Tìm kiếm tin tức
Báo quốc tế nhận định Thừa Thiên Huế là điểm đến đầu tư mới nổi
Ngày cập nhật 25/01/2024

Theo trang Vietnam Briefing, Thừa Thiên Huế, một tỉnh lâu đời ở miền Trung Việt Nam, nổi bật là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ chi phí lao động hiệu quả và các ưu đãi đáng khích lệ.

Tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển và cảng biển. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng có vị trí thuận lợi là cửa ngõ đi vào tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Á, nổi bật là vị trí chiến lược giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Toquoc

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của nền kinh tế và thương mại Việt Nam. Vì vậy, các công ty nước ngoài nên xem xét Thừa Thiên Huế để tìm kiếm giải pháp thay thế cho các trung tâm sản xuất nổi tiếng hơn ở Việt Nam.

Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung Việt Nam dọc hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh có vị trí chiến lược với đường biên giới với Lào dài 81km và bờ biển dài 120km. Nhận thức được lợi thế này, chính phủ đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần nhằm định vị khu vực này là cửa ngõ trực tiếp và hiệu quả nhất đến tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Á.

Cảng Chân Mây

Nằm ở miền Trung Việt Nam, cảng Chân Mây nằm trong địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).

Hàng năm, cảng Chân Mây tiếp nhận khoảng 3,5 triệu tấn hàng gồm than đá, xi măng clinker, dăm gỗ, cát và tinh bột sắn. Cảng có thể tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT, tàu container sức chở đến 2.600 TEU, tàu khách 225.282 GRT.

Ngày 24/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn kéo dài đến năm 2050. Là một phần của kế hoạch này, cảng Chân Mây sẽ được mở rộng lên 702 ha, với khoản đầu tư đề xuất là 750 tỷ đồng (31,25 triệu USD) được phân bổ cho việc xây dựng đê chắn sóng cảng trong giai đoạn 2.

Cao tốc La Sơn-Túy Loan

Cao tốc La Sơn-Túy Loan đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là hợp phần quan trọng của dự án đường cao tốc Bắc – Nam kết nối 63 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam.

Đoạn La Sơn – Hòa Liên được đưa vào vận hành từ năm 2022. Tuy nhiên, sau 18 tháng vận hành, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bố trí vốn nghiên cứu, đầu tư nâng cấp đoạn La Sơn – Hòa Liên. Việc mở rộng này nhằm mục đích đạt được chiều rộng nền đường là 23m và có 4 làn đường cho xe cộ.

Đoạn Hòa Liên – Túy Loan nằm trong giai đoạn 2 của Đường cao tốc Bắc Nam, dự kiến khởi công vào tháng 8/2023, phấn đấu đưa vào vận hành vào năm 2025. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng hình hộp 4 làn xe với nền đường rộng 22m, mặt đường 14m.

Sân bay quốc tế Phú Bài

Nằm dọc Quốc lộ 1A, Sân bay Quốc tế Phú Bài đóng vai trò quan trọng là sân bay trung tâm của khu vực, là cửa ngõ đi vào khu vực Đông Á và các nước ASEAN khác.

Kể từ năm 2023, sân bay đã trải qua đợt nâng cấp vượt bậc, bao gồm việc bổ sung nhà ga thứ hai với công suất chứa 5 triệu hành khách mỗi năm. Việc mở rộng này nhằm mục đích phục vụ 2.500 hành khách trong thời gian cao điểm, thu hút thêm khách du lịch và giảm bớt áp lực cho nhà ga T1 hiện tại.

Laguna Lăng Cô

Laguna Lăng Cô là dự án nghỉ dưỡng quốc tế đầu tiên của Banyan Tree Singapore tại Việt Nam. Nằm liền kề vịnh Lăng Cô thuộc Khu kinh tế Chân Mây, khu nghỉ dưỡng được bao quanh bởi bờ biển dài 3 km, có tầm nhìn thẳng ra Biển Đông.

Khu nghỉ dưỡng được khởi công xây dựng từ năm 2008 trên khu đất rộng 280 ha, với vốn đầu tư 875 triệu USD bao gồm khách sạn, spa, sân gôn 18 lỗ, trung tâm mua sắm tổng hợp, biệt thự độc lập và khu dân cư cao cấp.

Năm 2018, Banyan Tree tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD, nhằm giới thiệu dịch vụ sòng bạc cho khu nghỉ dưỡng. Theo đó, dự án sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản và bắt đầu vận hành toàn bộ vào năm 2026.

Trung tâm thương mại Aeon Mall

Tiếp nối chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko nhằm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Tập đoàn Aeon đã khởi công xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố Huế. Việc thành lập Aeon Mall Huế được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Ngoài ý nghĩa lịch sử và du lịch, Thừa Thiên Huế còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sản xuất toàn cầu.

Bia Huda

Được thành lập vào năm 1990, Bia Huda Huế ban đầu hoạt động như một nhà sản xuất bia địa phương. 4 năm sau khi thành lập, công ty đã liên doanh với Tập đoàn Carlsberg, dẫn đến việc đổi tên thương hiệu Huda Beer. Năm 2011, Tập đoàn Carlsberg mua lại 50% vốn còn lại của Huda Beer, biến công ty này thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Trong những năm qua, Bia Huda luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp ngân sách cho Thừa Thiên Huế và là nhà tài trợ chính cho Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần.

Scavi

Tập đoàn Scavi, một công ty con của Financìere B'Lao – nhà cung cấp dịch vụ gia công hàng đầu thế giới trong ngành nội y – đồ bơi – lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 1988. Năm 2005, Scavi chọn Thừa Thiên Huế làm điểm đến đầu tư và tính đến ngày hôm nay, Scavi vận hành ba tại Khu công nghiệp Phong Điền, sử dụng hơn 6.300 công nhân với mức lương trung bình 6,2 triệu đồng (258 USD).

Kanglongda

Năm 2019, nhà đầu tư Trung Quốc Kanglongda – chuyên sản xuất găng tay dùng một lần cho ngành điện tử và y tế – đã chọn Thừa Thiên Huế làm trung tâm sản xuất. Công ty dự kiến thành lập nhà máy và trung tâm nghiên cứu găng tay dùng một lần, sợi polyethylene, găng tay bảo hộ lao động đa chức năng, với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, dự án dự kiến sẽ tạo cơ hội việc làm cho khoảng 1.500 lao động, đóng góp ước tính khoảng 220 tỷ đồng (9,2 triệu USD) cho ngân sách hàng năm.

Nhìn chung,Thừa Thiên Huế hiện có vị trí chiến lược để trở thành trung tâm kinh tế tiếp theo của Việt Nam. Nhìn thấy tiềm năng ở Thừa Thiên Huế, các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và ngành nghề khác nhau đã lựa chọn tỉnh này làm điểm đến đầu tư ưa thích. Tỉnh hiện có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký lũy kế là 4,5 tỷ USD tại đây./.

Hồng Nhung

Theo: toquoc.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.086.675
Đang truy cập 1.685