60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế (phần 2)
Ngày cập nhật 25/07/2024

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế (trước đây là An ninh vũ trang Thừa Thiên Huế) đã lấy ngày 15 tháng 12 năm 1964 là Ngày truyền thống.

IV. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ, QUẢN LÝ CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI CỦA BĐBP THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 1989 - 2005
1. Tổ chức và hoạt động của BĐBP giai đoạn 1989 - 1995
 
a. Ổn định tổ chức, triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 1990)
Trên cơ sở đề nghị của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, báo cáo của Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng, ngày 07/5/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. 
Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết phân chia địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập gồm 5 đơn vị hành chính là thành phố Huế và các huyện Phú Lộc, Hương Phú, Hương Điền và A Lưới.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, ngày 17/7/1989, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 747/QĐ-BNV về việc chia Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Trị Thiên thành Ban Chỉ huy BĐBP các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo Quyết định của Bộ Nội vụ, ngày 17/7/1989, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Các đơn vị cơ sở gồm 8 Đồn Biên phòng 216, 220, 224, 228, 232, 236, 629, 633 và 2 đại đội (C8 và C9). Sau khi ổn định công tác tổ chức cán bộ, cấp tỉnh và cơ sở, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện vai trò là lực lượng nòng cốt giữ gìn ANTT và bảo vệ sự toàn vẹn biên giới trên bộ và trên biển.
b. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Thừa Thiên Huế (1991 - 1995)
Bước sang năm 1991, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng bất lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá cách mạng, mưu đồ lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lực lượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài tăng cường xâm nhập qua biên giới để móc nối, cài cắm cơ sở hòng thực hiện mưu đồ của chúng.
Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 113/CT-BNV, ngày 06/12/1990 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Kế hoạch số 73/KH-TM, ngày 22/01/1991 của Cục Tham mưu Bộ Tư lệnh Biên phòng, ngày 07/01/1991, Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát động quần chúng tấn công tội phạm. Nội dung kế hoạch xác định nhiệm vụ BĐBP phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các ngành chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp để tấn công tội phạm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ phong trào quần chúng tham gia đấu tranh với các loại tội phạm: Tham nhũng, buôn lậu, xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm hình sự; xác định hai tuyến biên phòng là địa bàn trọng điểm. 
Từ tháng 5/1991, khi tình hình vượt biển rộ lên phức tạp, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn chủ trương, biện pháp ngăn chặn. Các huyện cũng tổ chức hội nghị chuyên đề phòng chống vượt biển. Được bổ sung lực lượng từ các phòng, ban, các Đồn Biên phòng ở vùng trọng điểm đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường ngăn chặn các hoạt động vượt biển. Bên cạnh giải pháp tăng cường quản lý cán bộ, chiến sĩ, đề phòng thủ đoạn móc nối vào nội bộ, lực lượng Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, mật phục trên bờ, truy đuổi trên biển, đã bắt quả tang 30 vụ, phá được 18 vụ, gồm 21 đối tượng móc nối, hối lộ cán bộ, chiến sĩ biên phòng; phá 4 đường dây chuyên tổ chức móc nối đưa đón người vượt biển để lấy tiền, vàng. Đây là một thành công lớn của BĐBP, góp phần ngăn chặn tình trạng vượt biển rộ lên ồ ạt trong năm 1991.
Nhìn lại những năm đầu sau khi Thừa Thiên Huế được tái lập (1991 - 1993), với bối cảnh tình hình ANCT, TTATXH phức tạp, có thời điểm rất căng thẳng, nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tỉnh vẫn quyết tâm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, trị an xã hội trong khu vực biên phòng. 
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, cần bố trí thêm lực lượng tăng cường công tác bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới đất liền, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới, ngày 25/11/1994, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đồn Biên phòng 627 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân), địa bàn quản lý 3 xã (xã Hồng Thủy, xã Hồng Vân, xã Hồng Trung). 
Ngày 08/9/1995, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 58/CT-TW Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới.
Sau 20 năm đất nước thống nhất, với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, hơn 1 vạn Ngụy quân, Ngụy quyền, đảng viên các đảng phái cũ của chế độ Sài Gòn ở các xã tuyến biển đã được cải tạo tiến bộ, hòa hợp cộng đồng, tham gia xây dựng quê hương. 
Hoạt động của BĐBP Thừa Thiên Huế giai đoạn 1991 - 1995 diễn ra trong bối cảnh tuy có những thành quả bước đầu của sự nghiệp đổi mới nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ, khó khăn và thử thách, tác động sâu sắc đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển. Từ sau ngày giải phóng, chưa lúc nào tình hình vượt biển trái phép trốn ra nước ngoài và hoạt động lợi dụng tôn giáo diễn ra phức tạp như trong giai đoạn này. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội địa phương thuộc hai tuyến biên giới và trong khu vực biên phòng, tổ chức lực lượng, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đoàn kết đồng bào các dân tộc, củng cố vùng biên giới ngày càng phát triển.
 
