Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tri thức dân gian TRI THỨC MAY, MẶC ÁO DÀI HUẾ vừa được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024
Ngày cập nhật 13/08/2024

Ngày 09/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024, trong đó có Tri thức dân gian TRI THỨC MAY, MẶC ÁO DÀI HUẾ.

 
Đây là di sản phi vật thể quốc gia thứ 5 của Thừa Thiên Huế bên cạnh Ca Huế, Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi, Nhã nhạc Cung đình và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô.
 
Cố đô Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 07 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới độc đáo và đặc sắc, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc trên Cung đình Huế; Nghệ thuật Bài Chòi và Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Cùng với 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh, 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê và gần 1000 di tích đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn là vùng đất của lễ hội gắn với các giá trị văn hóa truyền thống như nghi lễ cung đình - dân gian, kỹ thuật diễn xướng, ẩm thực, trang phục; trong đó có Áo dài. Áo dài xứ Huế đã trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cùng với bao thăng trầm lịch sử; tuy nhiên, đến nay, Áo dài vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị cùng với Huế, Áo dài xuất hiện thường xuyên trong đời thường và trong các dịp nghi lễ, được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của miền núi Ngự, sông Hương.
 
 
Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế; hình thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc xây dựng và ban hành Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” là rất cần thiết. Ngày 29 tháng 3 năm 2023UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Đề án sẽ là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định Áo dài Huế - Áo dài Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu “Huế - kinh đô Áo dài”.
 
Liên quan đến trang phục nói chung và Áo dài Việt Nam nói riêng phải kể đến các công trình sử liệu đã được thực hiện, ấn hành từ những năm triều Nguyễn phát triển thịnh vượng cho đến những năm gần đây, như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, một số bài viết có liên quan trong Tập san của Hội Đô thành hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue - B.A.V.H)… Đó là nguồn tư liệu gốc quý giá vừa có nội dung miêu tả lại các sự kiện lịch sử diễn ra các cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và Hoàng đế Minh Mạng. Sự thay đổi trang phục dưới thời Võ vương đến việc cách tân, thiết kế Áo dài, quá trình định hình Áo dài Cát Tường, Lemur… Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam với nhiều cấp độ và từ nhiều cách tiếp cận khác nhau đã được công bố đã đem đến nhiều thông tin quý giá liên quan Áo dài; góp phần nhận diện Áo dài là một trong những loại hình trang phục độc đáo làm nên cốt cách và tâm hồn của người Việt. 
 
 
Trong những năm gần đây, nhiều Hội thảo về Áo dài đã được Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, đã góp phần làm sáng rõ giá trị văn hóa của Áo dài Huế, khẳng định Thừa Thiên Huế là vùng đất gắn bó với quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế. Việc công nhận này là điều kiện quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” để đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Theo Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL, đợt này có các di sản phi vật thể được ghi danh như sau:
 
- Loại hình lễ hội truyền thống: Lễ hội giã cốm của người Tày, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Lễ hội Đền Tiên La (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Lễ hội Gầu tào của người Mông (các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Yên Bái).
 
- Loại hình Nghề thủ công truyền thống: Nghề làm nhang (tỉnh Tây Ninh), Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, Trà Vinh), Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), Nghề dệt thổ cẩm của người Mường (các xã Kim Thượng, Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ), Nghề ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).
 
- Loại hình Tri thức dân gian, có Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mỳ Quảng (Quảng Nam), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).
 
- Loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng: Lễ Xên đông (Cúng rừng) của người Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).
 
- Loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian: Ru ún (hát ru) của người Mường (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.550.047
Đang truy cập 14.159