Tìm kiếm tin tức
Lữ hành Việt Nam-Nhìn lại và đi tới
Ngày cập nhật 09/07/2018

Hoạt động lữ hành đã xuất hiện rất sớm ở nước ta, nhưng với việc Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/CP ngày 09/07/1960, thành lập Công ty Du lịch Việt Nam, tiền thân của ngành Du lịch ngày nay, được coi là sự kiện đặt dấu mốc pháp lý đầu tiên cho hoạt động lữ hành của ngành Du lịch Việt Nam.

Từ các hoạt động ban đầu chủ yếu là phục vụ chuyên gia quốc tế giúp Việt Nam, sau này hoạt động lữ hành dần trải rộng ra các lĩnh vực khác, đặt nền móng cho hoạt động lữ hành phát triển trong giai đoạn mới. Ngày 28/01/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về Quy chế quản lý kinh doanh du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Công ty Du lịch Việt Nam cũng là doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của ngành Du lịch Việt Nam.

Năm 1999, lần đầu tiên ngành Du lịch có được văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là Pháp lệnh Du lịch. Sau đó, lần lượt các văn bản hướng dẫn được ban hành là Nghị định 27/2001/NĐ-CP ngày 05/6/2001 về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, Thông tư số 04/2001/TT-TCDL ngày 24/12/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05/ 6/ 2001 của Chính phủ về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch. Pháp lệnh Du lịch ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế. Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh Du lịch, Luật Du lịch đã được ban hành năm 2005 đã tạo khung pháp lý cao nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Đặc biệt, năm 2017 đã trở thành dấu ấn lịch sử trong quá trình phát triển của ngành Du lịch – lữ hành Việt Nam với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017 (sửa đổi); Chính phủ xây dựng Chương trình hành động số 103/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nếu năm 1993 cả nước mới có 65 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì đến năm 2001 có 108 doanh nghiệp, tốc độ trung bình thành lập mới 6 doanh nghiệp/năm. Giai đoạn 2001 đến 2005, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp lữ hành là 30%; mỗi năm thành lập mới 80 doanh nghiệp để đến 2005 số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế là 428 doanh nghiệp. Đến năm 2017, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã đạt 1.802 doanh nghiệp, tăng trưởng 321% so với năm 2005, trung bình thành lập mới 110 doanh nghiệp/năm. Về cơ cấu doanh nghiệp lữ hành quốc tế cũng có nhiều thay đổi về chất theo hướng tích cực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch. Nếu năm 2005 du lịch Việt Nam mới có 110 doanh nghiệp nhà nước, 74 công ty cổ phần, 222 công ty TNHH, 3 doanh nghiệp tư nhân và 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì đến năm 2017 đã có 5 doanh nghiệp nhà nước, 556 công ty cổ phần, 1.214 công ty TNHH, 11 doanh nghiệp tư nhân và 16 công ty liên doanh với nước ngoài.

Những năm gần đây, mặc dù kinh tế thế giới và nước ta gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động kinh doanh lữ hành nói riêng và du lịch nói chung vẫn có những bước phát triển và là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế vẫn tăng trưởng mạnh; tổng thu từ khách du lịch tăng tương ứng với tốc độ gia tăng doanh nghiệp và tăng trưởng lượng khách du lịch. Nếu năm 1990 các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phục vụ 250.000 lượt khách du lịch quốc tế, 1 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch mới đạt 1.350 tỷ đồng thì đến năm 2017 các doanh nghiệp lữ hành phục vụ gần 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ. Kết quả này có thể coi là kỳ tích tăng trưởng về tổng số khách quốc tế, với số tăng tuyệt đối đạt 3 triệu lượt khách/năm so với năm 2016. Đây là minh chứng cho việc gia tăng số lượng doanh nghiệp lữ hành sẽ tỷ lệ thuận với việc tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng thu từ du lịch. Tổng thu từ khách du lịch hàng năm tăng trưởng mạnh đã khẳng định sự phát triển đồng đều về quy mô và năng lực của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Trong hệ thống doanh nghiệp lữ hành nhiều doanh nghiệp lớn đã trưởng thành và xây dựng được các thương hiệu có uy tín. Nếu giai đoạn đầu phát triển hoạt động lữ hành Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước như Saigontourist, Vietnamtouris, Peacetour, Hanoitourist, Benthanhtourist, thì cùng quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình và thương hiệu mới. Trong số hơn 1.800 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, có thể kể đến một số doanh nghiệp lớn, nhất là các công ty cổ phần, TNHH đã tạo dựng được danh tiếng và hình ảnh trên thị trường trong nước và quốc tế như Vietravel, Saigontourist,VietnamtourismHanoi, Vitours, DMC Travel, Focus Travel, Hanoitourist, Benthanhtourist, Fiditourist, Peacetour, Vidotour, Buffalo Tours, Vietrantour, Redtours… Nhiều doanh nghiệp liên doanh cũng đã có nhiều đóng góp trong việc đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như Exo Travel, JTB TNT, Apex Travel, H.I.S Travel, Pegas, Anex… Hai thương hiệu hàng đầu của lữ hành Việt Nam là Saigontourist và Vietravel nhiều năm liền được công nhận là thương hiệu quốc gia. Cùng với những thương hiệu cơ sở lưu trú được vinh danh với Giải thưởng du lịch thế giới, Vietravel và một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã được công nhận là công ty lữ hành hàng đầu thế giới, hàng đầu châu Á và khu vực ASEAN.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa là khu vực động lực tăng trưởng du lịch của thế giới, vừa là một trong những trung tâm đón nhiều khách nhất và gửi khách của toàn thế giới. Số lượng khách du lịch quốc tế dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt.

Trên đà tăng trưởng mạnh trong hai năm 2016-2017 vừa qua, với vị thế mới và tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam, năm 2018 và các năm tiếp theo, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 16 triệu lượt khách trong năm 2018 và hơn 20 triệu vào năm 2020. Lượng khách du lịch tăng đồng nghĩa với áp lực quản lý điểm đến cũng tăng theo, đó là việc quản lý sức chứa, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn cho khách du lịch, vệ sinh môi trường, …

Kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống của ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2018), ngành Du lịch có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức mới đặt ra cho công tác quản lý và kinh doanh. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp cùng với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, du lịch cả nước phải có những hành động triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn, nhằm đạt được mục tiêu cả về lượng khách và doanh thu của toàn ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để sớm đưa Du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 Ngô Hòai Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
 

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.692.789
Đang truy cập 18.361