2. Tổ chức và hoạt động của BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1996 - 2005
a. Xây dựng lực lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, góp phần giữ vững ổn định chính trị (1996 - 1999)
Trong những năm 1998, 1999, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn biến phức tạp và quyết liệt dưới nhiều hình thức. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội tiếp tục thúc đẩy “tự do hóa về chính trị”, “tư nhân hóa về kinh tế”, “phi chính trị hóa về quân đội”, khuyến khích và thúc đẩy “tự diễn biến” từ bên trong. Đối với khu vực nội địa và biên giới, chúng sử dụng chiêu bài “dân tộc, dân chủ, nhân quyền”, tạo cơ hội hoạt động để nắm lấy các tôn giáo và dân tộc, tổ chức nuôi dưỡng các lực lượng chống đối để chống phá ta lâu dài. 
Năm 2000, lực lượng BĐBP tỉnh từng bước được kiện toàn theo biên chế mới; nêu cao cảnh giác, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trên biên giới, vùng biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền; giữ vững ANCT, TTATXH; nâng cao khả năng SSCĐ, bảo vệ địa bàn trong các dịp lễ hội và tiếp tục đẩy mạnh khắc phục hậu quả nặng nề của cơn lũ. Đồng thời, tích cực phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, trước hết là tội phạm về trật tự an toàn xã hội; tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, hoàn thành việc phân giới cắm mốc đoạn biên giới từ mốc S3 đến S4 đạt yêu cầu… Trên tuyến biển, đã thành lập Trung tâm thông tin với các tàu thuyền của ngư dân để nắm tình hình, tổ chức tuần tra trên biển.
b. Xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng vững mạnh (2000 - 2005)
Đất nước ta đã trải qua 15 năm đổi mới với nhiều thay đổi. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, QP-AN được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố. 
Năm 2003, trên tuyến biên giới đất liền, mặc dù tình hình ANCT, TTATXH được giữ vững, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Phía bạn Lào, hai tỉnh đối diện đang còn nhiều khó khăn về KT-XH; bọn lưu vong tập kích vào các đồn, trạm kiểm soát, phục kích bắt cóc cán bộ, chiến sĩ của ta khi đi làm nhiệm vụ; chúng trà trộn xâm nhập, vận chuyển vũ khí, móc nối cài cắm cơ sở vào đất ta chờ thời cơ hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và tình hình thực tế địa bàn, ngày 15/9/2003, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đồn Biên phòng 637 (Đồn Biên phòng Hương Nguyên), quản lý 2 xã Hương Nguyên và A Roàng. Vị trí đóng quân ban đầu của Đồn ở bên đường Hồ Chí Minh dưới chân cầu A Moong, cách vị trí đóng quân hiện tại khoảng 6 km về hướng nam. Năm 2015, do mưa lũ sạc lở, Bộ Quốc phòng đã đầu tư xây dựng, hoàn thành doanh trại mới bên đường Hồ Chí Minh (ở vị trí hiện nay). 
Nhìn lại chặng đường hơn 15 năm từ khi tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập (1989 - 2005), trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức và đầu mối trực thuộc nhưng lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ và hoàn thành tốt các công tác đề ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
 
V. ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC BIÊN PHÒNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI, VÙNG BIỂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI (2006 - nay)
1. Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giai đoạn 2006 - 2012 
 
