Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Thông báo số 218/TB - BGTVT thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị nâng cấp đường lăn song song với chiều dài 2.700 m, hệ thống ILS/DME CAT 1 đầu 27 tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.
Đối với đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã được quan tâm, đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu như xây dựng mới (nhà ga hành khách T2, mở rộng sân đỗ máy bay, nâng công suất khai thác của khu hàng không dân dụng lên khoảng 6,5 triệu hành khách/năm; các công trình hạ tầng khu bay, đường cất hạ cánh và các đường lăn) có thể đáp ứng công suất khai thác khoảng 2,5-2,7 triệu HK/năm.
Theo định hướng Quy hoạch, giai đoạn đến 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được quy hoạch công suất 7 triệu hàng khách/năm. Để bảo đảm năng lực vận tải hàng không ngày càng tăng cao theo quy hoạch, Bộ GTVT thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu đầu tư xây dựng đường lăn song song, thiết bị hạ cánh như đề xuất của tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết là đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát tình hình khai thác, xây dựng phương án phân kỳ đầu tư, báo cáo Bộ GTVT xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư.
Về đề nghị Bộ GTVT cho phép tăng số chuyến bay trên ngày đối với các đường bay Huế - Tp. Hà Nội và Huế - TP.HCM, người đứng đầu ngành GTVT cho rằng, hiện nay đã có 4 hãng hàng không khai thác các chặng bay đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài nên về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ về nhu cầu về vận tải hàng không.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác chặng bay đến Huế cả ở các đường bay nội địa lẫn quốc tế đi đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Tuy nhiên, để thu hút lượng khách quốc tế, khách nội địa đi và đến Huế trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch chủ đạo, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng; cùng với đó, liên kết với các địa phương để kết nối các sản phẩm du lịch liên vùng - miền để hình thành một số sản phẩm tour tuyến, tăng thêm lượng khách quốc tế và nội địa đến Huế.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu việc tăng tần suất khai thác trên các đường bay từ TP. Hà Nội và TP.HCM đến Huế như đề nghị của tỉnh.
Về đề nghị sớm phê duyệt nhiệm vụ, lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết là đã giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có Cảng hàng không quốc tế Phú Bài) làm cơ sở triển khai lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc được duyệt.
Liên quan đến việc bố trí nguồn vốn để ưu tiên đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49 đoạn từ đường Hồ Chí Minh ra cặp cửa khẩu chính Hồng Vân/Cô Tài, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin là đã giao Cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL.49 đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí khoảng 1.775 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã được Quốc hội thông qua, trong đó, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách, nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư Dự án này.
“Trong thời gian tới, nếu cân đối được nguồn vốn sẽ ưu tiên đầu tư đoạn tuyến này. Trước mắt, giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí từ nguồn vốn bảo trì để xử lý 1 số đoạn đường cong, đào bạt tầm nhìn, hạ các đoạn có độ dốc dọc lớn đảm an toàn giao thông trên tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Anh Minh