Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Huế rộn ràng có còn là Huế?
Ngày cập nhật 14/05/2018

Tám năm trước, một nhà báo đang sống ở Đà Nẵng ra chơi Festival Huế 2010, sau mấy ngày đêm lặn lội với lễ hội đã viết trên trang blog của mình: “Festival đã phá hỏng Huế. Ồn ào như cái chợ. Huế như thế này thì chẳng khác chi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Huế phải yên tĩnh mới là Huế!”.

Đường phố Huế sôi động, vui nhộn hơn trong những ngày diễn ra festival. Ảnh: Phan Thành

Đến mùa festival năm nay 2018, tôi lại nghe những lời ta thán như thế. Festival vừa kết thúc, trên mạng xã hội đã nghe tiếng thở phào: “Mừng quá, hết bị tra tấn bởi cái festival ồn ào vô bổ”.

Có đúng festival là ồn ào vô bổ không? Có phải Huế rộn ràng thì không còn là Huế hay không?

Huế vào những ngày festival quả nhiên rộn ràng, nhất là những buổi chiều diễn ra lễ hội đường phố, và đêm nào cũng đông đúc khán giả chen chúc xem biểu diễn nghệ thuật ở hàng chục sân khấu từ Đại Nội thâm nghiêm cho đến hai bờ sông Hương rồi trải dài cho đến tận các làng quê ven đô. Huế như một người ít nói giờ bỗng nhiên sôi nổi hàn huyên. Nếu bắt gặp người đó lúc đang say sưa chuyện trò mà nói rằng anh ta là người nói nhiều, liệu có đúng chưa? Liệu có đúng không, nếu nhìn TP. Hồ Chí Minh vào buổi sáng mùng một Tết và nói rằng thành phố này thật là yên tĩnh?

Đặc tính của lễ hội là vui chơi ca hát nhảy múa say sưa, phô bày cho hết mọi thứ âm thanh, màu sắc. Không rực rỡ sắc màu, không đám đông huyên náo, không phải là lễ hội.

Căn cứ theo tiêu chí này thì Festival Huế vẫn chưa thật sự là lễ hội náo nhiệt, bởi hội hè chỉ diễn ra ở một khu vực trung tâm thành phố. Chỉ cần vài phút về Vĩ Dạ, lên Bến Ngự, Nam Giao hoặc Kim Long, Phú Mộng, thậm chí chỉ vài bước từ Đại Nội lui hồ Tịnh Tâm, là trở về ngay với cái yên tĩnh cố hữu của Huế.

Nếu những người bạn tôi từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm Huế đừng thuê phòng ở khu trung tâm, mà chọn một khách sạn ở Vĩ Dạ, hoặc một nhà vườn ở Nguyệt Biều, đi taxi về trung tâm xem hội, gặp bạn bè, rồi về nghỉ ở khu vườn thanh trà bên bờ sông Hương, nghe cả tiếng lá rơi lúc gần sáng, thì chắc hẳn họ đã không than phiền là Huế ồn ào.

Không ai vào chợ Đông Ba mà lại đòi nó yên tĩnh như ở chùa. Cũng như không thể lấy vài ngày lễ hội để nói rằng Huế ồn ào chẳng khác chi Đà Nẵng. Võ Trung Dung - một nhà báo đến từ Paris, người TP. Hồ Chí Minh từng sống nhiều năm ở quê ngoại là Huế, đồng ý với tôi rằng thành phố này dù có đưa cả chợ Đồng Xuân lẫn chợ Bến Thành nhập với chợ Đông Ba thì cũng không làm cho Huế mất đi sự yên tĩnh vốn là đặc tính của trời đất, của con người, tự ngàn xưa, mà tạo hóa đã mặc định. Thậm chí, Huế yên tĩnh đến độ mất cân bằng, nhất là vào mùa đông.

Người Huế, nhất là người có tuổi, đã quá quen với sự yên tĩnh đó, đến mức chỉ một tiếng to hơn ngày thường là đã cảm thấy ồn ào. Và người Huế đi xa, sự yên tĩnh đó đã hóa thạch trong tâm khảm họ, nên khi vừa bước chân về nhà, bắt gặp cái đám đông lễ hội là cảm thấy “Huế răng lạ ri hè?”. Có năm mùa đông trời không mưa dầm, là có người lắc đầu: Huế không mưa không còn là Huế. Thưa rằng, Huế vẫn là Huế đó thôi, Huế không mưa dầm thì có vẻ đẹp khác của Huế trong nắng đông. Huế không chỉ già nua, cổ kính, mà Huế cũng trẻ trung nữa chứ. Huế trẻ trung thì phải cười nói say sưa. Huế lễ hội thì phải ồn ào, náo nhiệt chứ!

“Phải trốn khỏi thành phố này thôi, cô ghét lễ hội. Cô không thể chịu nổi cảnh người ta làm lễ hội bia nhếch nhác như thế bên bờ sông Hương hay dọn tiệc ăn uống trong Đại Nội”. Đó là lời của một người Huế trên báo Lao Động, và không chỉ vài người “chạy trốn” như thế. Ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, người thường trực tổ chức Festival Huế từ mùa đầu tiên năm 2000 đến 2008 - cho rằng điều đó là đúng với mọi thành phố festival. Ông Hoa cho biết, festival ở thành phố Avignon của Pháp diễn ra suốt cả tháng 7 hằng năm, chứ không phải 2 năm diễn ra 6 ngày như Huế. Đây là Festival chuyên về nghệ thuật sân khấu nổi tiếng thế giới với hơn 70 năm tồn tại. Mỗi mùa lễ hội có hằng trăm đoàn kịch trên thế giới kéo đến biểu diễn khắp các nhà hát, quảng trường, công viên, hè phố, ngã ba, ngã tư... Cả thành phố Avignon trở thành một quần thể nhà hát rộn ràng suốt ngày, thâu đêm.

Vì vậy, có rất nhiều người dân Avignon cứ đến mùa Festival là họ đóng cửa đi chơi, hoặc biến thành homestay cho khách du lịch thuê. Trong khi đó, giới kinh doanh dịch vụ khắp các nơi lại kéo đến Avignon để buôn bán. Thu nhập của những người kinh doanh du lịch, dịch vụ chỉ một tháng 7 Festival bằng cả 6 tháng trước đó. Và nhờ vậy, ngân sách của thành phố cũng thu được rất nhiều từ Festival. Cả người bỏ trốn lẫn người ở lại đều vui vẻ, vì thành phố của họ đã thu hút được nhiều du khách, thậm chí năm nào thành phố không náo nhiệt thì họ lại buồn, vì khách đến bị giảm.

Vậy nên, muốn Huế trở thành “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam” thì người Huế phải là fest (lễ hội) trước đã. Nếu những người “chạy trốn” Festival Huế mà biết câu chuyện của Avignon, chắc họ sẽ vui vẻ “đào thoát”, và những người ở lại thì cũng hoan hỉ “chịu đựng” vài bữa, để phục vụ du khách. Nếu du khách nào không thích sự náo nhiệt thì có thể chọn khách sạn và điểm tham quan phù hợp. Huế không bao giờ thiếu sự yên tĩnh!

Nói vậy nhưng cũng đừng chủ quan, sự yên tĩnh đáng giá ngàn vàng của Huế cũng rất dễ mất đi nếu không kiểm soát được tốc độ phát triển của nó. Đô thị hóa với kiểu tư duy đơn giản và thực dụng mở đường, đốn cây, phân lô, nhà hộp, nhôm kính, cùng tiếng hô “zô zô 100%” hỗn hợp với nhạc kẹo kéo và karaoke di động... mới chính là thứ “thuốc nổ” phá hủy vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của Huế!

DƯƠNG XUÂN TỬ
 

Theo: baothuathienhue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.144