Bước vào giai đoạn 2006 - 2012, đất nước ta trải qua hơn 20 năm đổi mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn gặp không ít khó khăn, thách thức, có tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG của BĐBP nói chung và BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch công tác của cấp trên, xây dựng nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, kế hoạch công tác của Bộ Chỉ huy, nhất là các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo, giữ vững ANCT, TTATXH trên hai tuyến biên giới của tỉnh.
Ngày 08/11/2007, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Nước ký Quyết định số 1295/QĐ-CT về tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ngày 30/01/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và chuẩn bị tốt mọi điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Quá trình triển khai thực hiện Đề án tăng dày, tôn tạo mốc Quốc giới Việt Nam - Lào đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ. Song trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, với quyết tâm cao và sự đoàn kết khắc phục khó khăn, gian khổ, cùng sự khẩn trương, quyết liệt, khoa học, chặt chẽ của cán bộ, nhân viên Đội cắm mốc, vừa đảm bảo nguyên tắc cơ bản về yêu cầu kỹ thuật cắm mốc, vừa đảm bảo chất lượng công trình, nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu kế hoạch công việc của tỉnh giao. Tăng dày, tôn tạo tổng số 37 cột mốc (từ Mốc 639 đến Mốc 675, gồm: 02 Mốc Đại, 08 Mốc Trung, 27 Mốc Tiểu và 07 Cọc dấu, gồm 03 Cọc dấu đơn, 04 Cọc dấu đôi). Trong đó, 02 Mốc Đại được cắm tại hai cửa khẩu: Hồng Vân - Cô Tài (Mốc Đại 645), A Đớt - Tà Vàng (Mốc Đại 666) và 9 Mốc Trung, 27 Mốc Tiểu..
Tính đến hết tháng 4/2011, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai và hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa tiếp giáp với hai tỉnh Salavan và Sekong. Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới sớm nhất - trước hai năm so với kế hoạch đề ra. 
 
2. BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, giai đoạn 2013 - 2018
Giai đoạn 2013 - 2018, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Các nước lớn đẩy mạnh hợp tác và kiềm chế lẫn nhau, chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước cũng như của Việt Nam. Trung Quốc có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) trong vùng biển và thềm lục của Việt Nam. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do nguồn xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ra việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung... Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “phi chính trị hóa Quân đội”, nhất là trong dịp Nhà nước ta tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. 
Ngày 06/8/2015 Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-BTL về tổ chức, biên chế của Tư lệnh BĐBP, theo đó đã thành lập Đội Trinh sát ngoại biên thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 09/01/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong tình hình mới. Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn toàn tỉnh. Trên tuyến biên giới đất liền, đã vận động thành lập được 49 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới/1.456 hộ gia đình tham gia. Trên tuyến biên giới biển, đã vận động thành lập được 93 Tổ tàu thuyền an toàn/1.140 thuyền viên nhằm huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. 
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đến cuối tháng 12/2016, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 91 em (Việt Nam 85 em, Lào 06 em). Thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn BPCK A Đớt và Đồn BPCK Hồng Vân nhận nuôi 02 cháu; đồng thời huy động được 67.800.000 đồng/02 cháu/năm. Thực hiện chủ trương phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở KVBG, các Đồn Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giới thiệu, phân công 224 đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách 1.096 hộ gia đình ở KVBG nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020, cùng với sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình, đã hỗ trợ giai đoạn I ba xã xã Hồng Vân, Hồng Thái, Hương Nguyên. Đây là những chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, thiết thực, vừa huy động được đông đảo các nguồn lực xã hội chung tay trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn, vừa tăng cường mối quan hệ đoàn kết, nâng cao chất lượng các hoạt động phối hợp giữa BĐBP tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng, năm 2013, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với tỉnh bạn Lào lập Bản Sê Sáp và giúp người dân Lào ổn định cuộc sống; phối hợp với Ủy ban Mặt trận tỉnh xây dựng 13 nhà/trị giá hơn 200 triệu đồng cho người dân trong Bản. Trong hai năm 2015, 2016, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng 01 trường học kết hợp nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 05 nhà hữu nghị/trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo Đồn Biên phòng Nhâm thành lập 01 tổ công tác gồm 05 cán bộ, chiến sĩ biết tay nghề thợ mộc, am hiểu phong tục tập quán, biết nói tiếng địa phương sang cắm Bản để giúp xây dựng nhà, làm công trình nước sạch tự chảy.
 
