tế, việc làm, tạo sức hấp dẫn lâu dài cho khu di sản và thành phố Huế.

Quần thể di tích Cố đô Huế được xác lập bao gồm 5 phân vùng chức năng (1) Khu vực 14 di tích di sản UNESCO; (2) Khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; (3) Công viên quốc gia Tam Chủ Sơn; (4) Khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; (5) Các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm được thiết lập, tổ chức trên cơ sở chuyển hóa không gian chức năng, cảnh quan hiện hữu, xen cài các khu vực chuyên đề theo đặc trưng di sản, khu vực phát triển mới, khu vực tương tác phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng văn hóa, du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, các chức năng chuyên đề về di sản, chức năng văn hóa, hệ thống các bảo tàng, thư viện, các khu vực biểu diễn, trình diễn lễ hội, festival, trung tâm học thuật, nghiên cứu chuyên sâu, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, các quần cư di sản đóng vai trò chủ đạo. Hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng du lịch tại các khu chức năng của Quần thể di tích Cố đô Huế được tổ chức đồng bộ, hình thành một “cỗ máy” làm kinh tế di sản chuyên nghiệp, tạo nguồn thu, việc làm, môi trường an sinh cho người dân, an toàn cho du khách trên cơ sở gắn kết về chức năng, cảnh quan, phong cách thẩm mỹ tương ứng, hài hòa với các điểm di sản. Với định hướng đa dạng hóa các hướng tiếp cận, mở rộng không gian và thị trường du lịch, các khu vực đón tiếp trung tâm được bố trí tại các khu vực cửa ngõ thành phố, tiếp nhận trung chuyển, điều phối lưu lượng du khách, cung cấp các dịch vụ vận chuyển nội bộ, dịch vụ lưu trú chất lượng cao, sáng tạo hình thành các tour du lịch có khả năng tạo cảm hứng và giữ chân du khách, tăng sự lưu chuyển của dòng tài chính, tạo nguồn thu qua các di sản quần cư, quần cư di sản, khu dân cư, tái định cư tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thời gian tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và cá nhân liên quan về hồ sơ “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” bắt đầu từ ngày 06 tháng 10 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2023.

Các ý kiến của người dân được tiếp nhận thông qua các hình thức:
- Điền phiếu ý kiến tại nơi trưng bày, niêm yết hồ sơ Quy hoạch;
- Thông qua Cổng thông tin điện tử và qua địa chỉ email của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế;
- Các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin (quét mã QR,…) .
Các ý kiến góp ý sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổng hợp, công bố công khai và tiếp thu, giải trình, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt./.
----------------------------
Thời gian niêm yết hồ sơ và nhận ý kiến đóng góp: từ ngày 16/10 đến hết ngày 31/10/2023.
Địa điểm niêm yết: 15 Lê Lợi, Thành phố Huế.
-    Mọi đóng góp ý kiến xin vui lòng gửi về địa chỉ e-mail: huedisan@gmail.com. Xin vui lòng ghi tiêu đề email: “PHIẾU ĐÓNG GÓP Ý KIẾN”
-    Mẫu Phiếu đóng góp ý kiến vui lòng tải tại links: https://docs.google.com/document/d/1T15Bf7onNeeYeRXw3GmHfzjH7e4-Ylps/edit?usp=drive_link&ouid=116895659560249195893&rtpof=true&sd=true
-    Hồ sơ niêm yết tại links: https://drive.google.com/file/d/1UhPeM8-eEeaIZnNsLdbyvIw9Q8tqOhUL/view?usp=drive_link
----------------------
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ hoặc truy cập: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Website : www.huedisan.com.vn /hueworldheritage.org.vn

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.608.668
Đang truy cập 20.982