Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Bay” đi tìm du khách
Ngày cập nhật 17/10/2018

Ngành giao thông dự định trong vài năm tới sẽ mở thêm hàng loạt đường bay để thúc đẩy du lịch phát triển nhưng nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng tích cực này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa thì mới thực hiện được.

Khách du lịch tại sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM. Ảnh: Đào Loan
 
Ồ ạt mở đường bay
 
Theo dự thảo đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” mà Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ, với đường bay nội địa, có 4 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác trên 50 đường bay, vận chuyển 31,87 triệu lượt hành khách trong năm 2017, tăng 11,8% so với năm trước đó.
 
Mạng đường bay quốc tế có sự tham gia của 71 hãng hàng không nước ngoài và ba hãng hàng không Việt Nam, khai thác hơn 100 đường bay kết nối sáu cảng hàng không gồm Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc đến hơn 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng vận chuyển hành khách vào năm ngoái đạt 30,27 triệu lượt khách, tăng 27,9% so với năm 2016. Điều đáng chú ý là các chuyến bay chủ yếu tập trung vào hai đầu là TPHCM và Hà Nội. Trong đó, tần suất bay ở TPHCM dày đặc hơn, chiếm hơn một phần ba sản lượng chuyên chở của cả nước và gần 60% thị trường quốc tế thuộc về các hãng hàng không nước ngoài.
 
Trong định hướng kết nối hàng không với thị trường nguồn khách du lịch, Bộ Giao thông Vận tải dự định sẽ mở các đường bay mới và tăng tần suất trên các đường bay hiện có nối với các thị trường du lịch trọng điểm gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Pháp, Anh, Nga, Úc, Mỹ và Ấn Độ. Thêm vào đó, cơ quan này cũng tính đến việc sẽ mở các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm vùng Đông Bắc Bắc bộ, di sản miền Trung, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Phú Quốc.
 
Trong đó, Trung Quốc sẽ là thị trường có nhiều đường bay nối với Việt Nam nhất. Dự kiến, đến năm 2020, các hãng hàng không sẽ mở đường bay mới nối các cảng hàng không quốc tế cùng những cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng với 17 địa phương ở Trung Quốc. Các đường bay hiện tại cũng sẽ được tăng tải cung ứng.
 
Đến năm 2025, các hãng hàng không mở đường bay giữa các cảng hàng không quốc tế và những cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế khác tại Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình với các điểm tại Trung Quốc.
 
Kế hoạch cho các thị trường khác cũng nhiều không kém. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải cũng tổ chức trao đổi ý kiến với Nhật Bản để bổ sung các thỏa thuận về khai thác đến Cảng hàng không Haneda (Tokyo). Sau đó, nhiều đường bay giữa Đà Nẵng, Khánh Hòa nối với Tokyo và Osaka cùng những đường bay từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Huế, Kiên Giang, Bình Định đến các điểm tại Nhật Bản cũng sẽ được mở.
 
Với thị trường Mỹ, dự định đến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng đến nước này với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây, có thể là Los Angeles hoặc San Francisco. Đến năm 2025, các hãng hàng không khác sẽ mở đường bay giữa hai nước.
 
Đâu dễ mời khách đến
 
Trung Quốc, tuy là thị trường lớn nhất thế giới và hiện mỗi tuần có đến 500 chuyến bay đưa khách du lịch đến Việt Nam nhưng chủ yếu là các chuyến bay thuê bao do doanh nghiệp Trung Quốc vận hành. Họ chính là những người nắm nguồn khách và quyết định đưa khách đến đâu.
 
Trong dự thảo đề án này, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra các số liệu về khả năng tiếp nhận máy bay của các cảng hàng không, kỳ vọng thị trường du lịch, khả năng vận chuyển của doanh nghiệp hàng không, tiềm năng du lịch tại các địa phương... để giải thích lý do mở và tăng tần suất hàng loạt đường bay. Cơ quan này cũng đề xuất một số chương trình để hỗ trợ mở đường bay như hợp tác quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch...
 
Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng kết nối hàng không là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường. Những điểm đến lân cận như Thái Lan thu hút được nhiều khách quốc tế một phần cũng là nhờ vận chuyển hàng không nhộn nhịp làm cho du khách đi-đến dễ dàng, hay Indonesia có rất nhiều đảo nhưng Bali lại là đảo đón khách nhiều nhất, phần nào cũng nhờ việc kết nối hàng không.
 
Tuy nhiên, không phải cứ có kết nối hàng không tốt là mở được thị trường du lịch mới mà còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác gồm cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ cho du lịch, giá cả, và đặc biệt là phải tạo được sức hấp dẫn cho điểm đến thì mới có thể kéo được khách về. Chẳng hạn, Phú Quốc có đường hàng không thuận lợi, có đủ tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách châu Âu và rất nhiều người dân ở khu vực này muốn đi du lịch Phú Quốc, nhưng doanh nghiệp lữ hành lại không thể tăng được số lượng bán do giá dịch vụ cao.
 
“Giá dịch vụ tại Phú Quốc cao hơn nhiều điểm đến trong nước khoảng 30%, thậm chí một số thời điểm lên đến 40% nên khó bán dù nhiều khách muốn mua tour”, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Asian Trails, nói.
 
Theo bà, từ ví dụ này có thể thấy rằng, muốn gia tăng lượng khách du lịch và phát triển thị trường mới thì cần phải hoàn thiện cả chuỗi hạ tầng, dịch vụ và giá cả. Thêm vào đó, việc mở đường bay cũng phải đồng bộ với kế hoạch kết nối giao thông từ sân bay đến trung tâm thành phố hoặc các điểm tham quan. Chẳng hạn, đường dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất đang kẹt cứng, nếu mở thêm đường bay nữa thì việc đi lại càng khó khăn hơn, chưa chắc du khách đã muốn đến. Ở một số địa phương, sân bay ngày càng xa khu trung tâm, nếu kết nối giao thông không tốt thì việc phải mất 1-2 tiếng từ cửa ngõ hàng không để đến nơi cần đến cũng sẽ làm du khách nản lòng.
 
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group, cũng có nhận định tương tự. Theo ông, tuy du lịch đang gặp vấn đề về hàng không, nhiều nơi có ít đường bay, đặc biệt là ít đường bay quốc tế đến và giá vé quá cao, nhưng điểm nghẽn này không thể giải quyết được bằng việc mở ồ ạt các đường bay mới. Việc mở đường bay và kết nối với thị trường nào phải xuất phát từ cung - cầu thực sự của điểm đến. Điều mà các cơ quan chức năng cần làm trước là hoàn thiện dịch vụ, quảng bá để điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn, tạo nhu cầu đi du lịch từ khách hàng. Khi thấy thị trường có thể mở thì doanh nghiệp sẽ tham gia ngay.
 
“Dĩ nhiên là cũng cần kế hoạch chung nhưng không thể cứ muốn mở trong vài năm là có thể mở hàng loạt đường bay có hiệu quả. Nếu nhu cầu lớn thật sự thì không cần kêu gọi, doanh nghiệp cũng sẽ mở đường bay ngay”, ông nói.
 
Theo ông, ở những nơi nhu cầu chưa đủ lớn, cơ quan quản lý nên tham khảo cách mà nhiều nước đang làm là hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, hàng không, tạo nhu cầu du lịch và đưa khách đến bằng các chuyến bay thuê bao để dần dần hình thành đường bay thường xuyên. Có những sân bay nước ngoài hiện đang đi tiếp thị trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam, chào mời một số ưu đãi như miễn phí cất hạ, cánh... cho doanh nghiệp mở đường bay đến. Đây cũng là cách làm hay cần tham khảo.
 
Một số doanh nghiệp cũng lưu ý về việc tính toán kỹ quy mô thị trường, không phải thị trường có nguồn khách lớn là có thể đem lượng khách đó về Việt Nam khi có đường bay. Trong nhiều trường hợp, thị trường lớn nhưng nhu cầu đi du lịch Việt Nam không cao hay doanh nghiệp chưa thể thâm nhập sâu thì có ồ ạt mở đường bay cũng chưa chắc đã có khách.
 
Chẳng hạn, châu Âu tuy là thị trường du lịch lớn nhưng đang bão hòa nên khó tạo nên một sự chuyển biến lớn trong việc phát động thị trường. Với Trung Quốc, tuy là thị trường lớn nhất thế giới và hiện mỗi tuần có đến 500 chuyến bay đưa khách du lịch đến Việt Nam nhưng chủ yếu là các chuyến bay thuê bao do doanh nghiệp Trung Quốc vận hành. Họ chính là những người nắm nguồn khách và quyết định đưa khách đến đâu. Vì thế, chưa chắc những đường bay thường xuyên định mở đến đây sẽ có đủ du khách để lấp đầy các chuyến bay nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa có cách tiếp cận thị trường hiệu quả. Trong khi đó, những khoản đầu tư cho đường bay sẽ phải đổ ra, kéo theo đầu tư công trong hạ tầng giao thông hàng không tăng lên khi chưa cần thiết. 
Theo: thesaigontimes.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.093.730
Đang truy cập 5.181