Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Huế
Ngày cập nhật 04/05/2019

Ngành du lịch đang tích cực hợp tác với nhiều “đối tác” trên thế giới để hỗ trợ đào tạo, nâng cao chuyên môn cho nhân lực du lịch ở Huế.

Kỹ năng mềm luôn là điểm yếu của sinh viên ngành du lịch
 
Thấy được điểm yếu
 
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch đánh giá, Huế đang có khoảng 70 ngàn lao động trong ngành du lịch; trong đó, khoảng 21 ngàn lao động trực tiếp. So với nhiều địa phương khác, chất lượng lao động trong ngành tương đối đảm bảo, nhưng với lao động chuyên môn cao, những người quản lý thì Huế đang còn rất thiếu và yếu, nhất là ở những vị trí như giám đốc điều hành các khách sạn và lữ hành.
 
Riêng với chất lượng chuyên môn của cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cũng được đánh giá còn thiếu và yếu, đặc biệt là những người có khả năng nghiên cứu sâu; từ đó, định hướng phát triển cho du lịch Huế. Ngoại ngữ cũng được cho là yếu điểm của lao động trong ngành du lịch nói chung và cán bộ quản lý Nhà nước nói riêng.
 
Năm 2018, đoàn gồm các cán bộ trong ngành du lịch đã được sang TP. Kyoto, Nhật Bản để học hỏi, nghiên cứu các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả ở đất nước mặt trời mọc. Sau chuyến đi này, nhiều ý tưởng và cách làm thiết thực đã được áp dụng ở làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn. Cách nhìn nhận về du lịch cộng đồng cũng thay đổi rất nhiều.
 
Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch (thành viên đoàn sang Nhật) chia sẻ, từ mô hình của nước bạn để thấy ở Huế cần có nhiều thay đổi. Khi hình thành một mô hình nào đó, công tác quy hoạch ban đầu được xem là yếu tố then chốt để phát triển. Trong các mô hình, người dân bằng việc trình diễn và bán các sản phẩm làng nghề, nên sống rất “tốt” với  du lịch. Đây là những yếu tố mà Huế sẽ phải học hỏi và áp dụng trong thời gian đến.
 
Chị Harưka, tình nguyện viên tổ chức JICA tại Huế chia sẻ, chị vừa mới thực hiện một nghiên cứu về tính chuyên nghiệp của lao động trong ngành du lịch Huế. Điều rất bất ngờ là khi chị đến 9 doanh nghiệp lữ hành và lưu trú trên địa bàn TP. Huế thì chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp nở nụ cười và chào hỏi, còn lại 8 doanh nghiệp kia cứ để chị vào như “chốn không người”. “Nếu lao động trong ngành du lịch mà không niềm nở, không có suy nghĩ sẵn sàng phục vụ khách thì rất khó đạt được hiệu quả”, chị Harưka nói.
 
Anh Phạm Bá Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng cao đẳng Du lịch Huế cho biết, lâu nay, kỹ năng mềm từng là hạn chế rất lớn của sinh viên khi ra trường. Nhiều em sinh viên rất giỏi chuyên môn, nhưng lại rụt rè, thường rất ngại trước đám đông nên hiệu quả công việc dù có, nhưng lại bị đánh giá không cao. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ đào tạo của tình nguyện viên của tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới tại Canada (WUSC) các sinh viên đã tự tin hơn, tự tổ chức các hoạt động, hoặc những trò chơi. Điều này giúp các em ghi điểm đối với các doanh nghiệp.
 
Đưa vào chương trình giảng dạy
 
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, những nghiên cứu của các chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế là cơ sở để ngành du lịch đánh giá, có những kế hoạch cụ thể hơn trong việc nâng cao chất lượng của lao động trong ngành du lịch. Đặc biệt, những yếu tố về tính thân thiện, chuyên nghiệp sẽ được nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nhiều hơn, tăng tần suất trong thời gian đến. Với ngành du lịch, không chỉ có chuyên môn mà luôn cần có nụ cười thân thiện, tạo cảm giác gần gũi, thoải mái cho du khách.
 
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho hay, du lịch dịch vụ là lĩnh vực kinh tế có tính đa ngành và phát triển nhanh chóng với xu thế hội nhập cao. Hiện đã và đang xảy ra tình trạng cơ sở đào tạo không thể nắm bắt kịp những đòi hỏi, yêu cầu của doanh nghiệp về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng ngành nghề phù hợp với nhu cầu. Mặt khác, doanh nghiệp thường tập trung mục tiêu lợi nhuận, cạnh tranh nên ít quan tâm đến vấn đề xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí đào tạo hàng năm hoặc có quan tâm nhưng chưa thoả đáng. Do đó, để tăng hiệu quả đào tạo cần có những thí điểm, đồng thời sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải chặt chẽ hơn nữa và có những thống nhất cụ thể.
 
Ông Vũ Hoài Phương cho biết thêm, mới đây Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới đã đưa ra nhận định về những thách thức mà các cơ sở đào tạo du lịch phải giải quyết là môi trường phục vụ du lịch đa sắc tộc, đa văn hóa nhưng chất lượng dịch vụ đòi hỏi đồng nhất; chất lượng đào tạo thường mang tính quốc gia trong lúc chất lượng dịch vụ du lịch lại mang tính quốc tế và yêu cầu ngày càng cao; nguồn lực của các cơ sở đào tạo du lịch có hạn trong lúc yêu cầu về những dịch vụ mới trong ngành du lịch lại tăng nhanh.
 
Theo ông Phương, để giải quyết các thách thức nêu trên, vấn đề tăng cường hợp tác được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Sự hợp tác là điều gần như bắt buộc trong xu thế hội nhập.
Năm 2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020. Theo đó, vào năm 2020, nguồn nhân lực toàn tỉnh sẽ tăng thêm khoảng 36 ngàn người, nâng tổng lao động lên khoảng 100 ngàn người; trong đó, khoảng 30 lao động trực tiếp và 70 lao động gián tiếp.
 
Bài, ảnh: Đức Quang
 
Theo: baothuathienhue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.999.581
Đang truy cập 5.190