Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Luật Du lịch năm 2017 Chất lượng và chuyên nghiệp
Ngày cập nhật 02/08/2017

Gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, tăng 10 điều so với Luật Du lịch năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 nhằm mục tiêu thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch, tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Du khách - trung tâm của mọi hoạt động

So với Luật Du lịch năm 2005, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch trong Luật Du lịch năm 2017 được quy định chặt chẽ hơn nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động hành nghề, hướng dẫn. Điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế được điều chỉnh từ trình độ cử nhân thành trình độ cao đẳng, để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Quy định về khách du lịch được chuyển từ Chương V, Luật Du lịch năm 2005 lên Chương II Luật Du lịch năm 2017, thể hiện quan điểm “lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch”. Chương II gồm 5 điều (từ Điều 10 đến Điều 14), quy định về các loại khách, giải quyết kiến nghị của khách du lịch. Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật Du lịch năm 2017 đã bổ sung quy định du khách có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến để gìn giữ hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.

Về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch du lịch, Chương này gồm 3 mục, 8 điều (từ Điều 12 đến Điều 22). Cụ thể, tài nguyên du lịch gồm 3 điều (từ Điều 15 đến Điều 17), quy định về các loại tài nguyên du lịch, điều tra tài nguyên du lịch, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch gồm 2 điều (Điều 18 và Điều 19), quy định về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Đây là mục mới được bổ sung trong Luật 2017 nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tạo, xây dựng, phát triển và kinh doanh các sản phẩm du lịch có chất lượng, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Luật cũng bổ sung quy định về du lịch cộng đồng - loại hình du lịch đặc thù có tính văn hóa, nhân văn sâu sắc, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

Các nội dung liên quan đến quy hoạch về du lịch gồm 7 điều (từ Điều 23 đến Điều 29), quy định điều kiện, nguyên tắc, nội dung lập quy hoạch về du lịch. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch về du lịch do Chính phủ quy định nhằm bảo đảm sự phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đối với Chương IV, điểm du lịch và khu du lịch, Luật quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch, khu du lịch và quản lý điểm du lịch, khu du lịch. So với Luật năm 2005, điều kiện, thời điểm công nhận điểm du lịch, khu du lịch quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh đã được điều chỉnh hợp lý hơn để bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Kinh doanh du lịch được quy định tại Chương V, gồm 4 mục và 28 điều (từ Điều 30 đến Điều 57).

Luật Du lịch năm 2017 đã chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng việc quy định về trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành; loại bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có hợp đồng lao động với 3 hướng dẫn viên có thẻ. Vì qua thảo luận, các ĐBQH cho rằng, quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, số lượng hướng dẫn viên phụ thuộc vào thị trường, có tính mùa vụ. Luật cũng đã điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký và hoạt động kinh doanh.

Với nội dung lưu trú du lịch (gồm 6 điều, từ Điều 48 đến Điều 53), Luật quy định các loại cơ sở lưu trú du lịch, điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Với mục tiêu khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính trong hoạt động kinh doanh, Luật đã điều chỉnh việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch từ bắt buộc sang nguyên tắc xếp hạng trên cơ sở đăng ký tự nguyện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Về thẩm quyền xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Luật quy định Tổng cục Du lịch chỉ xếp hạng 4 và 5 sao thay vì 3, 4 và 5 sao như trước đây, tạo quyền chủ động hơn cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương.

Gồm 4 điều, từ Điều 54 đến Điều 57, Luật quy định các loại dịch vụ du lịch khác ngoài dịch vụ du lịch cơ bản (đã được quy định tại các mục trên). Đây là những loại dịch vụ giữ vai trò quan trọng trong việc tăng độ hấp dẫn của sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. So với Luật năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 đã bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết hơn để phát triển những dịch vụ này.
Anh Thảo

Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.129.003
Đang truy cập 9.362