Tìm kiếm tin tức
Nút thắt thị thực, mất khách quốc tế
Ngày cập nhật 06/02/2018

Nới lỏng thị thực được cho là một trong những điều kiện tích cực để thu hút du khách đến Việt Nam.

Thế nhưng, đến nay Việt Nam vẫn bị đánh giá là kém cởi mở trong chính sách thị thực so với nhiều nước trong khu vực.

Từ khuyến nghị của EuroCham

Vừa qua, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tiếp tục kiến nghị Chính phủ nới lỏng thủ tục nhập cảnh cho du khách. Cụ thể, EuroCham đề nghị mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực, bao gồm tất cả các quốc gia Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), có nhiều hoạt động thương mại đáng kể với Việt Nam, hay các đối tác đầu tư và thị trường du lịch mục tiêu.

Hiện nay, việc miễn thị thực cho du khách từ 5 nước Tây Âu được quyết định theo từng năm, EuroCham đề xuất quy định này nên có thời hạn 5 năm. Thời gian miễn thị thực có thể kéo dài từ 15 lên 30 ngày. Chính phủ có thể cho phép cấp thị thực tại cửa khẩu với thời hạn lên 72 ngày với hành khách nối chuyến bay, và thực hiện tốt hơn việc cấp thị thực điện tử (e-visa).
 Ví von của giám đốc một DN lữ hành: Muốn mạnh không thể “mạnh ai nấy làm”, nhất là du lịch, một ngành có liên quan đến rất nhiều những ngành khác. Cần thay đổi suy nghĩ để tận dụng thời cơ kéo khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, xây dựng hình ảnh du lịch ngày một đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn.

Thực ra, những kiến nghị của EuroCham cũng là vấn đề được các chuyên gia trong nước kiến nghị nhiều, nhưng đến nay vẫn là một nút thắt chưa dễ dàng mở. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho rằng với mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với những con số rất ấn tượng, như thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm… thì ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Chỉ riêng vấn đề thị thực, một trong những yếu tố hàng đầu để thu hút khách du lịch vẫn còn nhiều bất cập.

“Trong khi Campuchia đã bỏ thị thực cho 112 nước, Việt Nam mới bỏ cho 22 nước, trong đó 5 nước công nghiệp phát triển lại gia hạn thị thực hàng năm, đã khiến khách du lịch cũng như các DN lữ hành các nước này khó chủ động, bởi họ thường lên kế hoạch đi du lịch trước 1-2 năm... Điều này sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam” - ông Kỳ phản ánh.

Miễn thị thực không thu được phí, nhưng bù lại khách đến nhiều hơn để mua sắm.  

Nhìn sang một số quốc gia có lượng người Việt đến du lịch nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong 2 năm trở lại đây chính sách thị thực đang được nới lỏng rất nhiều. Theo chia sẻ của một số DN du lịch, riêng thị trường Nhật Bản hiện có một số công ty của Việt Nam còn được ủy quyền xét thị thực trước. Và không chỉ những nước này mà xu hướng đơn giản hóa thủ tục thị thực đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.
 
Thả con tép, bắt con tôm

Tác động của việc mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục và thực hiện tốt hơn e-visa đã được phân tích nhiều. Song vẫn còn đó những băn khoăn, như bình quân mỗi khách đóng phí 25USD, nếu mở rộng miễn thị thực sẽ thất thu một khoản không nhỏ.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt, thoạt nhìn việc miễn thị thực đúng là có thất thu, nhưng cần phải có một cái nhìn rộng hơn. 25USD sẽ không thấm vào đâu bởi nếu thu hút được du khách đến nước ta chi tiêu mỗi ngày tối thiểu cũng phải 100USD. Vì thế, với câu chuyện thị thực cần giải quyết những vấn đề như mở rộng miễn visa cho những thị trường trọng điểm, với một số thị trường có thể áp dụng chính sách khách đến lần 2, lần 3 sẽ được miễn thị thực (như một cách kéo họ trở lại Việt Nam).

Trên thực tế, từ khi chính sách miễn thị thực cho 5 nước công nghiệp phát triển đã giúp lượng khách từ các nước này đến Việt Nam tăng trưởng đáng kể, trung bình 15% trong vòng 12 tháng kể từ khi miễn thị thực. Chưa hết, theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của du khách từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016 mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.

Tất nhiên, câu chuyện nới lỏng thị thực chỉ là bước đầu trong việc thu hút du khách đến Việt Nam, và nó không phải cây đũa thần để ngành du lịch bỗng chốc trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách, khiến du khách muốn lưu trú lâu, muốn quay lại nhiều lần. Để làm được như vậy, cần nhiều yếu tố nội tại như làm sao chuyên nghiệp hóa cách làm du lịch, tăng hiệu quả quảng bá, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn, tạo nơi để du khách có thể chi tiêu nhiều hơn, xây dựng những sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách… Và thực tế đây cũng là những vấn đề không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ của ngành du lịch Việt Nam.

Thái Hà

Theo: saigondautu.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.958.971
Đang truy cập 33.206