Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chuẩn bị mở cửa đón du khách: Cần “hồi sức” cho doanh nghiệp
Ngày cập nhật 17/06/2021

Ngành du lịch đang có tín hiệu đáng mừng đó là gần đây, nhiều đối tác nước ngoài đang kết nối lại với các doanh nghiệp lữ hành Việt tìm hiểu thị trường du lịch, điểm đến Việt Nam an toàn sau khi Chính phủ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân. 

Tuy nhiên, để đưa hoạt động du lịch trở lại cần phải có lộ trình và bước đi thận trọng, cũng như có các giải pháp cấp bách “hồi sức” cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group - cho biết, sau khi chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai tại Việt Nam, các đối tác ở một số quốc gia như Anh, Đức, Bắc Mỹ đã hoãn, hủy tour trước đó, cũng như khách mới muốn khám phá Việt Nam đã chủ động kết nối trở lại để tìm hiểu thông tin về tình hình tiêm vắc xin, thị trường du lịch Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát. Các công ty du lịch ở Anh thông tin khách hàng của họ sẽ lập tức đến Việt Nam sau khi mở cửa trở lại. Ngoài ra, các đối tác Đức cũng chia sẻ, Việt Nam là một trong những điểm đến châu Á yêu thích hàng đầu đối với thị trường này.
 
Giám đốc sản phẩm Công ty TNHH Du lịch Mai Việt - ông Dương Xuân Tráng - cũng cho hay, sau khi khu vực châu Âu đã tiến hành tiêm vắc xin đại trà để tạo miễn dịch cộng đồng thì đối tác bên Pháp đã liên lạc thường xuyên để hỏi về thời gian mở cửa đón khách của Việt Nam. Qua thông tin báo chí thì khách quốc tế đánh giá rất cao về việc phòng, chống dịch và kiểm soát dịch của Việt Nam. Đồng thời đều bày tỏ hiện khách quốc tế đang có nhu cầu khám phá văn hóa, ẩm thực, con người và cảnh quan, môi trường, biển đảo, khách có nhu cầu đi du lịch chậm, ít tiếp xúc, đi theo nhóm nhỏ, ở lâu một điểm để khám phá, quan tâm đến du lịch chăm sóc sức khỏe.
 
 
Mở cửa đón khách quốc tế đang được tính toán thận trọng nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế
 
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, để đưa hoạt động du lịch trở lại cần phải có lộ trình, có những giải pháp, bước đi thận trọng. Mấu chốt nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn. Ông Phạm Hà - nhấn mạnh, yếu tố an toàn vẫn đặt lên hàng đầu, vì vậy du khách nước ngoài rất trông chờ vào kết quả tiêm chủng vắc xin và lộ trình mở cửa đón khách an toàn của Việt Nam cũng như những quy định đảm bảo an toàn cho người dân, du khách. Còn ông Dương Xuân Tráng - cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành ở Việt Nam, do đó, để thực hiện mở cửa đón khách du lịch quốc tế phải dựa trên cơ sở đã tiêm vắc xin Covid-19 cho toàn dân. “Khi tình hình dịch được kiểm soát tốt thì có thể áp dụng hộ chiếu vắc xin với khách du lịch đã tiêm đầy đủ vắc xin, tạo ra các hành lang du lịch xanh, du lịch an toàn cho khách du lịch quốc tế đến các điểm tham quan hay nghỉ dưỡng” - ông Tráng nói.
 
Ngày 11/6, Bộ Chính trị đã Kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Chính trị chỉ đạo “Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Theo các chuyên gia, đây thực sự là một chủ trương, một định hướng quan trọng giúp ngành du lịch khắc phục hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, thực hiện mục tiêu kép và nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam, không để bị chậm chân so với các nước trong khu vực.
 
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) - bày tỏ, cộng đồng du lịch đã chờ đợi chủ trương này từ lâu lắm rồi. Tuy vậy, việc mở lại thị trường nào, sản phẩm ra sao cần phải tính toán kỹ. Làm sao để đón được những khách tới từ những thị trường an toàn, khách đã được tiêm phòng Covid-19, đã có xét nghiệm RT-PCR âm tính, khách lưu trú càng lâu, chi tiêu nhiều, ít di chuyển càng tốt… Ngược lại, từ phía điểm đến được thí điểm đón khách cần đảm bảo 100% nhân viên ngành du lịch, 70-90% dân cư được tiêm phòng Covid-19; đồng thời có đầy đủ cơ sở vật chất để đón khách, có các sản phẩm đủ hấp dẫn, phù hợp với xu hướng mới, có sân bay quốc tế, bệnh viện quốc tế… để đảm bảo an toàn, tạo tâm lý an tâm cho khách đến.
 
Trước mắt, đại diện TAB – ý kiến, ngành du lịch cần làm việc với các địa phương và Bộ, ngành liên quan để xây dựng một kế hoạch bài bản về việc mở cửa trở lại thị trường quốc tế. Trong đó chỉ rõ nên thí điểm ở những điểm đến nào, sản phẩm gì, thị trường nào, marketing ra sao, kiểm soát khủng hoảng thế nào nếu sự cố xảy ra hoặc bùng phát dịch bệnh… Kế hoạch này cần chuẩn bị càng sớm càng tốt, phổ biến sớm cho các doanh nghiệp du lịch, những người trực tiếp đón khách để triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.
 
Về phía các doanh nghiệp lữ hành, hầu hết đều cho rằng, để đón được khách quốc tế ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt thì ngay từ bây giờ cần có một “nhạc trưởng” để chỉ huy, kết nối toàn ngành; cần phải có lộ trình rõ ràng trong việc xây dựng sản phẩm mới; phải làm maketing, xây dựng, xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin cụ thể, đầy đủ về thị trường du lịch Việt Nam hay những dịch vụ, quy định của điểm đến an toàn cho khách; có thông tin rõ ràng về lộ trình mở cửa, đón khách đối với các quốc gia, khu vực theo từng thời điểm khác nhau và các nội dung đảm bảo an toàn cho khách.
 
Bên cạnh đó, do trải qua liên tiếp các đợt dịch Covid-19 bùng phát, nên hiện hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã sức cùng lực kiệt, nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự tối đa để duy trì bộ máy. Song trên thực tế, việc dồn lực chuyển đổi mô hình kinh doanh của một số doanh nghiệp thực chất cũng chỉ là giải pháp tình thế. Theo dự báo, sau đợt dịch lần thứ tư bùng phát, sẽ có thêm nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, đồng nghĩa, số nhân sự còn đang cố bám trụ với ngành thời điểm này thực sự bấp bênh như đứng trước bờ vực.
 
Trước khó khăn của doanh nghiệp, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu Chính phủ không kịp thời có những chính sách hữu hiệu để cứu doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch thì cả thị trường nội địa lẫn quốc tế tương lai đều rất mịt mù. “Các Bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng lộ trình, có giải pháp cấp bách tháo gỡ những bất cập cho doanh nghiệp, cũng như đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp du lịch “hồi sức” kịp thời” - ông Phạm Hà nhấn mạnh.
 
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Hoa Quỳnh
Theo: congthuong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.958.592
Đang truy cập 33.060