Tìm kiếm tin tức
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần khắc phục 5 vấn đề nổi cộm
Ngày cập nhật 16/02/2017

Ngày 14-2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng giao.

Vẫn còn lễ hội phản cảm, xe công đi lễ hội

Báo cáo từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, từ ngày 1-1-2016, Thủ tướng đã giao Bộ VH, TT&DL 282 nhiệm vụ, trong đó có 158 nhiệm vụ đã hoàn thành, có những nhiệm vụ đang thực hiện và có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. So với nhiều bộ ngành khác thì ngành VH,TT&DL đã có sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đạt 5 vấn đề yêu cầu Bộ VH, TT&DL cần giải trình, khắc phục.

Thứ nhất, về công tác quản lý tổ chức, hoạt động lễ hội. Thủ tướng đã yêu cầu phải bắt tay làm việc ngay từ ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, không được sử dụng xe công, không đi lễ hội giờ hành chính. Bên cạnh đó, hiện tượng biến tướng, phản cảm qua việc tranh cướp lộc, tự ý phát lộc… tại một số lễ hội đã để lại hình ảnh xấu, dư luận lên tiếng không đồng tình; nhiều lễ hội tổ chức theo hướng trục lợi, thương mại hóa; một số lễ hội quy mô lớn, thời gian kéo dài nhưng thiếu sự điều hành thống nhất từ các cấp quản lý nhà nước đến địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, những việc đó liên quan tới ý thức của người dân, công tác giáo dục ý thức, nhưng cần sự lên tiếng của cơ quan quản lý nhà nước, song Bộ VH, TT&DL không lên tiếng, không phản hồi. “Nếu Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo, nhưng bộ không có bất cứ báo cáo nào”-Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Giải trình ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở-đơn vị được Bộ VH, TT&DL giao trách nhiệm quản lý công tác quản lý tổ chức lễ hội cho biết, mùa lễ hội 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với các cơ quan tổ chức các đoàn kiểm tra, theo dõi những lễ hội có quy mô lớn. Trong lễ hội năm nay, nhiều lễ hội có tính chất phản cảm, bạo lực cơ bản đã được điều chỉnh như: Lễ chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc), lễ hội tế trâu đền Đông Cuông (Yên Bái)… Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thủy thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn có nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, vẫn còn hiện tượng phản cảm trong lễ hội.

Hát quan họ trên thuyền tại Hội Lim năm 2017. Ảnh: MINH ANH

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL khẳng định, mặt được của mùa lễ hội năm nay thể hiện ở 3 vấn đề: Chính quyền đã vào cuộc quyết liệt; Ban tổ chức quản lý lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và nhân dân cơ bản muốn bỏ hủ tục, phản cảm. Theo ông Vũ Xuân Thành, việc quản lý lễ hội vô cùng khó khăn, nhất là việc gắn lễ hội với du lịch và kinh tế. Ông Vũ Xuân Thành lấy ví dụ từ việc một số địa phương xã hội hóa, cho đơn vị tư nhân tổ chức lễ hội chọi trâu, bán vé, bán thịt trâu… thu hút sự hiếu kỳ của đông đảo người dân và du khách; ví dụ khác, khi đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tại đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chưa đến nửa tháng diễn ra lễ hội, nơi đây đã thu hơn 16 tỷ đồng… Đề cập tới vấn đề xe công đi lễ hội, ông Vũ Xuân Thành đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại việc giao cho Bộ VH, TT&DL giám sát, thống kê việc sử dụng xe công, giờ hành chính đi lễ hội… của các cơ quan bộ, ngành, bởi Bộ VH, TT&DL chỉ có thể đưa ra cảnh báo, khuyến cáo chứ không có quyền hạn cấm sử dụng xe công đi lễ hội.

Theo Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, việc nâng cao nhận thức của người dân là cả một quá trình. Có thể nơi này, nơi khác còn tồn tại lễ hội phản cảm thì Bộ VH, TT&DL với chức năng quản lý nhà nước vẫn đang tiếp tục làm việc với các địa phương và cơ quan truyền thông để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Tiếp thu truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về công tác quản lý lễ hội, trong tuần tới, Bộ VH, TT&DL sẽ tổ chức sơ kết sau 2 tuần các lễ hội diễn ra để có chỉ đạo kịp thời với các địa phương với tinh thần: Sau mỗi một mùa lễ hội, các hiện tượng tiêu cực, mê tín, hành vi phản cảm, trục lợi, biến tướng… phải được ngăn chặn.

Khắc phục tình trạng khách đến rồi đi, người đẹp thi “chui”…

Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu báo cáo về tiến độ triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị trong việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Cụ thể, giải quyết vấn đề khách đến không muốn quay trở lại, vấn đề hướng dẫn viên, chất lượng dịch vụ, hạ tầng, giải quyết tình trạng “chặt chém” du khách… ra sao.

Vấn đề thứ ba là thể thao và gia đình. Thể thao năm 2016 đã có thành tích ấn tượng, cần tiếp tục lưu ý công tác đào tạo vận động viên trẻ, chống tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá. Về hạ tầng, như khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đã được xã hội hóa trong khai thác, sử dụng, đó là việc làm đúng, nhưng yêu cầu đặt ra là phải phục vụ đúng mục tiêu thể thao, tránh việc phá vỡ quy hoạch, hạ tầng lại không được tu bổ thường xuyên. Trong vấn đề gia đình, Thủ tướng lưu ý không để tới Ngày Gia đình Việt Nam mới tổ chức các sự kiện kỷ niệm, mà cần chú ý, thường xuyên lưu tâm việc giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình, chống bạo lực gia đình, quan tâm đến trẻ em…

Vấn đề thứ tư là bảo tồn di tích và trang trí đường phố, bảo đảm cảnh quan, trật tự đô thị. Hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, sử dụng tiếng nước ngoài trên các biển quảng cáo, quảng cáo tấm lớn ở các trung tâm thành phố… còn tồn tại ở nhiều nơi.

Vấn đề thứ năm, cần hết sức lưu tâm đến công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, cấp phép biểu diễn. Năm 2016 bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp từ cấp quốc gia tới địa phương; đưa đi thi sắc đẹp quốc tế nhưng nhiều thí sinh không biết ngoại ngữ; để xảy ra tình trạng tự ý đi thi, thi “chui”, ảnh hưởng đến hình ảnh đại diện quốc gia... Cùng với đó là công tác phong tặng nghệ sĩ, xét tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ. “Khi đề xuất các nhà thơ như: Xuân Quỳnh, Thu Bồn… nhưng họ không được xét duyệt, có ý kiến, dư luận thì phải có giải thích, báo cáo, nói rõ lý do; rồi chuyện phong tặng, truy tặng nhưng lại không có tiền thưởng ngay… Không được để xảy ra chuyện "chạy chọt", phải rất công tâm, khách quan; mặc dù không có nhưng cũng không nên để dư luận nghi ngờ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bốn nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành đều là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nổi bật là vấn đề tự chủ trong các đơn vị nghệ thuật công lập, đặt hàng, đấu thầu các tác phẩm điện ảnh trình từ năm 2015 đến nay, nhưng còn vướng mắc ở một số bộ, ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ VH, TT&DL hoàn thành trong quý I-2017.

VƯƠNG HÀ

Theo: qdnd.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.669.032
Đang truy cập 29.890