Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Trong tháng 11/2019, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn thí điểm xây dựng đô thị thông minh
Ngày cập nhật 12/11/2019

Bộ TT&TT trong tháng 11/2019 sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm đô thị thông minh và khuyến nghị mô hình mẫu giai đoạn thí điểm với quy mô phù hợp, trong đó 3 điểm quan trọng bao gồm: quản lý điều hành tập trung, hạ tầng tập trung, cơ sở dữ liệu tập trung.

Thông tin nêu trên vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV mới đây.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT sẽ khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương mình và dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết đó (Ảnh minh họa: TK)
 
Trước lo ngại của một số đại biểu Quốc hội về việc các địa phương đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh có thể gây ra tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí ngân sách, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn đầu sẽ làm thí điểm trong một quy mô giới hạn và có thời hạn khoảng 1 năm, sau đó tổ chức đánh giá.
 
Trong tháng 11/2019 này, Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về thí điểm xây dựng đô thị thông minh, đồng thời sẽ trực tiếp làm việc tại một số thành phố để làm mẫu. Và dự kiến đến giữa năm 2020, chúng ta sẽ có thể phát triển được trên diện rộng hơn.
 
Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, 3 điểm quan trọng sẽ được đề cập đến trong văn bản của Bộ TT&TT hướng dẫn việc triển khai thí điểm xây dựng đô thị thông minh là quản lý, điều hành tập trung; hạ tầng tập trung; và cơ sở dữ liệu tập trung.
 
Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng sẽ khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh cần tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương mình và dùng công nghệ để xử lý những vấn đề cấp thiết đó. Ví dụ, nếu có vấn đề tụ tập đông người vào ban đêm thì địa phương có thể dùng hệ thống camera.
 
Hay một số thành phố du lịch, muốn sạch sẽ thành phố như Huế thì có thể triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường. Người dân có thể chụp ảnh những vấn đề bất cập ở hiện trường gửi về Trung tâm điều hành và Ủy ban nhân dân sẽ điều các quyền cơ quan xử lý hoặc những tỉnh có vấn đề ô nhiễm môi trường thì mình triển khai các sensor đo đạc.
 
Bộ TT&TT cũng dự định sẽ chọn một số tỉnh để làm mẫu về mô hình đô thị thông minh, tăng cường nguồn lực làm điểm tại 1 - 2 tỉnh để có kết quả tốt, từ đó nhân rộng ra. “Vừa qua, đã tổ chức cho các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở của hầu hết các tỉnh về Huế tham quan một mô hình đã triển khai tương đối có hiệu quả”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
 
Liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, trong trao đổi tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” diễn ra hồi đầu tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ Xây dựng đều thống nhất rằng, xây dựng đô thị thông minh là nhu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.
 
Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và  triển khai các đề án, dự án về phát triển đô thị thông minh. Nhưng theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
 
Cũng tại hội thảo này, đại diện Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào. Các địa phương cũng cần quán triệt nguyên tắc đầu tư, xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
 
Đồng thời, các địa phương nên căn cứ vào điều kiện và yêu cầu cụ thể của địa phương mình để lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần ưu tiên triển khai khi xây dựng đô thị thông minh, tránh rập khuôn. Ví dụ như có địa phương thì ứng dụng đô thị thông minh cho văn hóa du lịch, có địa phương thì ứng dụng vào giao thông…
 
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 950 ngày 1/8/2018. Mục tiêu của Đề án là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
 
Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định khá đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đặc biệt là phân công các bộ, ngành xây dựng các văn bản pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như xác định nội hàm triển khai đô thị thông minh mà các địa phương cần quan tâm, triển khai.
 
M.T
Theo: ictnews.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.955.874
Đang truy cập 31.969