Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, cải thiện dịch vụ du lịch
Ngày cập nhật 05/01/2017

Lưu trú du lịch là sản phẩm không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ du lịch, có vị trí quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng du lịch, thu hút du khách. Chỉ dịch vụ có chất lượng mới tạo ra được uy tín, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và tạo nên thương hiệu cho từng đơn vị và toàn ngành. Đây cũng chính là xu hướng chung và cũng là cách làm mà du lịch Quảng Ninh đang thực hiện.

Cán bộ Sở Du lịch và TP Móng Cái hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở lưu trú home-stay của người dân đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái). (Ảnh chụp tháng 3-2016)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch tỉnh, có thể thấy Quảng Ninh được đánh giá là có một hệ thống khách sạn, nhà nghỉ... thuộc loại khá. Đặc biệt trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn 4-5 sao. Nhiều sản phẩm du lịch quy mô lớn, thương hiệu đẳng cấp, đạt chất lượng cao đã ra đời như: Vinpearl Hạ Long, Wyndham Hạ Long, Hoàng Gia, Mường Thanh... Ngoài ra, ngay cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đã mạnh dạn đầu tư các khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đạt tiêu chuẩn cao, thay vì xu hướng đầu tư nhà nghỉ loại nhỏ, khách sạn mini như những năm trước.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.112 cơ sở lưu trú du lịch với 15.299 phòng (bao gồm cả hệ thống lưu trú đã xếp loại và chưa xếp loại). Trong đó, có 33 khách sạn từ 3-5 sao với 4.628 phòng, 138 khách sạn 1-2 sao với 4.069 phòng, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đông Triều...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan đó, hoạt động lưu trú du lịch cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo đánh giá sơ bộ, ngoài hệ thống khách sạn cao cấp, các cơ sở lưu trú khối nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho thuê (home-stay) và các cơ sở lưu trú chưa xếp loại còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo thống kê, hiện khối nhà nghỉ du lịch và home-stay có 708 cơ sở với 4.443 phòng... Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 234 cơ sở với 2.106 phòng chưa xếp loại. Theo đó, nhiều cơ sở lưu trú chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, đáng lưu ý là khối khách sạn 2 sao trở xuống. Đặc biệt nhiều cơ sở lưu trú hoạt động tự phát, chưa được xếp loại, cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, thương hiệu của điểm đến.

Nhân viên cơ sở lưu trú Hoàng Trung (Cô Tô) chuẩn bị buồng phòng phục vụ du khách. Ảnh: Công Quý

Công tác quản lý hoạt động lưu trú của một số địa phương đã được phân cấp chưa thực sự hiệu quả, nhiều cơ sở hoạt động tự phát. Dễ thấy hoạt động còn bộc lộ những hạn chế như: Lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ chiếm cao, thiếu ngoại ngữ đặc biệt là ngoại ngữ hiếm như: Hàn, Nhật, Nga; chất lượng cơ sở lưu trú không đồng đều ở địa phương...

Trước thực trạng trên, ngành du lịch tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả, tăng cường thanh kiểm tra, rà soát nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể năm 2015, ngành du lịch tỉnh đã tiến hành kiểm tra chuyên đề, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú về đảm bảo các tiêu chuẩn về trang thiết bị, chất lượng dịch vụ, chất lượng đội ngũ; kiểm tra nhắc nhở 72 cơ sở...

Đặc biệt sau khi tái lập, Sở Du lịch đã thành lập đơn vị chuyên trách về quản lý hoạt động cơ sở lưu trú: Phòng Quản lý cơ sở lưu trú và Dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó, công tác quản lý hoạt động lưu trú du lịch đã được triển khai rộng khắp, quy củ. Theo đó, cơ quan chuyên môn này đã xây dựng kế hoạch và ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống cơ sở lưu trú, đào tạo nhân lực...

Vinpearl Hạ Long Bay Resort - khu nghỉ dưỡng 5 sao đẳng cấp quốc tế trên biển đầu tiên và lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Nghĩa Hiếu

Đồng thời, Sở cũng tiến hành nhiều hoạt động thực tế đồng bộ, rà soát, xếp hạng cơ sở lưu trú, tạo điều kiện tăng cường quản lý, hướng dẫn nâng cao chất lượng lưu trú. Nhờ đó, sau khi tái lập Sở Du lịch (từ tháng 5 đến tháng 11-2016) đơn vị đã rà soát và xếp hạng được 877/1.112 cơ sở với 13.062/15.299 phòng (tăng 508 cơ sở, 3.635 phòng so với năm 2015). Đặc biệt, từ tháng 8-12-2016, đơn vị còn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát hàng nghìn cơ sở lưu trú ở 12/14 địa phương. Riêng 2 địa phương là: TP Hạ Long và Móng Cái, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giao cho địa phương kiểm tra rà soát. Theo đánh giá chuyên môn, hoạt động rà soát, xếp loại là tiền đề quan trọng cho việc hướng dẫn, đào tạo, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú để xếp hạng, quản lý quy củ, tránh tình trạng “thả lỏng” như trước.

Đối với vấn đề đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho cơ sở lưu trú, Sở cũng đã tổ chức được 17 khoá tập huấn nâng cao năng lực quản lý khách sạn, nhà nghỉ cho 1.073 chủ cơ sở lưu trú. Trước đó, giai đoạn 2012-2016, Sở cũng tranh thủ Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ, đào tạo được 46 khoá cho 2.563 cán bộ, nhân viên cơ sở lưu trú. Trong đó, 200 người đạt trình độ đào tạo viên VTOS (Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam) làm hạt nhân giảng dạy nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên trong chính các doanh nghiệp.

Bà Vũ Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý cơ sở lưu trú và Dịch vụ du lịch (Sở Du lịch) cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát và hướng dẫn thủ tục, pháp luật, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long... Ngoài ra, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú. Tất cả nhằm góp phần nâng cao chất lượng du lịch, để Quảng Ninh là nơi cần đến, hấp dẫn du khách.

Hà Phong
 

Theo: baoquangninh.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày