Chuẩn hóa đào tạo nhân lực ngành du lịch
Ngày cập nhật 01/12/2017

Đánh giá Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2020, các chuyên gia cho rằng, cơ cấu theo trình độ đào tạo nhân lực nước ta hiện nay đang mất cân đối. Theo đó, có khoảng 30 - 40% nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo nghiệp vụ đang đặt ra những vấn đề bức thiết cần nhanh chóng có những giải pháp, chiến lược bài bản để không bị thua ngay trên sân nhà.

Bất cập trong đào tạo

Nhân lực phục vụ chiếm một tỷ lệ lớn trong nhân lực trực tiếp nhưng nhìn chung trình độ đào tạo thấp, hiểu biết về văn hóa xã hội và văn minh giao tiếp hạn chế. Ở góc độ đào tạo về du lịch, hiện nay cả nước có 346 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo du lịch các cấp từ dưới sơ cấp đến sau đại học. Trong đó, 115 cơ sở tham gia đào tạo đại học và cao đẳng du lịch, 144 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và 87 cơ sở đào tạo nghề du lịch gồm trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung cấp dạy nghề.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam Phạm Trung Lương cho biết, hiện nay, hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo đang bị phân hóa, chồng chéo và khác biệt. Khối cơ sở đào tạo giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp về chuyên môn; khối cơ sở đào tạo nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Trong khi đó, các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên… lại do hai Bộ làm riêng; một bên đào tạo theo tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học. Điều này dẫn đến sự khác biệt về năng lực của người học ở đầu ra. Chưa kể, chương trình, hệ thống đào tạo cũng không thống nhất giữa các trường dẫn đến tình trạng không công nhận nhau. Sinh viên tốt nghiệp bậc trung cấp, cao đẳng ở trường này muốn liên thông bậc đại học ở trường khác phải học bổ sung nhiều học phần gây mất thời gian, tốn kém. Đại diện Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc không đồng bộ tài liệu dạy và học ảnh hưởng rất lớn đến các sinh viên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khi sinh viên có nhu cầu học liên thông hoặc khi cọ xát với môi trường thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn. Chưa kể đến việc hoàn thiện bằng cấp không thuận lợi sẽ khó cho người lao động muốn học cao.

Cần chiến lược nâng cao chất lượng

 Từ năm 2011 đến nay, với sự hỗ trợ của các chuyên gia EU, ngành du lịch đã xây dựng 10 Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) và triển khai đào tạo theo tiêu chuẩn nghề VTOS cho 3.006 lượt học viên. Hiện tại, hệ thống Bộ tiêu chuẩn nghề đã có tất cả 16 trung tâm thẩm định đặt tại các trường đào tạo du lịch; 75 trung tâm đánh giá đặt tại các khách sạn; gần 2.900 đào tạo viên được cấp chứng chỉ. Chương trình này được kỳ vọng mang lại nhiều đóng góp tích cực đối với việc đào tạo nhân lực du lịch - Chủ tịch Hiệp hội đào tạo Du lịch Việt Nam Đào Mạnh Hùng cho biết.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Đây là lĩnh vực có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động; nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực không những thiếu về số lượng mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo bài bản. Chưa kể, “đào tạo lại” là cụm từ mà hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều đề cập tới khi nói về vấn đề tuyển dụng nhân sự hiện nay.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này là do nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực quản lý. Ngay cả khi tuyển đúng người học ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo lại, bởi lẽ phần lớn sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đều bỡ ngỡ trước thực tế công việc và các trường đào tạo “mỗi nơi mỗi kiểu”. Có những doanh nghiệp lớn hoạt động về du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí sử dụng cả gần chục nghìn lao động. Thế nhưng, hầu hết những nhân viên này đều phải trải qua quá trình đào tạo lại, dù rằng họ đã có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp hay chứng chỉ nghề. Để chủ động các đơn vị sử dụng nhân lực luôn phải có những chính sách đào tạo, chiến lược đào tạo riêng, để bảo đảm các nhân sự mới khi vào nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ.

Với thực trạng đào tạo nhân lực du lịch hiện nay, vẫn còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đây sẽ là thách thức đối với lao động du lịch Việt Nam nếu không có trình độ, chất lượng tương đồng. Do vậy, ngành du lịch cần nhanh chóng có những giải pháp, chiến lược bài bản trong đào tạo nguồn nhân lực để không bị thua ngay trên sân nhà.
Lan Chi

Theo: daibieunhandan.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày