Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Ngày cập nhật 17/04/2018

Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng từng nói Trung Hoa, Pháp, Việt Nam là 3 nước có món ăn hấp dẫn nhất thế giới. Vậy nhưng nhiều bạn trẻ Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn bây giờ lại đi tìm những món ăn Hàn Quốc, Nhật Bản… Phải chăng đó là do chiến lược "PR" của các quốc gia? Chúng ta còn thiếu gì để phát triển ẩm thực? Nên chăng cần biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc trưng?

Ẩm thực Việt thiếu thương hiệu

Trong văn hóa Việt Nam, dường như ăn được gắn với nhiều hoạt động như ăn chơi, ăn ngủ, ăn mặc…  Ẩm thực của dân tộc Việt gắn với những câu chuyện từ xa xưa. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, từ thuở đầu dựng nước, truyền thuyết bánh chưng, bánh dày đã khẳng định nguyên lý của ẩm thực Việt Nam là cân bằng âm dương và ngũ hành tương sinh. Nhờ vậy mà món ăn Việt Nam trông đơn giản nhưng vẫn đạt đến độ tinh tế và vẻ đẹp hài hòa, phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trên thế giới.

Không chỉ bánh chưng, bánh dày, chỉ riêng món nem cuốn cũng đã cho thấy sự phong phú về nguyên vật liệu, món ăn nhiều rau, bảo đảm sức khỏe… Các loại rau gia vị của người Việt không chỉ phong phú mà nhiều trong số đó là những vị thuốc Nam. Ẩm thực Việt Nam ngon và tốt cho sức khỏe, nhưng sao vẫn thiếu thương hiệu?

Các món ăn được trình bày đẹp mắt tạo thêm cảm xúc đẹp cho du khách. Ảnh: Hà Nguyệt.

Là nghệ nhân ẩm thực hàng đầu, từng tiếp xúc với nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực Việt, Nghệ nhân ưu tú về ẩm thực Ánh Tuyết cho rằng: "Chúng ta chỉ thua các nước ở vấn đề marketing, truyền thông quảng bá. Chúng ta phải xây dựng uy tín ẩm thực Việt bằng an toàn thực phẩm, bằng chế biến ngon, tiếp khách thân thiện… để góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu ẩm thực Việt".

Đưa ẩm thực thành một loại hình du lịch

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách hiệu quả nhất để quảng bá, phát triển ẩm thực Việt là gắn nó với du lịch. Tuy nhiên, dường như "du lịch ẩm thực" vẫn còn là một khái niệm xa vời. Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Năm 2017, Quần thể di tích cố đô Huế đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó có 1,8 triệu lượt khách nước ngoài, thu 320 tỷ đồng từ tiền bán vé di tích, doanh thu du lịch đạt 3.450 tỷ đồng. Nếu tính cả người dân thu được từ làm du lịch thì con số lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng. Như vậy du lịch Huế gồm du lịch đến cố đô Huế, đến di sản đô thị Huế và ẩm thực Huế đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân. Tuy nhiên, ẩm thực lại chưa thực sự được coi trọng trong các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Một thực tế là hiện nay, ở nhiều khách sạn 5 sao của nước ta có nhiều món ăn, đồ uống nước ngoài. Làm sao khi vào những khách sạn sang trọng đó, du khách quốc tế thấy bếp Việt thật nổi bật, thấy ẩm thực Việt thật hấp dẫn?

PGS, TS Vương Xuân Tình, chuyên gia nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, Trưởng nhóm xây dựng mục từ về ẩm thực của Bách khoa toàn thư Việt Nam chỉ ra nghịch lý, thế giới từ lâu đã coi du lịch ẩm thực là một loại hình du lịch. Trên thế giới ẩm thực giữ vai trò thứ ba trong phát triển du lịch, bên cạnh văn hóa và tự nhiên. Loại hình du lịch này được nhiều quốc gia xây dựng trong chính sách về du lịch. Để tôn vinh ẩm thực, một đất nước sử dụng thực phẩm siêu thị, đồ ăn nhanh đã phổ biến nhưng Mỹ có tới 1.500 hội chợ về ẩm thực của nông dân tổ chức theo mùa vụ. Nước Mỹ đã phát huy tối đa hội chợ ẩm thực này cho du lịch ẩm thực của họ. Nước Pháp còn xây dựng hẳn chiến lược về du lịch ẩm thực với 16 cơ quan tham gia.

Trong khi đó, ở Việt Nam, vấn đề du lịch ẩm thực mới chỉ manh nha xuất hiện ở một vài bài viết, vài hội thảo… Dù có nền ẩm thực đáng tự hào nhưng du lịch ẩm thực của chúng ta chưa được coi trọng, chưa được xây dựng trong các chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch. Trong "Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" chỉ tìm thấy duy nhất một từ đề cập đến vấn đề này là “ẩm thực biển”. Còn "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" cũng chỉ nêu một hai dòng về ẩm thực. Trong kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về du lịch cũng chưa coi ẩm thực là một loại hình du lịch… Ngay Hà Nội là một trung tâm của ẩm thực nhưng trong kế hoạch phát triển du lịch thành phố năm 2017 cũng không thấy đề cập tới du lịch ẩm thực. "Tôi kiến nghị nên bổ sung ẩm thực vào chiến lược của du lịch Việt Nam, đưa ẩm thực thành một loại hình du lịch độc lập", PGS, TS Vương Xuân Tình nói.

Đồng tình với những kiến nghị của PGS, TS Vương Xuân Tình, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho rằng: "Lâu nay chúng ta bỏ qua một loại hình di sản quan trọng-đó là ẩm thực, hoặc có nói mà nói ít quá. Do vậy cần nhận diện bằng tổng kiểm kê, chọn lọc trong tổng số hàng nghìn món ăn của Việt Nam, tôn vinh nghệ nhân, đầu bếp, các địa điểm có món ăn ngon… Nếu không tôn vinh ẩm thực thì rõ ràng văn hóa của Thủ đô thiếu đi một phần sự hấp dẫn. Tại sao chúng ta không làm các chiến dịch để quảng bá du lịch với vài món ăn đặc trưng của chúng ta?".

HUY AN

Theo: qdnd.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.969.483
Đang truy cập 2.764