Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

“Thông điểm nghẽn” của ngành du lịch
Ngày cập nhật 04/10/2017

Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) lần 2-2017, du lịch tiếp tục được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, với kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho GDP của đất nước. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu cao nhất, ngành du lịch cần phải “thông” được ba “điểm nghẽn” là quảng bá, xúc tiến, thị thực và môi trường an toàn - xanh, sạch.

“Thông” ba “điểm nghẽn”

 Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP và tạo ra khoảng 4 triệu việc làm. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2017, Việt Nam xếp vị trí 67/136 quốc gia, tăng 8 bậc so với năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số cao, du lịch Việt Nam cũng có nhiều chỉ số xếp chót bảng. Vì thế, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành du lịch, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và ổn định. Trong đó, Nhóm công tác Du lịch của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đề xuất Chính phủ tháo gỡ ba “điểm nghẽn” chính trước khi đặt mục tiêu phát triển đột phá. Vấn đề này có thể làm ngay, có thể hợp tác công tư để san sẻ nguồn lực, tạo hiệu quả rõ rệt trong một hoặc hai năm tới.

Xung quanh việc quảng bá xúc tiến du lịch, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên cho rằng, ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam quá thấp so với khu vực (2 triệu USD/năm) thấp nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm…Vì vậy, giải pháp đưa ra là xây dựng và vận hành quỹ quảng bá, xúc tiến du lịch; thành lập hội đồng quảng bá xúc tiến trên nền tảng hợp tác công tư. Đồng thời, việc quảng bá phải có trọng tâm, tập trung vào các thị trường có mức chi trả cao, lưu trú lâu dài và có tính ổn định.

Về thị thực, hiện nay Việt Nam đã mở cửa cho 23 quốc gia với giải pháp miễn thị thực và triển khai áp dụng thị thực điện tử cho 40 nước. Theo phân tích, số lượng này còn ít so với các nước trong khu vực, phần lớn trong số này chỉ được miễn 15 ngày là chưa phù hợp. Vì vậy, cùng với những đề xuất về việc nới lỏng chính sách thị thực, khu vực tư nhân cam kết sẽ phối hợp với Chính phủ để thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp du lịch đối tác và cho du khách tại các quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực và thị thực điện tử, góp phần đưa mức tăng trưởng chung của du lịch cao hơn 15%. Riêng đối với các nước được áp dụng miễn thị thực thì sẽ có mức tăng trưởng thêm từ 5 - 7%.

Về vấn đề tạo lập môi trường du lịch sạch, thân thiện và an toàn, Việt Nam được đánh giá cao với nhiều chỉ tiêu vượt trội nhưng vẫn còn những ấn tượng chưa tốt như an toàn giao thông, bị gian lận, chèo kéo mua hàng, thói quen xả rác bừa bãi và sản phẩm du lịch chưa phong phú. Theo Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, Chính phủ cần đưa ra các quy định chặt chẽ, có chương trình giám sát thường xuyên, liên tục về môi trường du lịch. Mọi vi phạm về môi trường, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, khuyến khích sản phẩm du lịch xanh và có tiêu chí xếp hạng điểm du lịch xanh - sạch - đẹp.

Nỗ lực từ chính quyền…

Trước những nhận định, đánh giá về những điểm nghẽn gây cản trở sự phát triển của ngành du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, dù vừa qua, du lịch Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao chưa từng có, nhưng dư địa còn lớn và có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu những “điểm nghẽn” nói trên được tháo gỡ. So với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn kém cạnh tranh về visa, do vậy cần tiếp tục cải thiện chính sách thông thoáng hơn nữa. Hiện Tổng cục Du lịch đã  thống nhất được những nguyên tắc cơ bản với Bộ Tài chính về công tác xúc tiến, quảng bá. Cùng với đó, Luật Du lịch sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 cũng đã dành một phần nội dung để xác định nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch từ phí visa và phí tham quan, kỳ vọng đem lại khoảng 400 - 500 tỷ đồng/năm phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

 Về vấn đề môi trường du lịch, điều quan trọng là chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình. Thực tế tại một số địa phương, vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận đúng và thực hiện nghiêm. Từ đó, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch bất chấp các nguyên tắc; cơ sở hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; làm du lịch tự phát, thiếu sự kiểm soát của cơ quan có chuyên môn; bản sắc văn hóa bản địa bị phai nhạt thậm chí pha tạp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốc độ phát triển. Do vậy hiệu quả kinh tế từ du lịch kém, thiếu tính bền vững…

Du lịch vốn được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế. Trong đó, cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa, môi trường thì du lịch Việt Nam mới có thể phát huy tiềm năng. Thực tế cũng cho thấy ở đâu có sự nỗ lực của chính quyền trong việc giữ gìn môi trường và hình ảnh, nơi đó du lịch sẽ phát triển bền vững.

Nhữ Sơn

Theo: daibieunhandan.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 14.669.032
Đang truy cập 20.101