Nguồn nhân lực du lịch trong hội nhập quốc tế sâu và toàn diện
Ngày cập nhật 08/03/2017

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu và toàn diện, để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, cần nhận thức một cách đầy đủ hơn những giá trị lớn lao và có ý nghĩa quyết định của nhân tố con người trong hoạt động du lịch. Phải thay đổi sâu sắc cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động về nguồn nhân lực du lịch và coi việc phát huy nhân tố con người Việt Nam trong hoạt động du lịch như một cuộc cách mạng.

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu và toàn diện, để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, cần nhận thức một cách đầy đủ hơn những giá trị lớn lao và có ý nghĩa quyết định của nhân tố con người trong hoạt động du lịch. Phải thay đổi sâu sắc cách nhìn, cách nghĩ, cách hành động về nguồn nhân lực du lịch và coi việc phát huy nhân tố con người Việt Nam trong hoạt động du lịch như một cuộc cách mạng.

Nói đến nguồn nhân lực du lịch là nói đến chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực ấy không phải là chủ thể biệt lập riêng rẽ một cá nhân hay một tập thể, mà là chủ thể được tổ chức thành lực lượng thống nhất cả về tư tưởng và hành động. Nguồn lực này là tổng hợp những chủ thể trong từng lĩnh vực du lịch, nhưng không phải là tập hợp giản đơn số lượng các cá nhân hoặc tập thể mà là sự tổng hợp của chỉnh thể nhân lực trong hành động, tạo thành một sức mạnh chung. Sức mạnh đó bắt nguồn trước hết là những phẩm chất văn hóa vốn có bên trong của mỗi chủ thể và được nhân lên gấp bội trong thực tiễn hoạt động du lịch. Vì vậy khi nói nguồn nhân lực du lịch với vai trò động lực của quá trình phát triển du lịch là nói đến những phẩm chất tích cực của tổng hợp những chủ thể được bộc lộ trong quá trình đó và thúc đẩy quá trình này vận động phát triển; đồng thời hạn chế tối đa mặt tiêu cực và hạn chế của nguồn nhân lực du lịch.

Vai trò của nguồn nhân lực du lịch trong việc biến nguồn lực phát triển du lịch ở dạng tiềm năng thành hiện thực ngày càng được khẳng định. Đội ngũ nhân lực du lịch có trách nhiệm dự báo, sáng tạo, dẫn dắt và hướng dẫn cộng đồng trở thành lực lượng sáng tạo các giá trị du lịch mới, chứ không chỉ là đối tượng khai thác, hưởng thụ. Đội ngũ nhân lực du lịch phải là lực lượng xung kích, giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân nắm được và ứng dụng khoa học và công nghệ vào công việc; bám sát đời sống thực tiễn, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao trí tuệ và thể chất cho nhân dân, làm cho dân giàu, tạo điều kiện hội nhập, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò tiên phong trong sáng tạo các giá trị du lịch của chuỗi phân công lao động quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện. Bản thân các cá nhân và đội ngũ nhân lực du lịch vừa là chủ thể có khả năng tích hợp và phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh của dân tộc, vừa là khách thể tiếp nhận và phát huy những tinh hoa và kinh nghiệm tiên tiến trong phát triển du lịch của thế giới để phát triển du lịch bền vững.

55 năm qua, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Ngành, nhân lực du lịch Việt Nam cũng tăng về quy mô, nâng cao về chất lượng và hợp lý hóa dần về cơ cấu. Số lượng nhân lực du lịch khi thành lập Ngành chỉ khoảng vài chục nghìn người, sau 55 năm đã lên tới 620.000 lao động trực tiếp; nếu tính cả nhân lực gián tiếp thì tổng nhân lực du lịch là 1.984.000 người. Điều này phản ánh vai trò ngày càng tăng của ngành Du lịch và tính hiệu quả của xã hội hóa hoạt động du lịch. Nhân lực du lịch có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, dạy nghề, bằng 19,8% nhân lực toàn Ngành; có trình độ đào tạo đại học và sau đại học về du lịch chiếm 7,4% nhân lực có chuyên môn du lịch, bằng 3,2% tổng nhân lực; có trình độ qua truyền nghề chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn, bằng 19,4% tổng nhân lực du lịch. Như vậy, nhân lực được đào tạo, dạy nghề đạt khoảng 42,3% tổng nhân lực du lịch, có tay nghề và ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách. Nhân lực du lịch nữ có tỷ trọng cao hơn so với nam, chiếm 55,6% và dần có xu hướng tăng lên. Nhân lực kế cận và nhân lực đang làm việc của ngành Du lịch đang ở độ “vàng”, đủ đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển Ngành; cơ cấu theo độ tuổi hợp lý, đủ khả năng chuyển giao giữa các thế hệ.

Nguồn nhân lực du lịch đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển Ngành trong 55 năm qua; bước đầu xây dựng được thương hiệu Du lịch Việt Nam và những sản phẩm du lịch mang lại giá trị mới cho đất nước. Trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo, quản trị kinh doanh ngày một nâng cao. Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt và năng lực, cống hiến ngày một nâng cao, cố gắng tìm tòi cái mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRONG THỜI KỲ MỚI

Trong thời đại hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu và toàn diện, đặc biệt là cuối năm 2015 với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột kinh tế, an ninh và văn hóa - xã hội, ngành Du lịch Việt Nam vừa có cơ hội, vừa gặp thách thức trong quá trình phát triển với cơ chế hợp tác gắn liền với cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, vốn nhân lực có tri thức cao, tay nghề giỏi và lương tâm nghề nghiệp tốt, tức là đủ năng lực thực hiện, đã trở thành nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của ngành Du lịch. Muốn vậy, phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch hơn nữa và bản thân nguồn nhân lực du lịch cũng phải tự đổi mới, theo 4 quan điểm chính sau đây:

Một là, xuất phát từ công cuộc đổi mới và đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Du lịch; ưu tiên đặc biệt nhằm tạo sự phát triển vượt bậc của nhân lực du lịch, để phát huy vai trò là yếu tố quyết định sự phát triển du lịch; biến thành lợi thế quốc gia và năng lực cạnh tranh để hội nhập quốc tế vững chắc, có hiệu quả và gắn kết với thị trường lao động du lịch khu vực và thế giới.

Hai là, hình thành đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng; đảm bảo về chất lượng đa tầng, đa cấp, có năng lực nhanh chóng thích ứng với nhu cầu phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tình hình thế giới không ngừng thay đổi; hợp lý, cân đối về cơ cấu ngành nghề, vùng, miền, dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm vùng, miền.

Ba là, thực hiện công bằng xã hội trong phát triển nguồn nhân lực; kết hợp hài hòa giữa đảm bảo phúc lợi xã hội với sử dụng tính tích cực của cơ chế thị trường và hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển nhân lực du lịch cho tất cả các dân tộc và nhóm xã hội. Coi trọng đào tạo nghề; quan tâm hơn đến truyền nghề, đào tạo tại chỗ; ưu tiên phát triển nhân lực bậc cao và nhân lực du lịch ở các vùng chưa phát triển, vùng dân tộc thiểu số.

Bốn là, xã hội hóa, phát huy trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành Du lịch là nòng cốt. Nhà nước thực hiện quản lý vĩ mô, định hướng, thực hiện các chương trình giáo dục hướng nghiệp và giáo dục toàn dân về du lịch, hỗ trợ bồi dưỡng phát triển nhân tài và thực hiện công bằng xã hội trong phát triển nhân lực du lịch. Đào tạo, dạy nghề du lịch do người lao động và người sử dụng lao động thực hiện là chính.

Đến năm 2020 phải cơ bản giải quyết đủ về số lượng, đảm bảo được chất lượng và hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề và vùng miền để đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch trong nước và tham gia xuất khẩu lao động làm du lịch; phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiến tiến trên thế giới; khẳng định nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững ngành Du lịch, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong 10 năm tới cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ chính như sau: 1) Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch; 2) Xây dựng tiêu chuẩn (tập trung vào tiêu chuẩn nghề) và thực hiện chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch; 3) Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề và bồi dưỡng về du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, dạy nghề, giữa các ngành, nghề và phân bố vùng, miền hợp lý phù hợp với Chiến lược phát triển Du lịch quốc gia; 4) Xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng du lịch và giáo dục du lịch toàn dân; 5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch; 6) Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (tài chính, công nghệ, công sức và kinh nghiệm) trong và ngoài nước cho phát triển nguồn nhân lực du lịch; và 7) Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch. Trong đó khâu đột phá là xây dựng và thực hiện chuẩn hóa một bước nguồn nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch là quan trọng.

Thực hiện tốt 7 nhiệm vụ chính thông qua 29 giải pháp sẽ tạo được nguồn nhân lực du lịch không chỉ đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp phát triển du lịch với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

TS. Nguyễn Văn Lưu

Ảnh: hcm.giaoducvietnam.edu.vn

Theo: vtr.org.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày