Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Đào tạo nhân lực quản trị du lịch cấp cao
Ngày cập nhật 17/11/2017

Càng ngày những nhà nghiên cứu về quản trị càng nhận ra rằng, điều cốt lõi làm cho các doanh nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào có thể hoạt động và đứng vững, không phải là nguồn tài chính, mà lại là nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực lúc này mới chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu và những chiến lược của mình. Ngành Du lịch với những dịch vụ phục vụ con người cũng không nằm ngoài quy luật này. Nguồn nhân lực có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời với việc bảo đảm chất lượng của dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ hội nhập đối với đội ngũ quản trị cấp cao ở các doanh nghiệp và ở các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Việc tổ chức đào tạo nhân lực du lịch cấp cao thật sự là một thách thức đối với các cơ sở đào tạo trong nước

Nhu cầu nhân lực du lịch và nhân lực quản trị cấp cao

Nhu cầu nhân lực của ngành tùy thuộc vào tốc độ phát triển của ngành. Vì vậy dự báo nhu cầu nhân lực nhất thiết phải dựa vào dự báo phát triển ngành. Ngành Du lịch thế giới và Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng ổn định nên nhu cầu về nhân lực cũng không có quá nhiều biến động.

Riêng đối với Việt Nam, ngành Du lịch cũng là một ngành được xem là ngành kinh tế mũi nhọn từ nhiều năm nay, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/ năm và tỷ lệ tăng doanh thu từ 2000 đến 2013 là 25% (skift.com). Với mức độ đóng góp cho ngành kinh tế và tốc độ tăng trưởng tương đối đều đặn, ngành Du lịch là ngành có nhu cầu về nhân lực khá cao.

Dự kiến cho đến năm 2020, nhu cầu nhân lực còn tiếp tục gia tăng để đáp ứng cho sự tăng trưởng của ngành. Con số được đưa ra là 2.2 – 3 triệu lao động. Trong đó, lao động quản lý hay lao động cấp cao có tốc độ tăng trưởng theo dự báo nhanh nhất, có nghĩa yêu cầu về đào tạo cũng cần được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, thời gian qua gần như việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cấp cao còn chưa được quan tâm đúng mức trong khi đây là một lực lượng cần thiết để quản lý và xác định những chiến lược, chính sách phát triển của ngành nói chung và của doanh nghiệp nói riêng.

Trước thay đổi của thị trường lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương đều chỉ chú trọng đào tạo nhân lực cấp thao tác trực tiếp. Do đó, khi hội nhập vào khối ASEAN, lao động cấp cao Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với lao động cấp cao của các quốc gia trong
khu vực.

Đào tạo nhân lực du lịch cấp cao

Việc tổ chức đào tạo nhân lực du lịch cấp cao thật sự là một thách thức đối với các cơ sở đào tạo trong nước. Bởi vì phần lớn trong số họ đã qua những chương trình đào tạo dài hạn từ đại học đến sau đại học. Họ có khả năng nhất định trong việc tự học hỏi để bổ sung kiến thức, đồng thời họ cũng có những trải nghiệm thực tế nhất định. Do đó, việc tổ chức đào tạo với các phương pháp giảng dạy truyền thống chắc chắn là không phù hợp với đối tượng này. Tạo cho các nhà quản trị du lịch cấp cao có cơ hội giao lưu, trao đổi với các chuyên gia và học hỏi lẫn nhau với các phương pháp như giải quyết vấn đề, phân tích tình huống mô phỏng, quan sát thực địa… sẽ hiệu quả hơn là thuyết giảng rất nhiều.

Mặt khác, các phương pháp này cũng cho phép giảm áp lực cho người phụ trách giảng dạy vì chỉ đóng vai trò kết nối các thành viên của khóa học, hỗ trợ định hướng chủ đề… mà thôi.

Tại các nước phát triển, loại hình đào tạo tại doanh nghiệp (on-the-job-training) rất được chú trọng. Các tập đoàn thành lập trường đại học riêng để có thể triển khai những chương trình đào tạo đặc thù.

Chẳng hạn như tập đoàn chuyên kinh doanh Hamburger nổi tiếng khắp thế giới McDonald’s có trường đại học mang tên Hamburger chuyên đào tạo quản lý cấp cao. Trường đã có quá trình phát triển 55 năm và hiện đang áp dụng phương pháp tạo tình huống giả như thật để người học tham gia giải quyết tình huống. Hơn 40% quản lý cấp cao của McDonald’s đã tốt nghiệp từ trường đại học này.

Một phương pháp đào tạo khác cũng tỏ ra rất hiệu quả là người học sẽ học ngay tại doanh nghiệp mình đang làm việc. Họ có thể được giao giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải hoặc nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển doanh nghiệp với sự hướng dẫn của chuyên gia. Phương pháp này chính là phương pháp xử lý tình huống thật và có ưu điểm là không phải đầu tư cơ sở vật chất tốn kém.

Hiện VinGroup – một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản và du lịch – đang phối hợp cùng công ty Đào tạo, Tư vấn và Phát triển (BEST) triển khai chương trình đào tạo cho quản lý cấp cao của tập đoàn. Vậy để đào tạo quản lý cấp cao cho ngành Du lịch, thiết nghĩ, cũng nên tính đến phương án có một trường riêng của ngành để có điều kiện triển khai những chương trình đặc thù của ngành Du lịch trong tương lai. Riêng TP.HCM có thể triển khai ngay các chương trình này ở các trường nghiệp vụ hiện có như Trường Nghiệp vụ Du lịch của Saigontourist chẳng hạn.

Vốn xã hội cũng là một yếu tố làm tăng năng lực của quản lý cấp cao. Việc tham gia một khóa đào tạo quản lý cấp cao là cơ hội để nhà quản lý cấp cao tăng vốn xã hội thông qua mối quan hệ với các nhà quản lý cấp cao khác cùng tham gia khóa học. Vì vậy, bản thân việc tổ chức chiêu sinh cho các khóa đào tạo quản lý cấp cao này cũng là một phương pháp đào tạo. Trường Kinh doanh Havard thường mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho quản lý cấp cao với tiêu chuẩn người học là CEO của những công ty đạt quy mô nhất định do khóa học đề ra. Những người tham gia các khóa học này thường kỳ vọng rất ít vào giảng viên mà kỳ vọng nhiều vào việc học hỏi ở những người đồng môn của mình.

Như vậy, việc đào tạo cho từng loại hình lao động phải được tổ chức khác nhau, phù hợp với từng mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước và sự thay đổi của bản thân ngành kinh tế. Đối với nguồn nhân lực cấp cao việc đào tạo nên theo phương pháp và cách làm của thế giới. Còn nội dung chương trình thì phải sát với điều kiện riêng của đất nước có tính đến yêu cầu hội nhập vào nền kinh tế của khu vực. Ngoài việc cập nhật kiến thức quản trị hiện đại, các kỹ năng lãnh đạo trong đó chú trọng kỹ năng truyền đạt thông tin đến cấp dưới thì chương trình đào tạo cũng nên đề cập đến đạo đức và trách nhiệm của nhà quản lý đối với xã hội, với cộng đồng.

TS. Võ Sáng Xuân Lan
Nguyên Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Lang
 

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 1.021