Tìm kiếm tin tức
Phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái
Ngày cập nhật 26/05/2017

Du lịch nông nghiệp sinh thái đang dần trở thành một "món ăn lạ", bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá... Đây là mô hình phát triển du lịch gắn kết với nông nghiệp, giúp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả.

Long An là tỉnh có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa, trong đó, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, với sự đón đầu của xu thế phát triển kết hợp với du lịch vườn sinh thái.

Hệ thống đường dạo bộ 5km trong khu du lịch sinh thái Tân Lâp.

Tập trung thực hiện nông nghiệp công nghệ cao

Long An là tỉnh sớm đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp từ năm 2004. Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp ở Long An thời gian qua ở một số khâu trong sản xuất như: ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer (300 ha), đưa công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ tưới tiết kiệm trên rau, thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (88,15 ha lúa sản xuất theo VietGAP); chanh 100 ha (60 ha sản xuất theo VietGAP, 40 ha GlobalGAP); thanh long 33,4 ha sản xuất theo GlobalGAP và 44 ha rau sản xuất theo VietGAP, hay 650 hộ chăn nuôi heo – gia cầm chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP nông hộ)...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An: Sau hơn một năm triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu đạt được kết quả khả quan, tạo tiền đề cho triển khai trong năm 2017 và các năm tiếp theo; Tạo được sự chuyển biết tích cực cho doanh nghiệp nông dân hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất sạch, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế nhất là sản xuất theo chuỗi để bảo đảm đầu ra. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tự trang bị nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau tránh các yếu tố tác động bên ngoái.

Qua khảo sát và lựa chọn 4 doanh nghiệp đã có ứng dụng quy trình công nghệ trong xản xuất nông nghiệp và có khả năng mở rộng phát triển về ứng dụng công nghệ cao để định hướng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tiêu chí, bao gồm: Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Gia Long An, Công ty cổ phần TM Đầu tư Chanh Việt Long An, Công ty TNHH Nghiên cứu và sản xuất Giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình.

Tuy nhiên, một số mô hình sản suất ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả nhưng nhân rộng còn gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chủ yếu sử dụng định mức khuyến nông để thực hiện. Nhìn chung tốc độ phát triển diễn ra khá nhanh và đã góp phần không nhỏ tăng giá trị nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với việc phê duyệt Kế hoạch xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao tiến tới thành lập doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020, đầu quý IV năm 2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An đã ký kết hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn gần 4 tỷ USD, trong đó có hợp đồng thương mại xuất khẩu chuối sang Nhật Bản…
 Song song đó, Long An cũng đặt nặng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết thêm: Chúng tôi dựa trên thế mạnh về các sản phẩm chủ lực của tỉnh mà quy hoạch phát triển NNCNC trong những năm sắp tới là tập trung vào “3 cây trồng, 1 vật nuôi”, đó là lúa, thanh long, rau và bò thịt.

Mục tiêu Long An phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất NNCNC gồm: 20.000 ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu, 40.000 ha ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng); 2.000 ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000 ha rau tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An; và vùng chăn nuôi bò thịt tại hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các Dự án đầu tư Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống lúa, chọn tạo giống rau, thanh long; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh; Dự án ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; Dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Long An sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ như: Công nghệ xử lý hơi nước nóng, sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản nông sản, công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát, công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất tạo màu, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa sản xuất nông nghiệp; đồng thời, hỗ trợ thành lập một số khu NNCNC đầu tư đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Đức Huệ, Cần Giuộc và thành phố Tân An.

"Các doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Long An sẽ được hỗ trợ tối đa."

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tham gia đầu tư NNCNC tại Long An sẽ được hỗ trợ tối đa. Tỉnh lập ra hẳn một đơn vị tư vấn và hỗ trợ thực hiện các thủ tục sao cho nhanh nhất, đảm bảo các doanh nghiệp đầu tư NNCNC có đủ các điều kiện sẽ được hỗ trợ, như: Hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…

Hơn nữa, Long An huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.

Đến du lịch vườn sinh thái

Thực tế, quá trình đô thị hóa làm cho con người muốn được quay về với thiên nhiên nhiều hơn. Chính lẽ đó Long An đã kết hợp hài hòa giữa ngành du lịch và nông nghiệp tạo nên một chuỗi giá trị, nhằm phát triển bền vững trong nông nghiệp có du lịch và ngược lại du lịch dịch vụ không tách rời hỗ trợ phát triển xây dựng quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp hiệu quả hơn, tăng giá trị sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.

Đặc biệt đẩy mạnh phát triển du lịch điển hình các dự án như: Khu nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu Ramsar bảo tồn đất ngập nước Láng Sen…. Mô hình này cũng quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp nói riêng và Long An đến với mọi miền lãnh thổ và ra thế giới.

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập

Khu nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2016, Long An đón được 910.000 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 12.000 lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 410 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, chiếm 0,3% lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Khu Ramsar bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Hơn nữa, kết quả của quý I năm 2017 từ hoạt động kinh doanh du lịch: Ước đạt 270.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế ước đạt 3.800 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 123 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

PV
 

Theo: enternews.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.669.032
Đang truy cập 24.304