Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Chuyện kinh doanh du lịch và chủ quyền
Ngày cập nhật 05/03/2018

Vì sao Việt Nam – một đất nước có chủ quyền mà lại bị “người ngoài” vào ngang nhiên hoạt động, tung tin thất thiệt bóp méo lịch sử? Đáng lo hơn, bởi có thể “họ” có ý đồ và tổ chức, kế hoạch, chứ không phải đơn thuần là sự bộc phát của một vài cá nhân.

Người phụ nữ áo xanh đang thuyết minh, xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Ngày 28/2 vừa qua, mạng xã hội của cộng đồng hướng dẫn viên Hoa ngữ đăng tải video dài hơn 30 giây quay cảnh một phụ nữ nói tiếng Trung Quốc đang thuyết minh cho khách Trung Quốc tại Bảo tàng Đà Nẵng. Người phụ nữ này ngang nhiên thuyết minh bịa đặt “Việt Nam từng thuộc về Trung Quốc”.

Rằng: “Áo dài truyền thống của Việt Nam xuất phát từ áo sườn xám của Trung Quốc, may theo phong cách Việt nhưng vẫn giống y đúc. Về lịch sử, Việt Nam là một khu vực nhỏ thuộc về Trung Quốc, sau này vì giao tranh mà phân chia ra và mới hình thành một quốc gia”.

Video này đã thu hút hàng ngàn lượt xem và gây nên sự bức xúc trong dư luận.

Thực ra mấy cái chiêu trò quấy phá, gây nhiễu loạn thông tin của các thế lực nào đó đối với chủ quyền của Việt Nam đâu phải bây giờ mới có. Sự trà trộn, lộn xộn, đưa cả hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc vào tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử đã diễn ra suốt thời gian qua. Nhất là ở hai địa phương gắn liền với chủ quyền biển đảo của Việt Nam với Hoàng Sa là Đà Nẵng và với Trường Sa là Khánh Hòa.

Theo đó, trên địa bàn Đà Nẵng đã, đang xảy ra tình trạng có rất nhiều trường hợp khách Trung Quốc nhập cảnh theo hình thức du lịch rồi tổ chức hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép, xuyên tạc lịch sử Việt Nam, sử dụng đồng nhân dân tệ, không dùng tiền Việt Nam khi mua hàng hóa..v..v.

Thủ đoạn chủ yếu của họ là sử dụng các Sitting guide (hướng dẫn viên tại chỗ) làm bình phong qua mắt cơ quan chức năng. Đây là các hướng dẫn viên người Việt được thuê đi cùng đoàn, nhưng không được nói gì. Khi gặp thanh tra thì những người này sẽ lo thủ tục liên quan.

Dư luận băn khoăn một điều cũ mà mới: Cỏ vẻ như hầu hết mọi hiện tượng tiêu cực, mọi vấn đề phát sinh xấu trong xã hội chỉ khi người dân phát hiện cung cấp thông tin thì cơ quan chức năng mới biết?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay: “Môi trường du lịch còn đang trong quá trình phát triển, nên phải điều chỉnh sao cho phù hợp… Việc xử lý chỉ có thể xử phạt họ ở góc độ hoạt động du lịch trái phép, còn việc xuyên tạc lịch sử thì cũng khó, vì chưa nắm được nội dung cụ thể”.

Thế nhưng, trường hợp này diễn ra liên tục suốt thời gian qua, không chỉ ở một người mà rất nhiều người mang cái mác “hướng dẫn viên du lịch”. Trong khi, hướng dẫn du lịch cũng là một cách tuyên tuyền và khẳng định chủ quyền và lịch sử quốc gia đối với các nước thông qua du khách nước ngoài là rất quan trọng. Có phải ta đang bỏ ngỏ hình thức tuyên truyền này?

Lãnh đạo, quản lý ngành du lịch có biết: Bao nhiêu Công ty du lịch nước ngoài đội lốt Công ty người Việt Nam để hoạt động chui? Có bao nhiêu hướng dẫn viên du lịch Việt Nam được đào tạo cách tuyên truyền chủ quyền? Liệu có lợi ích gì trong việc quản lý hoạt động du lịch không chặt chẽ này không?

Nếu không thống kê, lý giải được những câu hỏi trên, thì có thể các cơ quan chức năng (cụ thể là bộ phận quản lý văn hóa, du lịch) ở những địa phương sống chủ yếu bằng ngành “công nghiệp không khói” đã buông lỏng quản lý, kèm theo một chế tài chưa đủ mạnh đủ sức răn đe. Còn các doanh nghiệp thì vì tiền mà bất chấp kỷ cương, lịch sử chủ quyền, dẫn đến việc người Trung Quốc có thái độ coi thường, xuyên tạc lịch sử nước nhà dễ như vậy.

Không có lý gì một đất nước có chủ quyền, chủ quyền đó được đánh đổi bằng biết bao mất mát đau thương, mà để cho người nước ngoài vào “sân nhà” mặc sức “tự tung tự tác”. Còn cơ quan chuyên trách lại kêu khó “xử”! Việc bị động, quản lý không hiệu quả các hoạt động du lịch càng chứng tỏ sự kém cỏi của bộ máy quản lý chuyên ngành.

Ai cũng biết, những du khách đến với Việt Nam sẽ mang lại lợi ích kinh tế, đặc biệt là với các tỉnh đặt du lịch là kinh tế mũi nhọn. Chúng ta luôn mở rộng cửa đối với du khách mọi quốc gia, nhất là với Trung Quốc - một quốc gia láng giềng, một thị trường rất lớn.

Nhưng, chúng ta không nên chấp nhận bằng mọi giá. Không thể vì “sống” nhờ du lịch là không dám để mất du khách! Không thể vì mấy đồng nhân dân tệ thu được mà ta đặt lợi ích quốc gia xuống hàng thứ yếu! Dù thực tế nguồn thu từ du khách Trung Quốc chẳng đáng là bao so với nguồn thu từ khách du lịch các nước khác.

Vậy nên, không có cái khó nào bằng cái chúng ta tự làm khó mình. Chỉ là chúng ta không làm, chưa làm hoặc làm chưa đến nơi đến chốn mà thôi. Cần xử lý nghiêm các du khách thiếu văn minh và có thái độ xuyên tạc lịch sử Việt Nam, thiếu tôn trọng nhân dân Việt Nam. Đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, tiếp tay cho các hoạt động xuyên tạc chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực du lịch, văn hóa.

Thật buồn khi Việt Nam – một đất nước có chủ quyền mà luôn bị “người ngoài” vào ngang nhiên hoạt động, tung tin thất thiệt bóp méo lịch sử, Và cũng thật đáng lo ngại bởi có thể “họ” có ý đồ và tổ chức, kế hoạch, chứ không phải đơn thuần là sự bộc phát của một vài cá nhân.

Chính vì vậy, xét riêng góc cạnh “kinh doanh du lịch và chủ quyền”, nếu không xử lý được việc hướng dẫn viên người Trung Quốc và những kẻ tiếp tay bóp méo lịch sử chủ quyền quốc gia - dân tộc ngay trên đất Việt Nam, thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã thua “người ta” ngay trên “sân nhà”.
Sông Hàn

Theo: enternews.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.669.032
Đang truy cập 19.949