Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam
Ngày cập nhật 07/04/2021

Vào ngày 03/7/2021 tới, tại Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021).

 
Đây là hoạt động được tổ chức nhằm thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất Quảng Nam; đồng thời giáo dục giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa, cách mạng của đất và người xứ Quảng cho các thế hệ.
Danh xưng Quảng Nam ra đời vào năm 1471 từ sau chiến thắng Trà Bàn của Lê Thánh Tông và tồn tại cho đến ngày nay. Trong hơn 5 thế kỷ, Quảng Nam đã trải qua nhiều thay đổi về tên gọi đơn vị hành chính, về địa giới, và đã diễn ra không ít lần tách ra, nhập vào, rồi lại tách ra, nhập vào…
Về phương diện ngữ nghĩa học, Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là về Nam, hướng Nam, một sự lựa chọn, một định hướng mang tính chiến lược có tầm nhìn xa, về sự phát triển. Từ thế kỷ XV, trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi gọi đất này là “Tiên nữ phú hà duy nam giới” và xếp vào loại phên giậu thứ 5” của quốc gia Đại Việt.
Một điều không thể không lưu ý khi đề cập đến lịch sử Quảng Nam là cần phân biệt địa danh này ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau.
 
1. Giai đoạn danh xưng Quảng Nam, với phạm vi rộng, bắt đầu từ Lê Thánh Tông (1471) cho đến năm 1803, kéo dài 332 năm. Lúc đầu có tên là đạo thừa tuyên Quảng Nam, sau đổi thành xứ Quảng Nam (1490), rồi sang trấn Quảng Nam (1520), lại đổi sang doanh (hay dinh) Quảng Nam (1602). Dù mang tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, nhưng khái niệm Quảng Nam thời kỳ này bao gồm đất của 3 phủ Thăng Hoa (nam Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), trải dài từ bờ nam sông Thu Bồn đến phía bắc đèo Cù Mông.
 
2. Giai đoạn danh xưng Quảng Nam với phạm vi hẹp. Một năm sau khi lên ngôi vua, Gia Long tiến hành cải cách hành chính trong cả nước (1803). Dinh Quảng Nam (lớn) chia thành 3 dinh (nhỏ). Hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa được tách ra thành một dinh lấy tên là dinh Quảng Nam.
 
Phủ Tư Nghĩa được đặt làm dinh Quảng Ngãi. Phủ Quy Nhơn được đặt làm dinh Bình Định. Tuy mang những tên gọi đơn vị hành chính khác nhau, từ dinh đổi sang trấn thời Gia Long; đến trấn rồi tỉnh thời Minh Mạng; nhưng địa giới Quảng Nam cho đến Cách mạng Tháng 8-1945 không thay đổi.
 
Các hoạt động chính của chương trình gồm lễ kỷ niệm còn có Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển" để phân tích, đánh giá chuyên sâu nhiều về địa lý, lịch sử, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế, ngoại giao, hội nhập phát triển và một số vấn đề liên quan.
 
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động hưởng ứng đi cùng như Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Hội An show”; Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào; Chương trình “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam”; Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam - Việt Nam) và Đắc Tà Oọc (Sêkông - Lào); Liên hoan nghệ thuật Bài chòi; Hoạt động trưng bày, triển lãm; Cuộc thi tìm hiểu “550 năm Danh xưng Quảng Nam” trên Internet; Chương trình liên kết, xúc tiến du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Phát động sáng tác nhân kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam trên lĩnh vực báo chí và văn học, nghệ thuật; Các hoạt động du lịch; Các hoạt động thể thao.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 32.887