Tìm kiếm tin tức
Duy trì thị trường khách du lịch Trung Quốc: Chấn chỉnh quản lý điểm đến
Ngày cập nhật 29/05/2017

Trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam cũng đã xác định Trung Quốc là thị trường nguồn khách du lịch trọng điểm, Việt Nam luôn chú trọng xúc tiến, quảng bá thị trường này.

Trung Quốc là thị trường nguồn gửi khách đứng đầu thế giới về lượng khách và khả năng chi tiêu. Nhiều điểm đến trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc.

“Tour 0 đồng” thực chất là tour giá rẻ

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu, chiếm 27% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong Quý I năm 2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng trưởng “nóng”, chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu khách, không bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không cao so với một số nước trong khu vực. Cũng có ý kiến nhận định, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ, theo hình thức “Tour 0 Đồng”, không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, thuật ngữ “Tour 0 Đồng” là khái niệm các công ty lữ hành sử dụng để thu hút khách du lịch mua Tour giá rẻ, nhấn mạnh yếu tố giá cạnh tranh. Thực tế, khách du lịch chỉ phải trả chi phí thấp để đến và sử dụng dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống...

Về bản chất, việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến vẫn đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Thuật ngữ “Tour 0 Đồng” để thể hiện phương pháp cụ thể trong một khâu của cả quá trình quản trị thu hút, phục vụ khách du lịch, không phải là hình thức kinh doanh không mang lại lợi nhuận.

Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có biện pháp quản lý. Số lượng khách du lịch Trung Quốc tăng quá nhanh, tập trung tại một số điểm đến và khu vực tại điểm đến, vượt quá sức chứa của điểm đến dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự công cộng. Các công ty Trung Quốc thao túng các dịch vụ du lịch tại điểm đến, nhất là hoạt động mua sắm khiến nhà nước thất thu thuế, khách du lịch phải mua hàng với mức giá cao hơn mặt bằng chung.

Thị trường khách du lịch Trung Quốc là thị trường nhạy cảm, dễ chịu tác động của biến động chính trị, quan hệ đối ngoại và tình hình thế giới, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sụt giảm nhanh đột ngột như đã từng xảy ra tại một số thời điểm.Tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc đối với các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở dịch vụ có thể dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Duy trì thị trường khách Trung Quốc

Ở góc độ tăng cường hội nhập quốc tế, năm 2017 được Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc xác định là năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Trung Quốc.

Xuất phát từ quan điểm toàn diện, tổng thể để bảo vệ lợi ích quốc gia, phát triển du lịch Việt Nam, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và cách thức ứng xử đối với thị trường khách Trung Quốc. Cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của tour giá rẻ đón khách Trung Quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách Trung Quốc cũng như đem lại lợi ích chung cho điểm đến, cho đất nước; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của khách Trung Quốc, tạo động lực phát triển du lịch trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng trong việc giải quyết khiếu nại của khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến, đặc biệt vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông.

Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch và thương hiệu, hình ảnh điểm đến. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc, cần bảo vệ, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc của Việt Nam có năng lực, uy tín, chất lượng với các đối tác Trung Quốc nhằm khẳng định thương hiệu và xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh.

Ngoài ra, khuyến khích phát triển các trung tâm, điểm bán hàng, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch lành mạnh, hoạt động đúng pháp luật; đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủ công nghiệp của địa phương để phục vụ khách du lịch. Đây là giải pháp hết sức quan trọng góp phần đa dạng hóa dịch vụ, tăng chi tiêu của khách du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh lữ hành, tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao.

Phương Bùi
 

Theo: laodongthudo.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.669.032
Đang truy cập 24.571