Ảnh: doanhnghieptiepthi.vn
 
3. BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG giai đoạn 2019 - nay
Giai đoạn này, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các cuộc xung đột diễn ra ở nhiều nơi, như: Nga - Ukraina, Israel - Hamas… Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19… đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động sâu rộng đến KT-XH, QP-AN, đối ngoại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đe dọa sự hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, quyết liệt… 
Ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ bảo vệ biên giới quốc gia. Ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là những văn bản vô cùng quan trọng, thể hiện quan điểm, tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập bảo vệ biên giới và khu vực phòng thủ, từ 2019 - 2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các Đồn Biên phòng đã tham gia các đợt diễn tập, như: Diễn tập chống khủng bố, xử lý tập trung đông người gây rối ANCT, TTATXH; Diễn tập CH-TM 1 bên 2 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng biển, vùng trời; Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh gắn với diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường miền Trung; Diễn tập phương án phòng chống khủng bố xâm nhập qua biên giới vào địa bàn huyện A Lưới; đồng thời chỉ đạo các Đồn Biên phòng tổ chức diễn tập chiến thuật có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ.
Công tác phòng chống ma túy và tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện các chuyên án, vụ án, kế hoạch nghiệp vụ đã có bước phát triển vượt bậc so với những năm trước đây, đặc biệt là đấu tranh với tội phạm về ma túy; phòng, chống tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định (IUU). Đã đấu tranh thành công 17 Chuyên án, Kế hoạch nghiệp vụ, bao gồm: 01 chuyên án về ma túy; 01 kế hoạch nghiệp vụ về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng; 02 kế hoạch nghiệp vụ về kinh tế và 13 kế hoạch nghiệp vụ về ma túy. Phát hiện, trực tiếp bắt giữ, xử lý 276 vụ/444 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 263 vụ/422 đối tượng, phạt tiền 260 vụ/418 đối tượng/2.991.425.000đ, phạt cảnh cáo 03 vụ/04 đối tượng; tịch thu tang vật bán đấu giá nộp NSNN gần 02 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 Chính phủ Về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7) thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời bàn giao quản lý đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, từ mốc 639 đến mốc 643, đoạn biên giới với tổng chiều dài 8,519 km cùng 05 mốc quốc giới (639, 640, 641, 642, 643).
Thực hiện Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã tiến hành sáp nhập 04 xã nội địa vào 04 xã biên giới: Vinh Giang sáp nhập với Vinh Hải thành xã Giang Hải (Phú Lộc); Bắc Sơn sáp nhập với Hồng Trung thành Trung Sơn, Hồng Quảng sáp nhập với Nhâm thành Quảng Nhâm, Hương Lâm sáp nhập với A Đớt thành xã Lâm Đớt (A Lưới).
Thực hiện Kết luận số 68-KL/TW, ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư Về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã thống nhất với các huyện ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy bố trí 04 đồng chí chỉ huy Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện (Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, A Lưới); 13 đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng về tăng cường cho 13 xã biên giới (12 xã thuộc huyện A Lưới và xã Lộc Bình thuộc huyện Phú Lộc) giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Thực hiện Kế hoạch số 78/KHPH-MTTW-BĐBP ngày 12/02/2020 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 13/8/2020 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND, ngày 24/8/2020 về việc “Tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân” trên hai tuyến biên giới của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp Nhân dân về biên giới, biển đảo, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, xây dựng KVBG ngày càng vững mạnh.
Đầu năm 2020, khi dịch Covid - 19 bùng phát, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch một cách đồng bộ, quyết liệt, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch. BĐBP tỉnh đã thành lập 36 tổ, chốt (trong đó có 19 tổ cố định và 17 tổ lưu động), huy động sự tham gia tích cực của lực lượng Công an, Quân sự tỉnh và các lực lượng hiệp đồng khác, góp phần cùng với các cấp, các ngành, các lực lượng ngăn chặn thành công dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế”, xã Hải Dương (Hương Trà) và thị trấn Thuận An (Phú Vang) đã được sáp nhập vào thành phố Huế. Từ đó, thành phố Huế trở thành thành phố biên giới biển.
Thực hiện các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, mô hình có hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH ở KVBG của tỉnh, như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, mô hình “Quân dân y kết hợp”; “Tiết kiệm tiền lẻ chia sẻ khó khăn”, “Giúp đỡ cụ già neo đơn”, “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà xanh tiếp sức học sinh khó khăn đến trường”, “Ngày về thôn bản”… Nhiều mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội. 
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập được nhiều chiến công, thành tích vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành Trung ương và địa phương khen thưởng. Trong đội hình Công an Nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1979), Huân chương Chiến công (2000), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2014), 01 Huân chương Hữu nghị (2003), có 06 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương các loại; 07 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Nhiều đồng chí từng công tác, rèn luyện tại BĐBP tỉnh, đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo, chủ chốt trong các đơn vị trong lực lượng BĐBP, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương. 
Những chiến công vẻ vang của An ninh vũ trang - Công an Nhân dân vũ trang và BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là truyền thống quý báu, là hành trang để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh viết tiếp những trang sử hào hùng, tiếp tục phát huy truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
 
(còn tiếp)
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày