Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Không để lãng phí tài nguyên du lịch
Ngày cập nhật 31/10/2018

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Huế là điểm đến hội tụ đầy đủ tài nguyên về du lịch. Nếu khai thác tốt, đây sẽ là điểm đến toàn diện.

Phá Tam Giang chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng
 
Nhiều tài nguyên nhưng khai thác chưa tới
 
Tại Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, tài nguyên du lịch của Huế vô cùng phong phú, cả tài nguyên văn hóa và thiên nhiên mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được. Tài nguyên lớn nhất và cũng tạo ra sức hút cho Huế đó là di sản vật thể và phi vật thể; lễ hội phong phú, ẩm thực đa dạng; cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, có sông Hương, núi Ngự, biển Lăng Cô, Thuận An, núi Bạch Mã... Còn ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch tỉnh cho rằng, tài nguyên du lịch Huế có chiều sâu và hỗ trợ cho nhau hoàn hảo. Với những tài nguyên này, nếu khai thác tốt tạo cho du lịch Huế nổi bật và toàn diện.
 
Thế nhưng, theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, lợi thế về tài nguyên, nhưng khả năng khai thác và biến những tài nguyên đó thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của Huế chưa cao. Đơn cử như tài nguyên du lịch biển, Huế có những bãi biển đẹp, nhưng du lịch biển của Huế chưa thể lọt vào những điểm đáng đến trong mỗi dịp hè; hay Bạch Mã, được mệnh danh là Đà Lạt của xứ Huế, nhưng ở đây chưa được khai thác nhiều.
 
Trong chuyến khảo sát của nhóm lữ hành G7 tại Huế, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Vietmark (TP. Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn chia sẻ, lâu lắm rồi mới quay lại Huế và lần này đến phá Tam Giang, ông đã bị “mê hoặc” bởi cảnh sắc nơi đây. Tiếc là việc khai thác tại phá Tam Giang chưa được nhiều. Ngay cả điểm du lịch Epark Tam Giang Lagoon (Quảng Lợi, Quảng Điền) cũng chỉ dừng lại ở check in, ngắm cảnh, chụp hình và ăn uống. Nếu có thêm dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trên phá thì phá Tam Giang sẽ hút khách.
 
Văn hóa - di sản, tài nguyên được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam mà Huế đang sở hữu. Việc khai thác một số tài nguyên ở lĩnh vực này vẫn chưa tới, đơn cử như nhà vườn Huế, từng được đẩy mạnh và trên thực tế khách rất thích, nhưng đến nay, sản phẩm này gần như không còn được khách chọn. Sự phối hợp và quyền lợi trong việc khai thác chưa được hợp lý được cho là nguyên nhân.
 
Khai thác tốt hơn
 
Phát biểu tại Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế 2018, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tái khẳng định, định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng Huế theo hướng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiên với môi trường”.
 
Gần đây, tôi có dịp lên đồi Vọng Cảnh. Đứng ở điểm thuận lợi nhất để nhìn sông Hương, thấy người nhẹ nhõm, vô ưu. Đồi Vọng Cảnh đẹp và gần như chưa khai thác dịch vụ du lịch. Nhớ lại cuộc trao đổi với doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, bà chia sẻ, ở đồi Vọng Cảnh nếu khai thác du lịch rầm rộ thì không phù hợp. Ở đây cần những sản phẩm thật sang và độc đáo.
 
Mới đây, Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Nhiều ý kiến tán thành và cũng không ít ý kiến phản đối khai thác, cho rằng làm cáp treo để lên núi không khả thi. Nhưng nếu mở đường rộng thì càng ảnh hưởng hơn môi trường hơn vì phải xẻ núi. “Dân” tài xế từng đưa khách lên Bạch Mã chia sẻ, khi đưa khách lên mà gặp mưa, sương mù, đường nhỏ, bên núi bên vực, đó là cảm giác bất an vô cùng. Khai thác Bạch Mã là điều sẽ làm, tuy nhiên, cần mô hình phù hợp như du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, ít tác động đến thiên nhiên mới bền vững.
 
Anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng cho biết, mở rộng quy mô cho điểm du lịch Epark Tam Giang Lagoon là điều trong kế hoạch, nhưng phải có lộ trình, tích hợp từ đầu tư, đến marketing. Trước tiên là đóng các mẫu thuyền đúng chuẩn, các nhà hàng đúng chuẩn, đầu tư homestay đúng chuẩn và sau đó là các bungalow (kiểu nhà một tầng, diện tích nhỏ và tiện nghi) đẳng cấp.
 
Theo lãnh đạo ngành du lịch, dù biết việc khai thác một số tài nguyên du lịch chưa đến nơi, nhưng điều tích cực là những tài nguyên này chưa bị phá vỡ. Chính vì vậy việc đánh giá, xác nhận tiềm năng của từng tài nguyên để có kế hoạch khai thác hợp lý, mặt khác có kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo tài nguyên là việc làm hết sức cần thiết.
 
Bài, ảnh: Đức Quang
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.968.005
Đang truy cập 2.173