Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Muốn lâu dài, phải đảm bảo lợi ích
Ngày cập nhật 13/11/2018

Lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ không phù hợp khiến các điểm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, hoạt động rất khó khăn.

Người dân Thủy Thanh tổ chức hội bài chòi trong các dịp festival
 
Chỉ có doanh nghiệp lợi
 
Cầu ngói Thanh Toàn (Thủy Thanh, Hương Thủy) là điểm du lịch cộng đồng thu hút khách nhất ở Huế hiện nay. Một cán bộ quản lý ở đây bộc bạch, khách du lịch về rất đông, nhưng nguồn thu rất thấp, không bù được chi phí cho nhân viên, tiền điện, tiền nước... Nguyên nhân là khi khách về chỉ tham quan cầu ngói, đi bộ ngắm cảnh, chứ không mua vé vào nhà nông cụ để tham quan và trải nghiệm các hoạt động. Trong khi đó, với cầu ngói Thanh Toàn, nguồn thu duy nhất để duy trì hoạt động chính là từ việc bán vé (20 nghìn đồng/vé).
 
Cũng câu chuyện về lợi ích, nhà vườn Phú Mộng (Kim Long, TP. Huế) được quy hoạch, hạ tầng giao thông với hệ thống đường lát gạch vào tận các ngôi nhà vườn. Nhà vườn từng là sản phẩm du lịch hấp dẫn, được kỳ vọng rất lớn bởi các tour rất được du khách lựa chọn. Nhưng đến nay, hầu hết các nhà vườn ở đây không còn hoạt động nữa. Lý do là ban đầu người dân có nguồn thu, dần dà, các lữ hành tự phá vỡ sự hợp tác đó, khi đưa khách đến không trả công phục vụ cho người dân. Tốn công, tốn của và tốn thời gian đón tiếp, nhưng không được lợi gì, vậy là người dân và một số chủ đầu tư đóng cửa không đón khách.
 
Đó là hai minh chứng để thấy khi lợi ích không đảm bảo, tính lâu dài sẽ không có. Điều này vô hình trung khiến du lịch Huế mất dần những sản phẩm hấp dẫn. Sở Du lịch phân tích, trong dây chuyền vận hành của du lịch, doanh nghiệp lữ hành sẽ tìm kiếm nguồn khách và đưa khách về Huế bằng những tour, tuyến. Trong tour sẽ là những sản phẩm tự lữ hành đầu tư để khai thác hoặc là những sản phẩm do các nhà đầu khác xây dựng. Như các tour du lịch cộng đồng, lữ hành đưa khách về, người dân địa phương sẽ cung cấp các dịch vụ. Để có sự hợp tác giữa hai bên lâu dài, lữ hành đưa khách về và trả chi phí cho người dân là điều bắt buộc.
 
Riêng với cầu ngói Thanh Toàn, phần lớn sự đầu tư là của Nhà nước và từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ, nhằm tạo sinh kế cho người dân. Cầu ngói là một sản phẩm du lịch, lữ hành đã không bỏ tiền đầu tư, khi đưa khách về, lại không có sự chia sẻ lợi ích, chỉ biết làm lợi cho doanh nghiệp.
 
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, người dân, chủ đầu tư đã tốn kinh phí đầu tư xây dựng sản phẩm để lữ hành khai thác thì lữ hành phải có trách nhiệm. Du lịch nhà vườn “tan nát” cũng vì bài toán lợi ích không rõ ràng giữa lữ hành và người dân. Sự “thất bại” này chủ yếu là do ý thức làm du lịch của lữ hành, mang tính “ăn xổi” chứ không tính đến việc đảm bảo lợi ích để làm ăn lâu dài. Hiện ở Huế có một nhóm lữ hành chỉ nghĩ về mình mà không nghĩ cho người khác.
 
Chỉ khi lợi ích đảm bảo, du lịch cộng đồng mới lâu dài
 
Quy chế phối hợp
 
Ông Hồ Xuân Đài, một chủ nhà vườn ở Thủy Biều (TP. Huế) được nhiều du khách đến tham quan chia sẻ, thời gian trước, nhà vườn ông cũng gặp những trường hợp tương tự như ở Kim Long. Sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, các điểm du lịch nhà vườn đóng cửa nên nhà ông được lựa chọn nhiều hơn. Cùng với việc thay đổi cách làm, thêm một vài dịch vụ nữa, gia đình ông mới “sống được” với du lịch. Ông Đài cũng chia sẻ, thỉnh thoảng cũng có vài hướng dẫn viên cố tình “làm giá”, hoặc đặt vấn đề tăng giá dịch vụ với khách để ăn phần trăm.
 
Khó khăn của những điểm du lịch cộng đồng là không có năng lực để đưa khách về, nên phụ thuộc hoàn toàn vào lữ hành. Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh nhìn nhận, về lâu dài, cần có một quy chế phối hợp, hay ràng buộc nào đó. Người làm du lịch ở Thanh Toàn rất mong muốn khắc phục những khó khăn để nâng cao được hiệu quả hoạt động. Cơ quan quản lý về du lịch tổ chức những diễn đàn để các đơn vị phục vụ du lịch như Thanh Toàn và các lữ hành phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp phù hợp.
 
Ông Lê Hữu Minh khẳng định, trong hoạt động kinh doanh du lịch, nếu không tuân thủ nguyên tắc “win – win”, tức là hai bên cùng có lợi thì không bền vững. Để khắc phục, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp cho các mô hình du lịch cộng đồng, hướng đến đảm bảo lợi ích của người dân. Đây cũng là giải pháp để nâng cao du lịch có trách nhiệm tại Huế. Cũng theo ông Lê Hữu Minh, Hội Lữ hành cũng cần tổ chức những các buổi gặp gỡ, nâng cao tính trách nhiệm của các thành viên. Đồng thời, tăng cường tổ chức tọa đàm, gặp gỡ để lắng nghe và tìm cách gỡ khó, hướng đến tính hiệu quả của du lịch Huế nói chung.
 
Bài, ảnh: Đức Quang
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 65.181