Tìm kiếm tin tức
“Đói” nhân lực ngành du lịch
Ngày cập nhật 21/04/2017

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhân tố con người là hết sức quan trọng. Tuy vậy, hiện nay hầu hết công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn tại TPHCM đang lâm vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng. Do vậy, việc có đạt được 7 triệu khách du lịch trong năm 2017 vẫn không bền vững.

Người đông nhưng yếu kiến thức
 
Dù tự hào việc tàu nhà hàng Elisa lọt top 5 nhà hàng đạt chuẩn hàng đầu tại TPHCM, ông Nguyễn Hải Linh, chủ đầu tư cũng không dấu một thực tế DN đang rất khát nhân lực, trong khi hầu hết sinh viên ra trường kỹ năng làm việc rất yếu. Để tự giải quyết nhu cầu nhân lực cho DN, Elisa đã gửi công văn tới một số trường đại học, cao đẳng đề xuất việc hợp tác đưa sinh viên vào thực tập có trả lương, nếu sinh viên nào làm tốt khi ra trường DN sẽ nhận vào làm.
 
Thế nhưng, đáp lại nhiệt tình của DN là sự thờ ơ, thậm chí toan tính về kinh tế của một số trường đại học và cao đẳng, đã khiến chương trình bị hủy bỏ. “Cần phải có hợp tác giữa nhà trường và DN để sinh viên hiểu và cọ sát thực tế, bởi hiện nay có những giáo trình đã lạc hậu” - ông Linh bày tỏ.
 
Cũng bàn về nhân sự, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, nhận xét nguồn nhân lực phục vụ du lịch của TPHCM hiện còn thiếu và yếu, đặc biệt là nhân lực phục vụ đưa khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay mới khoảng 60% DN lữ hành trong nước tập trung khai thác nguồn khách này, trong khi đây mới là đối tượng khách giúp thu về lợi nhuận cao.
 
Hiện TPHCM có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đông nhất cả nước, với 5.010 người được cấp thẻ. Trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 52,67% với 2.639 người, hướng dẫn viên nội địa 2.371 người. Đội ngũ đông nhưng theo Sở Du lịch TP còn khá nhiều thách thức, vì việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế đòi hỏi có bằng đại học, trong khi số lượng hướng dẫn viên đáp ứng có giới hạn, chính vì vậy các thị trường như Pháp, Nhật Bản, Đức, Nga đang có chiều hướng giảm so với năm 2015. Hiện số lượng sinh viên theo học các chuyên ngành ngoại ngữ hiếm rất ít và không chọn nghề hướng dẫn viên sau khi tốt nghiệp.
 
Bên cạnh đó số lượng hướng dẫn viên lớn tuổi đã được cấp thẻ ngày càng giảm. Vì vậy, một số DN lữ hành vẫn phải thuê hướng dẫn viên không có thẻ, không đạt chất lượng hoặc sử dụng hướng dẫn viên là người nước ngoài, nhất là các thị trường tiếng hiếm. Đó là chưa kể luật không quy định các hướng dẫn viên phải báo cáo định kỳ sau khi hành nghề, nên cơ quan quản lý không nắm được quá trình công tác của hướng dẫn viên để theo dõi, đánh giá, quản lý chất lượng và xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
 
Tàu nhà hàng Elisa dù lọt top 5 nhà hàng đạt chuẩn tại TPHCM nhưng vẫn khát nhân lực.
 
Khó từ khâu đào tạo
 
Về quy định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, Sở Du lịch TPHCM cho biết đã có đề xuất tới Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm tiêu chuẩn cấp thẻ ở mức cao đẳng nghề; đồng thời nâng thời hạn thẻ hướng dẫn viên lên 5 năm và quy định hướng dẫn viên báo cáo định kỳ hoạt động hành nghề. Song dù có được chấp thuận, lượng hướng dẫn viên nói riêng và nhân lực chung cho ngành du lịch TP vẫn còn rất thiếu. Bởi lẽ, khó khăn xuất phát từ khâu đào tạo của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn.
 
Đại diện Khoa nhà hàng, khách sạn Đại học Công nghệ Sài Gòn, cho biết nhiều trường chưa mở được mã ngành đào tạo du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng do… thiếu đội ngũ giảng dạy. Để mở được mã ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, nhưng thực tế lâu nay chưa đào tạo thạc sĩ du lịch. Hiện Trường Đại học Công nghệ đang đào tạo thạc sĩ du lịch nhưng 4 tháng nữa khóa đầu tiên mới tốt nghiệp.
 
“Muốn du lịch phát triển phải có con người, phải chuẩn hóa giáo viên, như vậy cần có chính sách hỗ trợ của TP về kinh phí đào tạo, nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất... Để đào tạo nhân lực cho ngành du lịch cần sự chung tay của các DN và toàn xã hội. Trong lúc du lịch đang phát triển nóng như hiện nay thì việc thiếu hụt người cũng khó tránh” - đại diện Đại học Công nghệ Sài Gòn nhấn mạnh và cho biết trước lo lắng về việc giáo trình đào tạo lạc hậu so với thực tiễn, hiện nay giáo trình của các trường đang có sự đổi mới.
 
Thực tế trên đang đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp cho bài toán nhân lực cho ngành du lịch của TP. “Một trong những nhiệm vụ của ngành du lịch TP trong năm 2017 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xác định nội dung xoay quanh chuẩn nghề ASEAN; thống nhất và kiến nghị bộ xác nhận mã ngành để đào tạo chính quy” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, khẳng định.
 
Đưa khách Việt ra nước ngoài khá dễ, nhưng đưa khách nước ngoài vào Việt Nam không đơn giản, đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức, sự khéo léo và cả đạo đức nghề nghiệp. Chính vì thế TP nên đầu tư ngân sách để đào tạo kỹ lưỡng nguồn nhân lực này. Đặc biệt phải chú trọng đào tạo lực lượng quản lý.
 
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt

Đức Mạnh 

Theo: saigondautu.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.644.463
Đang truy cập 50.053