Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Giải quyết thách thức của ngành du lịch thế nào?
Ngày cập nhật 01/01/2018

Cuộc đối thoại giữa giới doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành do Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính tổ chức mới đây tại TPHCM đã thực sự “nóng” khi “đặt lên bàn cân” các thách thức của ngành du lịch, đặc biệt là chính sách thị thực cho du khách quốc tế và hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.

Nếu trong năm 2016, Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế thì mới hết 11 tháng đầu năm 2017, con số này đã là 11,6 triệu lượt, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Theo Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngành du lịch được giao mục tiêu sẽ trở thành mũi nhọn kinh tế với một số định hướng đến năm 2020 như: Đạt mốc từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu 35 tỷ USD và đóng góp 10% GDP cho nền kinh tế.

Cần đầu tư thích đáng cho hoạt động quảng bá

Dù rất hào hứng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch những năm qua nhưng ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch tỏ ra khá lo lắng với các mục tiêu trên. Lý do là để đạt được các mục tiêu ấy thì ngành du lịch phải tăng trưởng có chất lượng, tức là có thể thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao chứ không chỉ tìm cách gia tăng lượng du khách quốc tế.

Vì vậy, theo ông Chính, cần đầu tư thích đáng cho chính sách quảng bá du lịch và quan tâm hơn đến cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ-quảng bá du lịch Việt Nam. Còn như hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho quảng bá du lịch chỉ mới 2 triệu USD/năm (ở các nước Đông Nam Á khác, nguồn kinh phí này dao động từ 50-100 triệu USD/năm) mà còn đầu tư dàn trải, chưa đi sâu vào các thị trường trọng tâm thì rất khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động gây quỹ xúc tiến quảng bá du lịch cũng chưa được các quy định tài chính ủng hộ. Phần đóng góp của doanh nghiệp (DN) cho Quỹ Hỗ trợ xúc tiến du lịch do Hội đồng Tư vấn du lịch kêu gọi hiện không được xem là chi phí hợp lý hợp lệ để khấu trừ thuế.

Trực tiếp đối thoại với DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương thừa nhận đúng là kinh phí cho tuyên truyền xúc tiến du lịch vẫn còn hạn hẹp. Việt Nam có 7 nhóm thị trường lớn nhưng mỗi nhóm chỉ vài ba nước, nên số lượng quốc gia cần tổ chức quảng bá tại chỗ khá nhiều. Kinh phí bị chia nhỏ nên hoạt động xúc tiến bị manh mún, dàn trải.

Tận dụng chính sách hiện có về thị thực

Một nội dung khác cũng là vấn đề được giới DN và các đại diện bộ, ngành tranh luận thẳng thắn là chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam liệu có quá “hẹp” khi chỉ mới có công dân từ 23 nước được miễn thủ tục này.

Từ phía Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng nếu chỉ đơn thuần nói Việt Nam chưa đủ “cởi mở” như các nước trong khu vực về miễn thị thực là chưa thực sự đầy đủ về phương diện ngoại giao.

Cụ thể, vấn đề miễn thị thực phải “có đi có lại” trong quan hệ song phương. Singapore miễn thị thực cho công dân 153 nước nhưng ngược lại công dân Singapore cũng được miễn visa tại 173 nước. Philippines cũng là trường hợp tương tự. “Trong khi đó, Việt Nam đã miễn thị thực cho 23 nước, nhưng chỉ 10 nước là quan hệ miễn thị thực song phương, 13 nước còn lại là do Việt Nam đơn phương cởi mở. Công dân Việt Nam đến các quốc gia này thậm chí còn bị siết chặt visa", đại diện Cục Xuất nhập cảnh giải thích thêm về những phức tạp trong đàm phán miễn thị thực.

Cùng quan điểm này, bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cũng cho biết miễn thị thực không chỉ là giải pháp để góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” mà còn là một trong những công cụ đối ngoại. Việc miễn thị thực sẽ được cân nhắc phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội và chính sách đối ngoại từng thời kỳ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo lập luận của đại diện ngành ngoại giao thì chỉ riêng lượng du khách từ 13 nước mà Việt Nam miễn thị thực đã chiếm 80-90% thị trường du lịch tiềm năng. Do đó, điểm mấu chốt hiện nay không phải là mở rộng diện miễn thị thực mà phải tận dụng chính sách hiện có để phát triển năng lực cạnh tranh du lịch của kinh tế Việt Nam.

Dẫn thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Lan cho biết yếu tố thị thực chỉ là một trong 90 yếu tố đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch của một quốc gia. Bởi vậy, Nhật Bản dù xếp thứ 112/136 về cạnh tranh thị thực nhưng năng lực cạnh tranh chung của ngành du lịch nước này vẫn xếp thứ 4 trên bảng tổng sắp.

Từ phía Hội đồng Tư vấn du lịch, ông Trần Trọng Kiên đồng thời là thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng cái gì cũng có ngoại lệ. Trong khi còn nhiều khó khăn về hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch thì chính sách miễn thị thực là yếu tố đột phá rất quan trọng để tạo nên lợi thế so sánh của Việt Nam. Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ từ đại diện Tổng cục Du lịch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhận định “đúng là có vấn đề đối đẳng trong quan hệ ngoại giao nhưng mở cửa cho các thị trường du lịch lớn cũng quan trọng”.

Hiện tại, Việt Nam tuy mới miễn thị thực cho công dân 23 nước nhưng là một trong 30 nước trên thế giới đã áp dụng chính sách cấp thị thực điện tử. Hơn nữa, Việt Nam còn là nước có chính sách thị thực điện tử đơn giản và thuận lợi nhất khi khách chỉ mất 3 ngày từ lúc gửi hồ sơ đến lúc nhận kết quả. Dù mới thí điểm từ đầu tháng 2 đến nay nhưng đã có hơn 96.000 trường hợp du khách quốc tế được cấp thị thực điện tử và số lượng người nước ngoài xin cấp thị thực điện tử đang tăng theo cấp số nhân.

Phương Hiền

Theo: baochinhphu.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.174.853
Đang truy cập 4.362