Tìm kiếm tin tức
Nhật Bản - Đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Thừa Thiên Huế - Bài 1: Ấn tượng nguồn tài trợ ODA và dòng vốn FDI
Ngày cập nhật 25/09/2023

Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, mà còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Thừa Thiên Huế. Nhiều dự án (DA) hoạt động khá hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế và đóng góp ngân sách ổn định hàng năm cho tỉnh.

Dự án Trung tâm thương mại AEONMALL Huế đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh
 
Nguồn lực ý nghĩa
 
Một trong những DA sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi lớn nhất từ Nhật Bản là hầm đường bộ Hải Vân, với tổng số vốn khoảng 250 triệu USD. Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Hải Vân trở thành hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và là một trong 30 hầm đường bộ lớn nhất, có công nghệ hiện đại nhất thế giới. Hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, rút ngắn khoảng cách giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, mà còn mở ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển du lịch, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
 
DA “Nâng cấp năng lực thích ứng với thiên tai ở miền Trung” hỗ trợ hình thành kế hoạch quản lý lũ tích hợp, giúp các địa phương trong vùng nâng cao năng lực về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng các công trình chống xói lở ở bờ sông với quy mô nhỏ, chi phí phí thấp. Các DA “Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai”, “Xây dựng trường học, trồng rừng, giao lưu văn hóa”, “Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai”… được Nhật Bản tài trợ không hoàn lại với số tiền hàng chục tỷ đồng đã tập trung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giáo dục thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro; đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai liên quan tới nước bằng hệ thống quản lý lũ tổng hợp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại hội nghị xúc tiến đầu tư với các đối tác Nhật Bản
 
Đặc biệt DA “Cải thiện môi trường nước thành phố Huế” do JICA tài trợ bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 3.169 tỷ đồng đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt trong mùa lũ, bảo vệ các di sản; cải thiện sông ngòi, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại TP. Huế. Cùng với đó, DA Quản lý cấp nước an toàn Việt Nam - Nhật Bản, theo chương trình hợp tác giữa Công ty HueWACO và Cục nước Yokohama đã trao đổi, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cấp nước nhằm cải thiện công tác quản lý cấp nước cho các công ty cấp nước. DA hoàn thành các mục tiêu, qua đó giúp HueWACO trở thành một trong 3 đơn vị dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về cấp nước an toàn, nước sạch có thể uống tại vòi.
 
Ngoài ra, DA Bệnh viện quốc tế - DA ODA xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD do Nhật Bản tài trợ. Sau khi hoàn thành, Trung tâm Y tế chuyên sâu này đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân trên địa bàn và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, Chương trình trùng tu di tích Cố đô Huế - Viện Di sản WASEDA, Tokyo tài trợ 4,5 triệu USD không những đóng góp nguồn lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh, mà còn áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vào công cuộc phục hồi, trùng tu, bảo vệ những công trình kiến trúc hư hỏng nặng thông qua chương trình tài trợ thiết bị hỗ trợ nghiên cứu, trùng tu di tích.
 
220 triệu USD vốn FDI vào Thừa Thiên Huế
 
Giai đoạn 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 7 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản hoạt động, với tổng vốn đăng ký 30,4 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến thực phẩm, may mặc, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác.
 
Một số DA hoạt động có hiệu quả, như: DA sản xuất rượu Sake và rượu trắng Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế và Công ty TNHH Saita (hoạt động gần 25 năm), doanh thu hàng năm đạt 1,77 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 799 nghìn USD; DA may mặc của Công ty TNHH MSV giải quyết cho hơn 1.000 lao động; DA công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen hoạt động từ năm 2013 và rất hiệu quả, giải quyết cho trên 100 lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình...
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện toàn tỉnh đã thu hút được 117 DA FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347 triệu USD; trong đó có 16 DA đến từ doanh nghiệp (DN) Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 220 triệu USD. Đáng chú ý, DA Trung tâm thương mại AEONMALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 169 triệu USD đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số DN Nhật Bản cũng đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật, hỗ trợ các dịch vụ phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động...
 
Ông Yakabe Yoshinori, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết: Khu vực miền Trung bao gồm cả Thừa Thiên Huế giá thuê tại các khu công nghiệp vẫn đang ở mức tương đối và dễ dàng đảm bảo nguồn nhân lực, vì vậy khu vực này ngày càng thu hút sự quan tâm của các công ty Nhật Bản như một điểm đầu tư mới. Trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế cũng là Aeon Mall đầu tiên tại miền Trung đã được khởi công và đang thi công thuận lợi. Đến cuối năm nay, sẽ tiếp tục có nhiều đoàn khách quan trọng từ Nhật Bản đến Huế. Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa để tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và Thừa Thiên Huế.
 
(Còn nữa)
 
Bài 2: Quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực
 
THÁI BÌNH
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.107.947
Đang truy cập 12.229